Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.851 tác phẩm
2.760 tác giả
267
123.089.200

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Kiếm tìm những bức ảnh của cuộc đời
Tim Page, cựu phóng viên ảnh chiến trường nổi tiếng của UPI - Mỹ không còn xa lạ với công chúng Việt Nam khi cách đây chục năm, cuốn sách ảnh “Requiem” (Hồi niệm) về các phóng viên nhiếp ảnh đã tử nạn trên chiến trường Đông Dương do anh là đồng tác giả.

Hôm qua, 15/5, Tim xuất hiện tại Fortuna Hotel (6B Láng Hạ, HN) trong hội thảo “Canon – Bí mật đằng sau những bức ảnh” nằm trong khuôn khổ khóa đào tạo kỹ năng và nghiệp vụ ảnh báo chí do Canon, Vietnamnet và Quỹ tưởng niệm báo chí Đông Dương (IMMF) đồng tổ chức.

 

* Cảm giác mạnh mẽ thông qua mỗi bức ảnh

 

Thực ra Tim đã đến Việt Nam từ đầu tháng 5, cùng với nhiều tay máy “khủng” của các hãng thông tấn nổi tiếng thế giới như Nick Út - phóng viên ảnh kỳ cựu của Hãng thông tấn AP, David Guttenfelder - giải nhì thể loại People In The News (Nhân vật trong dòng thời sự) của World Press Photo 2010. Ngoài ra, còn có các nhiếp ảnh gia kỳ cựu như: David Leeson, Gaby Somer và Chikako Yatabe và Steve Northup, trong đó Steve đã làm trong ngành nhiếp ảnh hơn 40 năm, từng làm việc chính thức với vai trò nhiếp ảnh gia cho United Press International, Washington Post và Time Magazine.

 

Có rất nhiều đặc điểm quen thuộc để Tim không thể lẫn với bất kỳ ai đó là mái tóc bạch kim, vẻ mặt trầm tư, kín đáo, với những bước đi chậm dãi vì di chứng từ những mảnh đạn của chính lính Mỹ trong một trận càn ở Tây Ninh, khiến ông trở thành một nhân chứng, hay nói chính xác hơn, là một nạn nhân điển hình của những nỗi ám ảnh chiến tranh mà ông đã từng trải qua.

 

Để không bị hủy diệt, trong các cuộc chiến tranh vẫn đang còn tiếp diễn đâu đó trên thế giới này, người ta thường phải tự trang bị cho mình một loại “vũ khí” không chỉ để phòng thân, để chiến đấu mà có khi chỉ để cho mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến. Tim cũng vậy! Khi đến Việt Nam, thời chiến hay đã hòa bình, thì “vũ khí” Tim mang bên mình vẫn chỉ là chiếc máy ảnh Leica. Bằng vũ khí ấy, Tim đã thực thi nhiệm vụ của mình đối với độc giả khi phơi bày về sự thật của chiến tranh, cũng như những khoảnh khắc cuộc sống bình dị qua những bức ảnh. Trước đây, với Tim, chiến tranh là một cái gì đó vừa như là một thách thức đầy hấp lực, vừa là điều đã làm tổn thương ông mà chính ông cũng chẳng hiểu nổi.

 

Tim chia sẻ: “Có thể tôi đã rất điên rồ khi ban đầu quá ảo tưởng vào cuộc chiến. Nhưng những bức ảnh thì không. Tôi đã trưởng thành từ chiến tranh, trong chiến tranh và đã nhận thức, cho ra đời những những bức ảnh chuẩn mực về chiến tranh cho đến tận ngày hôm nay. Tôi rồi sẽ già yếu, nhưng sẽ luôn có cảm giác mạnh mẽ thông qua mỗi bức ảnh tôi đã ghi lại trong đời…”.

 

* Yêu Việt Nam như quê hương thứ hai

 

Tim Page đến Việt Nam năm 1965. Mặc dù “dự phần cuộc chiến” không lâu nhưng Tim đã nhanh chóng trở thành một trong những phóng viên chiến trường danh tiếng nhất với những bức ảnh về “bộ mặt thực của chiến tranh”.

