Có thể chẳng có gì đặc biệt, trừ việc đây là lớp học đầu tiên của người Mường được đào tạo về lý luận sáng tác. Đây cũng là lớp học thực nghiệm thành công đầu tiên của Học viện Âm nhạc quốc gia VN dành cho người dân tộc thiểu số sáng tác ở Hòa Bình.
Trên sân khấu, cạnh những nhạc cụ vốn có của dàn nhạc giao hưởng còn có sự xuất hiện của dàn cồng, chiêng, sáo ôi và một cô gái trong trang phục dân tộc Mường đứng hát. Dưới khán đài là những khán giả còn nguyên vẻ mộc mạc, ngơ ngác với áo xống giản dị. Thế nhưng họ lắng nghe âm nhạc một cách hết sức chăm chú và thỉnh thoảng còn làm những động tác phụ họa. Họ, những khán giả ấy, hầu hết là người Mường đến từ Hòa Bình, là người thân của bốn chàng trai người Mường đang bảo vệ tác phẩm tốt nghiệp.
Những tác phẩm được biểu diễn hôm ấy đều pha trộn giữa nhạc giao hưởng hiện đại phương Tây và âm nhạc dân gian Mường cùng những nhạc cụ của người Mường thường dùng trong những dịp lễ hội.
Những ánh mắt ngưỡng mộ, vui tươi của khán giả lấp lánh trên khuôn mặt, khi những bản nhạc thơ giao hưởng mang tên Huyền thoại xứ Mường (Đinh Tùng Bách), Nắng ấm bản Mường (Đinh Thanh Lượng) và Tổ khúc giao hưởng của Bùi Hữu Trí vang lên.
Thông qua Huyền thoại xứ Mường, Đinh Tùng Bách đã kể về xứ Mường từ khi Đẻ đất đẻ nước, trong đó gợi mở phản ánh đời sống sinh hoạt của cộng đồng người Mường và một số dân tộc anh em đang sinh sống trên các xứ Mường lớn nhất VN hiện nay: Mường Bi, Mường Vạt...
Đây là lần đầu tiên Đinh Tùng Bách mạnh dạn đưa thêm cồng chiêng vào dàn nhạc giao hưởng, kết hợp giữa âm nhạc dân gian và cổ điển. Đinh Tùng Bách nói sở dĩ anh thử nghiệm táo bạo như thế là vì âm nhạc dân gian của xứ Mường rất phong phú; trong tất cả lễ hội, các thể loại dân ca và hát ru rất đa dạng và các nhạc cụ như sáo ôi, cồng chiêng luôn được sử dụng. Và khi âm nhạc dân gian của người Mường ăn sâu vào tiềm thức người dân Mường, việc sáng tác những ca khúc, những bản nhạc pha trộn giữa âm nhạc hiện đại, bác học với âm nhạc dân gian giúp những người dân tộc trong bản làng có thể thưởng thức được âm nhạc hiện đại một cách giản dị, dễ hiểu nhất.
Cả bốn học viên người Mường hiện đều đang công tác tại Đoàn Nghệ thuật các dân tộc tỉnh Hòa Bình. Sau khi kết thúc khóa học, họ sẽ trở về bản Mường của mình để biểu diễn những gì đã học được cho bà con nghe vào những dịp lễ tết hay mừng năm mới.
Cánh cửa dân gian - hiện đại
Giáo sư Phạm Minh Khang - giảng viên khoa lý luận sáng tác chỉ huy, chủ nhiệm lớp học - “thở phào” khi buổi biểu diễn báo cáo tác phẩm tốt nghiệp kết thúc: Sẽ không có gì đáng nói nếu đó chỉ là những bản giao hưởng bình thường. Trước đây cũng đã có một số nhạc sĩ đưa nhạc cụ dân gian vào dàn nhạc giao hưởng, nhưng đây là lần đầu tiên chính những người dân tộc thiểu số đưa nhạc cụ dân tộc thiểu số vào dàn nhạc. Thành công của những học viên người Mường này hoàn toàn có thể mở ra cánh cửa đi vào âm nhạc dân gian nói chung, âm nhạc của người dân tộc thiểu số nói riêng nhờ âm nhạc hiện đại và ngược lại.
Sự xuất hiện của dàn cồng chiêng, của sáo, của dân ca Mường bên dàn nhạc giao hưởng cho thấy việc khai thác và đưa âm nhạc dân gian đến gần với các loại hình âm nhạc khác là không quá khó.
Buổi báo cáo tác phẩm tốt nghiệp của các học viên dân tộc Mường - Ảnh: H.Điệp