Ngoài các hiện vật đồ đá, đồ gốm và đồ đồng đạt đến độ tinh xảo của kỹ thuật chế tác còn có hệ thống mộ táng, thành lũy, lò đúc đồng cho phép các nhà khảo cổ học có cái nhìn sâu sắc hơn về đời sống của cha ông 4.000 năm về trước.
Tay nâng niu lưỡi cắt bằng đá quý xanh ngọc của lớp văn hóa sâu nhất: văn hóa Phùng Nguyên, TS Nguyễn Hải Kế - chủ nhiệm khoa lịch sử Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội - xúc động: “Hiện vật đẹp quá! Sau 4.000 năm ta lại chạm vào cha ông”.
Cả một nền văn minh hiện hữu
Bóc tách từng lớp đất, TS Lại Văn Tới (Viện Khảo cổ học) khẳng định: nếu như Thành Dền (Mê Linh, Hà Nội) chỉ có một tầng văn hóa là Đồng Đậu thì ở Đình Chàng, hội tụ cả bốn tầng văn hóa của nền văn minh sông Hồng.
“Ở tầng văn hóa sâu nhất - Phùng Nguyên, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều minh chứng về nơi cư trú như bếp lửa, tro than, xương động vật bị đốt cháy, vỏ nhuyễn thể... Phùng Nguyên chỉ có đồ đá, đồ gốm và đạt đến đỉnh cao nhất của kỹ thuật chế tác. Nó nằm ở lớp sâu nhất của địa tầng” - TS Lại Văn Tới, phụ trách hố khai quật, cho biết.
Đặc biệt, những hiện vật thuộc lớp văn hóa Phùng Nguyên còn hé mở về cách thức trang trí và mỹ cảm của người Việt cổ. Trong số các mảnh gốm được tìm thấy có cả tượng một con rùa đang bơi, một loài bốn chân đầu giống đầu rùa và thân giống hải cẩu... Độc đáo hơn, trên một chạc gốm còn có hình vẽ khuôn mặt của một phụ nữ.
Tại hố khai quật còn xuất hiện khá nhiều mộ táng Phùng Nguyên và Đồng Đậu cùng các loại trang sức được chôn theo. Trong các mộ táng Phùng Nguyên chỉ còn tồn tại một ít xương răng, các hạt chuỗi và mảnh vòng được chế tác rất tinh tế. Bảy mộ táng Đồng Sơn còn khá nguyên vẹn với hệ thống xương cốt và các trang sức bằng đồng tinh xảo.
Người Đông Sơn chôn người chết khá sâu, có ba mộ táng được chôn sát đất sinh thổ, gần với mộ táng Phùng Nguyên.
Điều đặc biệt thú vị là các lớp văn hóa từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn phân cách nhau khá rõ ràng. Sát mặt đất là lớp văn hóa Đông Sơn rồi đến Gò Mun, Đồng Đậu, cuối cùng là Phùng Nguyên. Đặc biệt, giữa lớp văn hóa Gò Mun và Đồng Đậu được chia tách với nhau bởi một lớp đất vô sinh ngăn cách.
Phát hiện này giúp các nhà khảo cổ khẳng định quá trình chuyển biến liên tục nhưng rõ rệt giữa các nền văn hóa của văn minh sông Hồng.
Lò đúc đồng và lũy tiền tiêu?
Ngay khi khai quật lớp văn hóa Đông Sơn đầu tiên, không ít nhà khảo cổ học đã ngỡ ngàng trước một hệ thống 45 bếp lò bố trí dày đặc theo hướng tây bắc - đông nam. Ngoài ra, một lượng lớn nồi nấu đồng, khuôn đúc đồng và các hiện vật bằng đồng thau xuất hiện dày đặc trên một diện tích khai quật chỉ 300m2.
TS Lại Văn Tới cho biết người Việt từ hàng ngàn năm trước đã rất tiến bộ trong việc xây dựng các bếp lò đúc đồng. Bếp dù được đắp bằng đất nhưng bên trong lại được gia cố bằng một hệ thống tre đan thành khung.
Những kết quả khai quật của sáu lần trước đó, các nhà khoa học chỉ dám khẳng định đây là khu vực cư trú và mộ táng của cư dân Đình Chàng. Tuy nhiên, TS Tới khẳng định: với phát hiện hệ thống bếp lò, chúng ta có thể dự đoán đây là công xưởng sản xuất đồ đồng.
Bên cạnh đó, khi đào đến các tầng văn hóa bên dưới, TS Tới và nhóm khảo cổ lại có thêm một phát hiện thú vị khác, đó là hệ thống lỗ chân cột cũng phân bố theo hướng đông bắc - tây nam. Một dãy bao gồm 11 hố chân cột, một dãy có 16 hố chân cột với khoảng cách giữa các hố khác đều nhau. Phía ngoài hố chân cột, nền đất thoải xuống, xuất hiện than được tạo thành do cây cối bị vùi lấp.
Từ những phát hiện này, nhóm khai quật chắc chắn đây là hệ thống chân cột gia cố bờ sông Hoàng Giang. Hơn nữa, xét trong quan hệ với thành Cổ Loa thì đây có thể là lũy tiền tiêu của thành Cổ Loa.
TS Tới tiếc rẻ nhìn sang phía bên kia đường: “Theo khảo sát thì phía đó mật độ hiện vật còn dày đặc và đẹp hơn cả bên này. Trong khoảng 20.000m2 khu vực Đình Chàng đâu đâu cũng có hiện vật khảo cổ. Tuy nhiên, đến giờ tôi cũng bó tay, không thể đào tiếp sang được nữa”.
Dù đây là lần khai quật thứ bảy song vẫn thực hiện theo cách thức đào hố. TS Lại Văn Tới bày tỏ: đây vẫn là cách khai quật cổ điển suốt hàng chục năm nay, các nhà khảo cổ vẫn làm khoa học “theo kiểu ô ăn quan, đào đến đâu biết đến đấy”.
Nguyên nhân của hiện tượng này, TS Tới giải thích từ xưa đến nay các nhà khảo cổ thiếu gắn kết, anh nào đào biết anh đấy. Hơn nữa, trong vòng 40 năm qua, các tỉnh cứ tách ra nhập vào, theo đó, hiện vật cũng chia đi chia lại dẫn đến những mất mát không tránh khỏi.
Mới đây, tại cuộc họp báo công bố kết quả khai quật ở khu vực Thành Dền (Mê Linh, Hà Nội), PGS.TS Hán Văn Khẩn cảm thán: hầu hết các di tích đều được khai quật liên tục từ 40 năm nay nhưng tài liệu các lần khai quật trước ở đâu? Di tích luôn có sự biến đổi nhưng chúng ta không giữ được tài liệu thì sau này sẽ làm thế nào? PGS.TS Tống Trung Tín - viện trưởng Viện Khảo cổ học - lý giải những bất cập trong khai quật khảo cổ hiện nay do cơ chế quản lý không thống nhất suốt một thời gian dài, mỗi nơi làm mỗi kiểu.
]
Một phần hố chân cột được dự đoán là lũy tiền tiêu của thành Cổ Loa - Ảnh: VƯƠNG ANH