 

40 năm qua Tim vẫn thường xuyên quay trở lại Việt Nam và lần tham gia khóa đào tạo kỹ năng và nghiệp vụ ảnh báo chí cho các PV Việt Nam lần này là lần thứ 61 ông đến Việt Nam kể từ ngày hòa bình lập lại. Tim nói: “Bây giờ Việt Nam đã thay đổi nhiều. Tôi đã từng ví Việt Nam sau những năm 80 của thế kỷ trước như một quả bóng tuyết rất lớn chứa đựng nhiều điều bí ẩn ở bên trong và đang lăn đi với tốc độ không thể cản. Bằng chứng là nếu như cách đây hơn 20 năm, khi tôi đến Việt Nam, đất nước các bạn còn rất nghèo, bây giờ thì chẳng những đủ ăn đủ mặc mà đã tiến đến kỷ nguyên của internet, của mobile. Trước đây các bạn chỉ có những chiếc máy bay rất cũ, bây giờ thì các bạn đã có Airbus, Boeing…”.

 

 

Địa danh ở Việt Nam mà Tim nhớ nhất là Quảng Trị. Nơi đó, theo Tim cho biết, vào năm 1990, khi bắt đầu dự án IMMF (Quỹ báo chí tưởng niệm Đông Dương) Tim có mang về Việt Nam một cây bồ đề từ Campuchia. Sau đó ông mang cây bồ đề này đến sông Bến Hải và trồng ở đó như một tưởng niệm âm thầm cho tất cả những người đã hy sinh trong cuộc chiến. Quảng Trị cũng chính là nơi ông bắt đầu sự nghiệp, thành công và nhận ra bộ mặt thật của chiến tranh bằng những bức ảnh đầu tiên gây sửng sốt đối với thế giới qua bộ sách ảnh và triển lãm Requiem (Hồi niệm) – tập hợp những bức ảnh của các nhà nhiếp ảnh đã ngã xuống trong chiến tranh ở Đông Dương.

 

Tim yêu Việt Nam như quê hương thứ hai của mình. Ông thích Hà Nội vì cho rằng Hà Nội đẹp nền nã và hiền lành…

 

* Ghi lại những khoảnh khắc của cuộc sống

 

Khi được hỏi, ông tìm kiếm những gì ở Việt Nam sau những năm chiến tranh? Tim nói: “Thời bình, dù ở Việt Nam hay bất kỳ nơi nào trên thế giới, tôi đều cố gắng tìm kiếm những khoảnh khắc kì diệu của cuộc sống thường ngày. Không thể nói được mỗi một ngày đã có bao nhiêu điều trải qua ống kính của tôi. Một nhà nhiếp ảnh mà không luôn luôn mang máy ảnh bên mình thì cũng giống như một quán bar, một Club mà không bán bia vậy, nó chẳng có ý nghĩa gì cả. Chiếc máy ảnh chính là cuốn sổ khi chép của tôi, là cây cọ vẽ tranh của tôi… về cuộc sống”.

 

Đã đi nhiều nơi, chụp ảnh ở nhiều nơi và có rất nhiều dự án nhiếp ảnh ở khắp nơi trên thế giới, Tim luôn mang theo máy ảnh bên mình như một bảo bối và chụp từ trong nhà đến ngoài phố và cố gắng tìm kiếm những khoảnh khắc kỳ diệu của cuộc sống. Tim bảo: “Nhiều người bảo tôi nên “dưỡng già”. Đồng ý là như vậy nếu tôi không còn đi được nữa".

 

Còn giờ đây, Tim vẫn tiếp tục hành trình … “Mỗi ngày, tôi đi ra ngoài và cố gắng nắm bắt những điều đang diễn ra xung quanh, tôi không biết trước rằng mình sẽ chụp gì, mặc dù cũng có khi tôi lên kế hoạch. Giống như trong chiến tranh, bạn không bao giờ biết trước được rằng bạn sẽ chụp gì trong cuộc chiến đó, và trong cuộc sống đời thường cũng vậy…”. Đó chính là cách Tim kiếm tìm những bức ảnh của cuộc đời mình.

 

Tim Page sinh năm 1944 tại Anh, là phóng viên chiến trường cho UPI và AP tại Việt Nam từ năm 1965 đến 1969. Ông là người sáng lập ra Indochina Media Memorial Foundation (IMMF - Quỹ tưởng niệm báo chí Đông Dương) một quỹ từ thiện phi lợi nhuận - tưởng niệm các nhà báo, các nhà nhiếp ảnh đã hy sinh từ năm 1945 đến 1975 và hỗ trợ truyền thông ở các nước Đông Dương. 

 

Ảnh:  Tim Page tại một triển lãm

Yên Khương - TT&VH