Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.851 tác phẩm
2.760 tác giả
265
123.088.881

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Liên hoan phim Cannes 2010: 6 phim châu Á tranh giải Cành cọ vàng
Sau thành công của các phim châu Á tại Cannes năm 2009 cũng như sự tăng doanh thu phòng vé tại khu vực, các nhà làm phim châu Á đến Cannes 2010 (từ 12 đến 23-5) với nhiều hi vọng. Có sáu phim từ châu Á có mặt trong 18 phim tranh giải Cành cọ vàng năm nay.

Bộ phim Poetry của Hàn Quốc nói về một phụ nữ tìm kiếm ý nghĩa mới của cuộc sống khi đã ở bên dốc cuối của đường đời - Ảnh: oneasianworld.com

 

Trong số phim tranh giải chiếm 1/3 này, Hàn Quốc có hai phim là Poetry (Thơ) của Lee Chang Dong và The housemaid (Người giúp việc) của Im Sang Soo. The housemaid có sự tham gia diễn xuất của Jeon Do Yeon - người từng đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Cannes 2007.

 

Trung Quốc, Iran, Nhật Bản và Thái Lan cũng có mặt. Nhật Bản có Outrage của đạo diễn Takeshi Kitano, Thái Lan có Uncle Boonmee who can recall his past lives của đạo diễn Apichatpong Weerasethakul và Iran góp mặt với Certified copy (Pháp, Ý, Iran) của đạo diễn Abbas Kiarostami - người lần đầu tiên đến với điện ảnh châu Âu. Phim có sự tham gia diễn xuất của ngôi sao Pháp Juliette Binoche đã được ban tổ chức đánh giá mộc mạc, không hề phô trương.

 

Cùng một sự mộc mạc còn có phim của hai quốc gia lần đầu tranh giải Cành cọ vàng: Chad với A screaming man (Người la hét) của Mahamat-Saleh Haroun và Ukraine với My joy (Niềm vui của tôi - Ukraine, Ðức) của đạo diễn Sergei Loznitsa.

 

Trong khi đó, điện ảnh Hoa ngữ tham gia tranh giải Cành cọ vàng với bộ phim Nhật chiếu Trùng Khánh (Mặt trời chiếu ở Trùng Khánh) của đạo diễn Vương Tiểu Soái. Nhật chiếu Trùng Khánh dựa trên một câu chuyện có thật do nam nữ diễn viên Vương Học Bân và Phạm Băng Băng thủ vai chính.

 

Ðạo diễn Vương Tiểu Soái là người từng được giới điện ảnh và khán giả biết đến qua hai bộ phim giành giải thưởng Gấu bạc tại Liên hoan phim Berlin là Xe đạp tuổi 17 và Trái phải. Năm 2005, bộ phim Thanh Hồng của ông cũng đã gây tiếng vang lớn tại Liên hoan phim Cannes lần 58 khi nhận được giải thưởng lớn của ban giám khảo.

 

Trung Quốc còn có một phim tranh giải ở hạng mục Un certain regrad (Dấu ấn sáng tạo nổi bật) là bộ phim tài liệu Thượng Hải truyền kỳ của đạo diễn Giả Chương Kha - đạo diễn từng nhận giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice năm 2006 với bộ phim Người tốt ở Tam Hiệp. Các phim còn lại tranh giải Cành cọ vàng đến từ Pháp, Mỹ, Anh, Tây Ban Nha...

 

Tố cáo lòng tham của con người là chủ đề xuyên suốt liên hoan phim nổi tiếng năm nay, với bộ phim tài liệu Inside job (Bên trong thế giới ngầm) điều tra về cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đưa cả thế giới tới bờ vực của sụp đổ kinh tế. Còn Cleveland vs. Wall Street (Cleveland chống lại Wall Street) lại đưa ra phiên tòa giả định mà các nạn nhân của khủng hoảng tín dụng thứ cấp tại một thành phố nhỏ chống lại các ngân hàng lớn và những người môi giới cầm cố.

 

Nhưng Cannes sẽ không phải là Cannes nếu không có những tranh cãi. Năm nay tranh cãi đã nổ ra quanh một trong 18 phim tranh giải Cành cọ vàng - phim về quá khứ thực dân của Pháp ở Algeria trong Outside of the law của đạo diễn Rachid Bouchareb. Các nhóm cánh tả tuyên bố sẽ biểu tình bên ngoài các phòng chiếu phim, và một thành viên của Quốc hội Pháp chỉ trích bộ phim là muốn viết lại lịch sử.

 

Khoảng 10.000 người trong nghề và 4.000 phóng viên cùng hàng ngàn người yêu thích phim ảnh sẽ dự 12 ngày liên hoan phim. Douglas, Crowe và Blanchett sẽ là những ngôi sao hạng A bước trên thảm đỏ của Cannes năm nay cùng với Sean Penn, Anthony Hopkins, Naomi Watts và Javier Bardem. Liên hoan phim có 63 năm lịch sử này sẽ do đạo diễn Tim Burton (phim Alice in wonderland) làm chủ tịch ban giám khảo. "Tại Cannes, bạn vừa có phim lớn từ phim trường Hollywood, và một nhà làm phim chưa từng được biết đến từ Ukraine với một bộ phim mang tính thử nghiệm tại liên hoan" - giám đốc liên hoan Thierry Fremaux nói để kết luận về tính đa dạng của sự kiện.

 

 

Tuần lễ phê bình quốc tế tại Cannes

 

Bên cạnh Bi, đừng sợ! của VN, sáu phim dài khác được lựa chọn chính thức trình chiếu và dự thi trong khuôn khổ Tuần lễ phê bình quốc tế tại Cannes năm nay đều là phim đầu tay. Nghĩa là ngoài các giải thưởng họ có thể được nhận như Giải thưởng lớn (các nhà báo, phê bình phim bỏ phiếu), giải SACD cho biên kịch xuất sắc nhất, giải ACID/CCAS (Hiệp hội Các nhà phát hành phim độc lập lựa chọn)... thì cả bảy phim đều có cơ hội tranh giải Camera vàng cho phim đầu tay.

 

Đạo diễn trẻ nhất của bảy phim dài năm nay là Boo Junfeng (Singapore) sinh năm 1983, Rebecca Zlotowski là gương mặt đạo diễn nữ duy nhất đại diện nước chủ nhà, sinh năm 1980. Phim Armadillo của đạo diễn Janus Metz (sinh năm 1974) đến từ Đan Mạch cũng là phim tài liệu duy nhất của hạng mục này. Bảy phim dài cùng với bảy phim ngắn và chín phim khách mời sẽ được chiếu từ ngày 13 (mỗi phim có sáu suất chiếu) và trao giải vào ngày 21-5. Giải Camera vàng được công bố vào ngày 23-5 cùng với lễ bế mạc Liên hoan phim Cannes.

 

Phim Bi, đừng sợ! của Phan Đăng Di đến từ VN sẽ được chiếu từ ngày 19 đến 21-5.

 

Phan Thành Minh (vai Bi) trong phim Bi, đừng sợ!  - Ảnh do đoàn phim cung cấp

H.NGUYÊN - LỆ Ý - TTO theo AFP, China.com