Trong báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2005 – 2010, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Trần Luân Kim cho biết, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, điện ảnh nước nhà chịu ảnh hưởng không nhỏ: sức ép từ phim ngoại tạo nên cạnh tranh không cân sức với phim nội;Thị trường điện ảnh đã hình thành rõ nét, nhưng cũng phân hoá rõ rệt. Ở các thành phố lớn, các cụm rạp hiện đại, đa dạng được xây dựng ngày càng nhiều, nhưng nhiều vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi có số lượng khán giả đông đảo, vẫn “đói” điện ảnh.
Kinh doanh nhập khẩu và phát hành phim chuyển từ quốc doanh sang tư nhân mặc dù đã phát huy được sự năng động, nhưng cũng dẫn đến tình trạng tranh chấp, điển hình là vụ các rạp kiện nhà nhập khẩu và phát hành phim Megastar thời gian vừa qua.
Nhiều hãng phim tư nhân cũng như Nhà nước đã bước đầu trụ vững trên thị trường, sản xuất được số lượng phim đáng kể với đề tài phong phú, trong đó có nhiều phim cạnh tranh ngang ngửa với phim nước ngoài trong dịp Tết. Tuy nhiên, số lượng phim sản xuất hằng năm vẫn còn quá ít ỏi so với nhu cầu của hàng chục triệu khán giả
Sản lượng phim sản xuất từ tháng 8-2008 đến nay:
66 phim truyện nhựa (của cả Nhà nước và tư nhân)
40 phim tài liệu và khoa học nhựa
150 phim tài liệu và khoa học video
42 phim hoạt hình
Hơn 2.000 tập phim truyện truyền hình
Một trong những khó khăn lớn nhất của điện ảnh là vốn. Một số hãng phim vẫn được Nhà nước tài trợ để giải quyết một phần kế hoạch sản xuất và duy trì hoạt động, nhưng xét về góc độ kinh doanh, ngành điện ảnh vẫn chưa thể vươn lên mạnh mẽ. Thiếu kinh phí, khó huy động vốn, chậm trễ trong thu hút nguồn lực xã hội đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển của hoạt động điện ảnh.
Thêm vào đó là bài toán chưa có lời giải về nguồn nhân lực. Mặc dù được bổ sung từ các nguồn đào tạo trong nước, nhưng đội ngũ hành nghề vẫn mỏng và thiếu đồng bộ. Từ sáng tác đến kỹ thuật, từ quản lý đến phát hành..., không chỉ thiếu người mà chất lượng cũng không đồng đều. Trình độ cán bộ lại không được thường xuyên bồi dưỡng, nên dễ dẫn đến tình trạng tụt hậu, không đáp ứng được yêu cầu chung.
Công tác lý luận phê bình điện ảnh dẫu có nhiều cố gắng, nhưng vẫn bất cập và chưa phát huy vai trò hỗ trợ sáng tác và định hướng thưởng thức. Lý luận phê bình đang phụ thuộc vào các cơ quan báo chí, truyền thông, và do đó, khán giả cũng mất đi nhịp cầu nối tác giả, tác phẩm với họ. Lý do một phần là do thiếu hụt đội ngũ lý luận phê bình, do môi trường hoạt động chưa thuận tiện, tuy nhiên một phần cũng do số lượng phim còn ít, thiếu tác phẩm hay...
Trong tổng hợp nhân sự của Đại hội, đáng chú ý là thống kê về lứa tuổi: chiếm phần đông là các nghệ sĩ ở các lứa tuổi 40, 50, 60, thậm chí cao hơn.Trẻ nhất Đại hội là hai nhà biên kịch Tống Thị Phương Dung sinh năm 1982 và Lê Anh Thuý sinh năm 1980. Các thế hệ 8x và 9x góp mặt không ít cho điện ảnh trong những năm gần đây dường như vắng bóng.
Nhà sản xuất Phước Sang bày tỏ: “Tôi thấy rất ít các bạn trẻ ở đây, nhất là những người đang lăn xả với nghề. Không có thế hệ kế cận, bàn chuyện phát triển rất khó”.
Diễn viên điện ảnh Quyền Linh, hiện đang giữ chức Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh TP Hồ Chí Minh chung quan điểm: “Những người trẻ, khởi nguồn của sự năng động và sáng tạo, lại vắng bóng tại Đại hội. Họ là những người sung sức nhất của điện ảnh hiện đại, và chính họ mới là những người đưa nền điện ảnh phát triển”.
Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang cũng chia sẻ: “Nên đưa lớp trẻ vào giữ các trọng trách của hội, bởi họ là những người đang trực tiếp sống với nghề hằng ngày. Họ cũng là những người nhiệt tình và đam mê. Mâu thuẫn là những người trẻ lại thường quá bận, khó có thể quán xuyến hết các công tác Hội, vì thế cần đến sự tâm huyết rất lớn”.
Trẻ hoá là kỳ vọng của các nghệ sĩ trong nhiệm kỳ thứ VIII của Hội Điện ảnh, và đó cũng là mong mỏi của họ về một nhiệm kỳ mới năng động hơn, thu hút được nhiều thành viên hơn, làm được nhiều việc hơn. Và trên hết, đó là mong mỏi về một nền điện ảnh sẽ có nhiều thay đổi trong tương lai.
Ảnh: Các nghệ sĩ gặp gỡ tại Đại hội.