Sáng 11.5, khi đến đoạn Hoàng thành Thăng Long đang bị san ủi trên phố Hoàng Hoa Thám để tìm hiểu tình hình, PV Thanh Niên đã gặp ông Lê Thanh Hoa, 64 tuổi, giáo viên về hưu, hiện tạm trú tại số nhà 286G đường Hoàng Hoa Thám, là người suốt 3 tháng nay đã chứng kiến cảnh san ủi đoạn Hoàng thành này để làm đường. Ông Hoa cho biết: “Khoảng 21 giờ 30 tối 10.5, họ lại tiếp tục đưa xe đến xúc ủi đoạn thành này tới nửa đêm, có 5 xe tải cỡ lớn, nối đuôi nhau ồ ạt chở đất đem đi đổ. Họ đã làm thế suốt 3 tháng nay rồi, công việc san ủi toàn tiến hành vào ban đêm”.
PGS khảo cổ học Nguyễn Lân Cường cho rằng, ngày 10.5, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã có công văn thông báo việc tạm dừng thi công đoạn đường này để mời các nhà khảo cổ vào nghiên cứu, vậy mà đơn vị thi công vẫn tiến hành xúc ủi đoạn Hoàng thành, điều này cho thấy họ coi thường pháp luật. Về việc thiết kế nút giao thông Văn Cao - Hồ Tây đoạn cắt phố Hoàng Hoa Thám, ông Cường đặt câu hỏi tại sao không thiết kế một chiếc cầu vượt qua đoạn Hoàng thành này mà lại thiết kế cầu vượt dọc đường Hoàng Hoa Thám với những cột trụ bê tông cắm vào lòng Hoàng thành: “Hà Nội có thừa tiền để làm cầu vượt để giữ nguyên đoạn Hoàng thành này. Tại sao họ không làm?".
Những cảnh báo bị lãng quên
Cách đây 10 năm, PGS-TS Tống Trung Tín, Viện phó Viện Khảo cổ học VN (nay ông Tín là Viện trưởng) đã có công văn 166/KCH ngày 19.10.2000, gửi cơ quan chức năng của TP Hà Nội khẳng định: “Theo báo cáo của PGS-TS Trịnh Sinh, cán bộ Viện Khảo cổ học thì một số di tích thành cổ thời Lê Hồng Đức đã có mặt trên bản đồ, nay có thể bị xâm phạm do việc quy hoạch xây dựng TP Hà Nội trong tương lai. Ngày 18.10.2000, một số nhà khoa học nghiên cứu về Hà Nội đã đến tận hiện trường xem xét (đoàn gồm có PGS-TS Trịnh Sinh, PGS-TS Đỗ Văn Ninh, PGS-TS Hà Đình Đức) và nhận thấy những vết tích thành cổ mà đã được thời Hồng Đức (năm 1490) vẽ lại nay vẫn còn đó. Đó là các phố Hoàng Hoa Thám và đường Bưởi hiện tại đang nằm trên mặt đoạn thành cổ này. Để góp phần giữ gìn lịch sử văn hóa dân tộc, cũng là góp phần tư vấn giúp các cơ quan chức năng Hà Nội làm vấn đề quy hoạch, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần có chương trình nghiên cứu lâu dài về các đoạn thành cổ này (có thể nằm trong chương trình nghiên cứu 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội). Đồng thời, cũng cần có những cuộc tọa đàm khoa học đánh giá đúng mức giá trị của các đoạn thành trên để các nhà khoa học có thể tham gia rộng rãi”. Sau gần 10 năm, đọc lại công văn trên, hẳn không ít người ngậm ngùi khi phải thấy cảnh đoạn Hoàng thàng Thăng Long vừa bị xúc đổ trên đường Hoàng Hoa Thám.
PGS Nguyễn Lân Cường cho biết thêm: “Ngay từ năm 2002, Viện Khảo cổ học đã có hẳn một công trình khoa học nghiên cứu việc bảo tồn đoạn Hoàng thành trên phố Hoàng Hoa Thám (đã được nghiệm thu) và gửi lên UBND TP Hà Nội, nhưng mọi việc đã rơi vào im lặng”.
Và như Thanh Niên đã đưa tin, đến năm 2006, chính các nhà quản lý di sản văn hóa của Bộ Văn hóa - Thông tin khi đưa ra vấn đề “di tích thành Đại La có nguy cơ bị xóa sổ” cũng bị TP Hà Nội bỏ qua.
PGS-TS Trịnh Sinh khẳng định, khi dự án mở đường trên phố Hoàng Hoa Thám mới chỉ có ý định ban đầu thì ông và PGS-TS Hà Đình Đức đã có phát biểu trên Đài truyền hình Việt Nam (VTV) và Truyền hình số VTC đưa ra những cảnh báo. Những thông tin khoa học cùng với những văn bản chính thức của các cơ quan nhà nước như Cục Di sản và Viện Khảo cổ học, tất cả đều đã bị lãng quên. Trách nhiệm này thuộc về ai, đề nghị cơ quan chức năng của TP Hà Nội làm rõ và trả lời trước công luận
Hố móng bê tông khoét sâu vào lòng Hoàng thành - Ảnh: Ngọc Thắng