Ra đời vì tình yêu văn chương
Wesite: http://www.vannghesongcuulong.org ra đời từ tinh thần của những người yêu văn học, trong đó có nhà văn Nguyễn Trọng Tín (thư ký toà soạn tuần tin EChíp), nhà thơ Lê Chí, Trưởng ban liên lạc Hội Nhà văn Việt Nam tại ĐBSCL, nhà văn Vũ Hồng... Nhưng người tài trợ lại là một nhà kỹ thuật: ông Nguyễn Hòa, Tổng giám đốc Công ty ITI. Và các tranh minh họa trong trang web là của Võ Thanh Hùng, một hoạ sĩ gốc Đồng Tháp đang hoạt động ở TPHCM.
Theo ông Nguyễn Hòa: "Website văn học Đồng bằng Sông Cửu Long có 600 đề mục nhưng mới chỉ sử dụng có 20 đề mục vì chưa nhận được sự cộng tác từ phía các nhà văn, các tác giả của ĐBSCL, các tác giả khác viết về vùng đất này. Do vậy, trang web chưa thật sự hoàn chỉnh, trong tương lai chúng tôi sẽ tính toán để trả nhuận bút cho các tác giả gởi bài đến nhưng trước hết hãy vì sự sống còn của trang web này rất mong nhận được sự cộng tác".
Nhà thơ Nguyễn Duy lạc quan cho rằng: “Cuộc gặp mặt văn học và kỹ thuật tin học, đây là cuộc hôn phối giữa tin học và văn học. Tôi cũng là một nhà văn nhưng chưa bao giờ được dự cuộc gặp gỡ về văn học nào như hôm nay. Do vậy những nhà văn nào không tham dự hôm nay coi như bị thiệt thòi. Đây là trang web đầu tiên của cả nước vì Hội Nhà văn đã tốn kém khá nhiều nhưng vẫn chưa hoàn thành, một số ngành chuyên môn của Bộ Văn hóa có làm nhưng rất sơ sài. Như nhà thơ Hữu Thỉnh tại Bàn tròn Văn xuôi ĐBSCL lần thứ I đã đánh giá “ĐBSCL khó khăn nhất, xa nhất, làm được nhiều việc nhất, hay ho nhất và đi đầu trong website văn học”.
Nhà văn Nguyễn Trọng Tín - người khởi xướng thành lập trang web tâm sự: "Có lẽ cái khó của Ban Liên lạc và công ty ITI đã vượt qua cách đầu là công nghệ đóng góp nội dung, tôi không trình bày gì thêm. Tôi nghĩ “cơ may” rất lớn của các nhà văn ĐBSCL đó là đã gặp được anh Nguyễn Hòa không những là nhà kỹ thuật, mà là một người am tường, có kiến văn sâu rộng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Chính vì có được điều đó và có sự yêu văn học nghệ thuật anh đã làm được. Đây là một điển hình không thể nhân rộng được mà phải quá nhân rộng. Về phương diện lập trình là hết sức chuyên nghiệp về phương diện quản trị rất ư là… không chuyên nghiệp. Nói rõ ràng như vậy mà các anh vẫn “ráp” được với nhau".
Tâm tình nhà văn cùng bàn phím
Nhiều nhà văn lớn tuổi cũng đã bày tỏ cảm xúc của mình như nhà thơ Lê Giang: “Đây có lẽ là mục “Tìm người thân” và tôi đến đây để tìm người thân. Bởi, tôi là gốc Cà Mau và cũng rất hiếm khi đi dự hội nghị và hôm nay tôi đến đây có cảm giác như đi tìm người thân. Tôi cảm ơn và biết ơn những người đề xướng ra trang web nay. Nói nôm na tôi không biết gì về intrenet, "meo mèo" gì cả, đến giờ vẫn viết lách trên bàn giấy, nhưng tôi tự hào mình sẽ đóng góp được. Trong đề mục kho tàng lưu trữ, chỉ nói riêng về dân ca, về văn hóa Khơmer, Chăm... tôi đã làm nhiều rồi nhưng (trăn trở) không ai bảo tôi đưa tài liệu cả, mà chỉ có Đoàn TNCS HCM TPHCM bảo: “Chừng nào cô mất đi, cô để lại cho tụi con đem về thư viện”. Bây giờ tôi sẽ đưa cho các bạn, nói nhà quê vậy đó chứ muốn có đĩa là có liền, mình phải hội nhập được cái hồn, cái xác với thời đại ngày nay. Còn chuyện tiền bạc, mình nghèo quen rồi, mình làm chuyện này không giàu có gì hết chỉ biết đóng góp thôi".
