Thiếu không gian mỹ thuật đô thị
“Cùng với các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, TPHCM còn là nơi đăng cai tổ chức giao lưu các loại hình về văn hóa, nghệ thuật trong khu vực và các nước trên thế giới, giao lưu mỹ thuật của các nước Đông Nam Á hay châu Á... Vì thế, việc xây dựng mới, hiện đại, đạt chuẩn quốc tế những công trình liên quan đến không gian dành cho hoạt động nghệ thuật, mỹ thuật là vô cùng cấp thiết”, họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM bày tỏ.
Trên thực tế, điều mà ai cũng thấy là hệ thống các bảo tàng, nhà triển lãm mỹ thuật… của chúng ta hiện nay chưa đáp ứng sự phát triển của lực lượng nghệ sĩ, càng chưa đáp ứng nhu cầu hội nhập và giao lưu văn hóa.
Ông Huy kể, một lần dự hội nghị, ông có nêu ý kiến đề xuất với lãnh đạo TP khi quy hoạch, xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm nên chú trọng đến không gian cho nghệ thuật phải đúng chuẩn và chuyên nghiệp hơn. Nhiều lãnh đạo TP tỏ ra quan tâm và nói sẽ chú trọng đến điều này.
“Tuy nhiên từ đó đến nay, Hội Mỹ thuật TPHCM chưa nghe thêm thông tin gì về vấn đề này”, ông Uyên Huy nói.
Ở góc độ hẹp hơn, cứ mỗi dịp cuối năm, Hội Mỹ thuật TPHCM lại bối rối với cuộc triển lãm tập hợp tác phẩm của tất cả các trại sáng tác trong năm. Vì không có chỗ trưng bày, năm nào ban tổ chức cũng vất vả chọn lựa lượng tác phẩm giới hạn, số còn lại đành để trong kho vì thiếu chỗ.
Họa sĩ Phạm Đỗ Đồng, nguyên Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, cho biết: Hiện TP chỉ có 3 địa điểm có khả năng thu hút khách tham quan: Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, phòng triển lãm Hội Mỹ thuật TP, Nhà trưng bày và triển lãm TP. Thế nhưng, lịch triển lãm của các nơi này hiện đã kín.
Việc thiếu không gian triển lãm còn làm hạn chế sự giao lưu văn hóa nghệ thuật với các nước. Hội Mỹ thuật TPHCM đã từng từ chối nhiều lời ngỏ của các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật... khi họ đề nghị mang tác phẩm mỹ thuật sang Việt Nam triển lãm, giao lưu.
Chuẩn không gian mỹ thuật – Bao giờ?
“Ở bất kỳ một thành phố lớn nào trên thế giới ngày nay, tượng đài và không gian mỹ thuật đô thị cũng là một trong những bộ mặt văn hóa hấp dẫn nhất, gây ấn tượng mạnh mẽ, khó quên đối với du khách. Chúng ta không đi sau bạn bè quốc tế bao nhiêu về mặt nhận thức tầm quan trọng của tượng đài và không gian mỹ thuật đô thị nhưng lại có khoảng cách quá lớn về chất lượng chuyên môn của các công trình đang có. Trải dài từ Bắc chí Nam, ở đâu chúng ta cũng thấy tượng đài nhưng hầu như chỉ có một kiểu làm, một phong cách điêu khắc, một hình tượng rập khuôn”, họa sĩ Trịnh Cung chia sẻ.
Ông phân tích: “Khuyết điểm phổ biến nhất về mặt mỹ thuật của tác giả những tượng đài này là cứ phóng to lên gấp nhiều lần từ mẫu tượng nhỏ, rồi đem dựng lên. Trong thực tế của không gian công trình tượng đài, sự khác biệt do luật phối cảnh tạo ra khi nó được nhân cao nhiều lần và được đặt trên bệ cao, trong khi người xem phải đứng dưới thấp nên sự cân đối bị phá vỡ”.
Ông dẫn chứng một nghịch lý trong khai thác và quản lý mỹ thuật của TP là năm 2005 đã tổ chức một trại điêu khắc đá rất quy mô, kết quả thu được là những tác phẩm không mấy giá trị, song hiện vẫn được tập trung tại… một góc công viên Tao Đàn.
Ở một góc độ khác, KTS Nguyễn Trường Lưu chia sẻ, ngày nay trên thế giới người ta đang nói đến vấn đề “sống chậm” - bắt đầu từ ăn chậm, giảm tốc cuộc sống. “Tất cả những điều này để làm gì? Để làm việc gì cũng nhân bản hơn, để đời sống người dân chất lượng hơn. Từ phong trào sống chậm, nhiều nước trên thế giới đã có trào lưu đô thị chậm.
Ở những nơi này, người ta có hẳn 55 điều cam kết, chẳng hạn: giảm bớt tiếng ồn và sự đi lại, tăng đất dành cho không gian xanh, tăng diện tích khu vực cho khách bộ hành và yếu tố không thể thiếu là tăng cường bảo tồn các giá trị thẩm mỹ truyền thống đã có...”, ông nói.
Quy hoạch không gian mỹ thuật đô thị ở TPHCM còn nhiều bất cập. Ảnh: AN DUNG