Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
664
123.238.759

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
“Ông chằn vui tính” và những gốc cây “quái vật”
Nghệ nhân Sơn Kinh, 74 tuổi ở ấp Bưng Chông, xã Tài Văn, huyện Mỹ Xuyên - Sóc Trăng được nhiều người trong "sóc" gọi là "ông chằn vui tính". Bởi lẽ hằng ngày ông luôn đục đẽo những gốc cây cho ra những "quái vật" có khi là rắn hổ đất, khỉ, bìm bịp, người cá, tắc kè, thằn lằn sấm, các vị thần và những chiếc mặt nạ trong các vở tuồng cổ Rôbăm.

Có khi vui với bè bạn ông còn biểu diễn đàn cò, các nhạc cụ trong dàn nhạc ngũ âm và hát nhạc cổ của người Khmer làm vui cả "sóc".

 

Ngôi nhà nhỏ của nghệ nhân Sơn Kinh ở bưng cuối cùng, vùng nông thôn sâu (Bưng Chông) lý thú như một viện bảo tàng nhỏ với những tác phẩm bằng gỗ mang đậm bản sắc văn hóa đặc thù của người Khmer Nam Bộ. Ngoài những mặt nạ tuồng cổ còn có một con khủng long dài 4m được làm từ cây dừa hết sức ấn tượng. Nghệ nhân còn chế tác ra nhiều tòa tháp gỗ, tượng Phật tặng cho các chùa Trà Cuông, Bưng Sa, Lao Vêl, Luông Bassac... (Sóc Trăng) và làm mô hình ghe ngo, đầu khỉ Hanoman, tháp đựng cơm, vòng gặt, nọc cấy cho Bảo tàng Khmer Sóc Trăng. Thấy qua sản phẩm, tưởng đồ nghề của nghệ nhân phải công phu lắm nào ngờ thật đơn giản, chỉ vài cây cưa, búa đẽo, dao móc, đục. Tất cả đều là kỷ vật của cha để lại.

 

Nghệ nhân Sơn Kinh cho biết, duyên cớ để ông say mê với bộ môn nghệ thuật này thật tình cờ. Từ nhỏ, mỗi khi đi ruộng làm cỏ, cứ gặp gốc, rễ cây - nhất là rễ bình bát, trâm bầu có hình thù lạ là ông lại ngắm nghía để chặt, đẽo. Ban đầu đẽo trang trí cán dao, cán phảng, cù nèo, lưỡi hái... sau đó nâng dần đến con rắn, cá, chim... để trưng bày trong nhà, riết rồi mê. Thậm chí nhiều khi đi làm đồng thấy da bị "mốc cời" sậm phèn, lại dùng gai vẽ lên bắp đùi, bắp tay những hình thù mục đồng chăn trâu, nông dân cắt lúa, đập lúa... Ông cho rằng, một tác phẩm hoàn chỉnh phải thể hiện được "hồn sống" từ cảm nhận của con tim mình. Ông vốn cẩn thận với từng đường nét chạm trổ, từng vết sơn để thể hiện cá tính của từng nhân vật. Phật phải ra nét hiền từ nhân hậu, chằn phải ra nét dữ tợn... Theo nghệ nhân, tác phẩm đẹp hay xấu không phụ thuộc nhiều vào dụng cụ chế tác, mà cái chính là do suy nghĩ, tình cảm của mình được truyền qua từ đôi bàn tay chai cứng này đây. Hiện nay, nghệ nhân Sơn Kinh đã có người con trai thứ 4 nối nghiệp. Hai cha con phối hợp tạo ra ngày càng nhiều những tác phẩm lớn hơn như: bàn thờ, tượng, khánh vàng, tháp thờ cho nhiều chùa trong tỉnh Sóc Trăng và nhất là sản xuất mặt nạ cho các đoàn ca múc nhạc dân tộc, sản xuất đàn cò, cờ ốc cho ngành văn hóa, bảo tàng trong khu vực ĐBSCL. Hiện ông đã chiêu mộ được 10 đệ tử theo học nghề và đây là hạnh phúc lớn nhất của ông. Trong những ngày diễn ra lễ hội Ooc-om-booc, ngôi nhà nhỏ của ông lại tấp nập khách thập phương đến viếng thăm.

- Theo Thanh niên Online