Nhà văn Trần Kim Trắc đánh giá cao: "Tôi suy nghĩ như thế này, trang web này có hai nội dung: đây là tờ báo điện tử, hai là một kho lưu trữ tư liệu của ĐBSCL, cái này mới vĩ đại. Thí dụ, bây giờ tôi muốn nghiên cứu về con người và tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh, tôi bấm lên là có toàn bộ tác phẩm của ông. Cái yêu cầu là như thế nhưng khi đặt vần đề thì nó lớn lắm và vĩ đại lắm. Bản thân tôi muốn gia nhập vào mạng này thì tôi lên mạng gia nhập hay tôi gởi tư liệu? Hình thức gởi như thế nào và gởI cho ai vì có thể sang năm là tôi “nghẽo củ tỏi” rồi. Vấn đề cấp bách là khi vào trang web này chỉ có thế này thôi ư, vậy thì làm sao cái gì có của ĐBSCL thì nhập vô, vấn đề cốt lõi này là vai trò của Hội VHNT các tỉnh ĐBSCL".
Dường như đây là ý kiến được nhiều văn nghệ sĩ tán thành nhất và cũng là vấn đề khúc mắc nhất khi liên hệ để gởi tác phẩm. Đồng tình với ý kiến này, nhà báo Lưu Trọng Văn đặt thẳng vấn đề: “Đây không phải là nhiệm vụ của Ban Liên lạc mà là cách nhìn của các nhà chức trách ở ĐBSCL chứ không thể của Hội VHNT. Nếu mà các Ban Văn xã HĐND các tỉnh (13 tỉnh – PV), Sở VHTT, Ban Tư tưởng Văn hóa của 13 tỉnh nhìn nhận đây là vấn đề cực kỳ lớn của ĐBSCL thì bắt tay vào và hỗ trợ. Tôi xin lỗi, các nhà văn ít biết về vi tính làm sao để đưa tác phẩm lên mạng và phải có những người có trách nhiệm làm việc này”.
Những bức xúc về văn hóa
Đồng tình với những nỗi niềm trăn trở của nhà kỹ thuật Nguyễn Hòa, nhà thơ Hoài Vũ đã thẳng thắn đặt vần đề: “Chúng ta nên đầu tư cho nền văn học ĐBSCL vì nói về kinh tế thì đây là vựa lúa lớn nhất nuôi sống cả nước, nhưng một trang web ra đời mà không có một tổ chức hẳn hoi, thiếu tư cách pháp nhân thì thật đáng buồn và xấu hổ. Tôi đề nghị rằng, đại hội Nhà văn sắp tới nên đem vấn đề này vào thảo luận, và ai có tâm huyết, quyết tâm về vấn đề này, tôi và chúng ta bỏ phiếu tín nhiệm vào Ban chấp hành, còn không thì gạt bỏ. Bởi xưa nay cứ nói hay hơn làm, vần đề đưa nghị quyết về văn hóa là ở chỗ này, cứ học nghị quyết rồi không thực hiện thì buồn lắm, đây mới là vấn đề của nghị quyết đây. Và, một vấn đề lớn nữa là, đã ba mươi năm rồi, Văn nghệ giải phóng dường như chìm vào quên lãng, chúng ta phải nhắc tới và phải làm vì nó là một thời kỳ lịch sử, phải làm thôi”.
Tuy nhiên nhiều trăn trở bất cập lớn nhất của trang web này là chưa "danh chính ngôn thuận" để nhận được sự tài trợ nuôi sống trang web. Bởi, Hội Nhà văn chưa quan tâm đúng mức như chưa cấp giấy phép, con dấu...