Ở Việt Nam, người đầu tiên viết sách giới thiệu về Nietzsche là Nguyễn Ðình Thi với cuốn Triết học Nietzsche (Tân Việt xuất bản, Hà Nội, 1942) khi tác giả mới 18 tuổi. Nietzsche đặc biệt được yêu thích ở miền Nam trước năm 1975.
Những tác phẩm triết học của ông: Frederic Nietzsche và chủ nghĩa đi lên con người - Thế Phong dịch, Tôi là ai? - Phạm Công Thiện dịch; Zarathoustra đã nói như thế - Trần Xuân Kiêm dịch, Buổi hoàng hôn của những thần tượng - Nguyễn Hữu Hiệu dịch... đã làm say mê giới văn chương - triết học Sài Gòn một thời.
Nietzsche và sách triết học nói chung lặng đi một thời gian, gần đây sách của Nietzsche và về Nietzsche lại được tái bản: Zarathoustra đã nói như thế - Trần Xuân Kiêm dịch, NXB Văn Học tái bản, 1999; Buổi hoàng hôn của những thần tượng - Nguyễn Hữu Hiệu, NXB Văn Học tái bản 2006; Nietzsche - cuộc đời và triết lý của Felicien Challaye, Mạnh Tường dịch, NXB Văn Nghệ TP.HCM tái bản, 2007...
Việc tái bản sách của Nietzsche và về Nietzsche cùng nhiều sách triết "nặng ký" khác phải chăng là chỉ dấu cho sự phục hưng hứng thú đọc sách triết của giới trí thức, sinh viên học sinh?
Từ dự báo lạc quan ấy, tôi vui mừng thấy Nietzsche trở lại một cách mới mẻ, hiện đại hơn với công trình Nietzsche và triết học của triết gia Gilles Deleuze qua bản chuyển Việt ngữ của Nguyễn Thị Từ Huy và lời giới thiệu trân trọng, công phu của học giả Bùi Văn Nam Sơn (Tủ sách Tinh Hoa, NXB Tri Thức, 2010). Gilles Deleuze (1925-1995) cùng với những Roland Barthes, Michel Foucault, Claude Levis-Strauss, Jean-Francois Lyotard... thuộc thế hệ những triết gia mới từ khoảng năm 1960 tới nay: thế hệ kế tiếp J.P.Sartre, hay nói đúng hơn là thế hệ sau Sartre - như lời giới thiệu của Bùi Văn Nam Sơn.
Nietzsche và triết học qua bản dịch "tử công phu"- vừa cẩn trọng vừa tài hoa của nhà nghiên cứu/ dịch giả Nguyễn Thị Từ Huy, tiến sĩ mới tốt nghiệp ở Pháp, theo tôi là một trong những cuốn sách triết đáng đọc nhất thời gian gần đây.
Ảnh: Đ.L.G.