Bất ngờ bởi danh sách ban chấp hành (BCH) nhiệm kỳ mới (gồm tám thành viên) hầu hết không phải là người do BCH cũ đề cử. Trong 11 người do BCH cũ đề cử chỉ có nhà thơ Trương Nam Hương và nhà văn Trần Văn Tuấn còn ở lại. Có những người ngẫu nhiên, ngẫu hứng được đề xuất như Bích Ngân, Phan Hoàng, Hoàng Đình Quang, Phạm Sỹ Sáu, Huỳnh Dũng Nhân... đã vào luôn BCH bằng lá phiếu của các đồng nghiệp.
Ban chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM nhiệm kỳ 2010-2015 gồm: chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM: nhà phê bình, nhà thơ Lê Quang Trang; phó chủ tịch: nhà thơ Phạm Sỹ Sáu và nhà văn Trần Văn Tuấn; các ủy viên: Trương Nam Hương, Phan Hoàng, Bích Ngân, Huỳnh Dũng Nhân, Hoàng Đình Quang.
Nhưng bất ngờ nhất là chức chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM được trao cho ông Lê Quang Trang, nguyên tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết, hiện là chủ tịch hội đồng lý luận phê bình Hội Nhà văn VN. Vốn sinh sống và làm việc tại Hà Nội, ông Lê Quang Trang mới chuyển vào sống tại TP.HCM vài ba năm nay.
Danh sách BCH nhiệm kỳ mới tuy có những bất ngờ nhưng cũng chưa nói lên được điều gì, mà phải chờ đợi bằng những việc làm cụ thể. Nếu nhìn từ khán phòng nhà hát Bến Thành thì thấy có những khoảng trống mà những người làm công tác hội cần phải nỗ lực lấp đầy. Đó là khoảng trống có thể nhìn thấy ngay bằng mắt: con số tham dự đại hội chỉ non một nửa danh sách hội viên (Hội Nhà văn TP.HCM hiện có 355 hội viên). Kiên nhẫn ngồi nghe đọc tham luận (hầu hết của những người cao tuổi) cũng thấy chung chung, nhạt nhòa kỷ niệm đời văn, ước mơ sáng tạo, khuyên nhủ chân thành...
Khoảng trống đó cũng có thể thấy ở chỗ khá đông nhà văn trẻ, lực lượng góp phần làm nên diện mạo sôi động của văn học thành phố, đã không có mặt ở đây cũng như không có mặt trong danh sách hội viên. Đương nhiên là có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan khác nhau. Đương nhiên là mỗi nhà văn được nhìn nhận ở tác phẩm chứ không phải ở cái thẻ hội viên. Song hội nhà văn, vốn được định nghĩa là một “tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp tự nguyện của các nhà văn” lâu nay vẫn hoạt động theo cơ chế bao cấp, sống bằng kinh phí nhà nước tức tiền thuế của dân. Do đó, ai cũng có quyền đòi hỏi hội phải hoạt động hiệu quả.
Chuyện lập trang web, tài trợ in ấn, thăm nom, phúng điếu... xét cho cùng cũng chỉ là những chuyện lặt vặt. Quan trọng hơn, theo như ý kiến của nhiều nhà văn, là nên tạo một không khí đổi mới văn chương thật sự, biết nâng niu những giá trị văn chương thật sự. Không nên cứ mãi kêu “Tại sao nhà văn VN chưa có tác phẩm lớn?” mà nhà văn mới “mon men lớn” đã bị “đứt gánh giữa đường”!
Để làm được như thế quả không dễ. Nhưng chính vì không dễ nên kỳ vọng.
Tân chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Lê Quang Trang (phải) trao hoa cho nhà văn Lê Văn Thảo - nguyên chủ tịch hội - Ảnh: Lam Điền