Nỗi khổ không trường quay
Điều này chỉ có các nhà làm phim Việt Nam là thấm thía. Nhẽ ra cần quay bối cảnh trời mưa thì trời cứ nắng chang chang, không thể phun nước làm mưa được vì ảnh hưởng tới cả khu phố... Hay cần làm hình ảnh thời những năm bao cấp nhưng ô tô, xe máy của thời hiện đại cứ lọt vào khuôn hình… Không có trường quay đồng nghĩa với việc không có môi trường làm việc, không có cái “nôi” để nâng đỡ cho “đứa trẻ điện ảnh” lớn lên. Nhưng thực ra, hơn 50 năm trước điện ảnh Việt đã có trường quay Cổ Loa- trường quay đầu tiên. Tuy nhiên, 50 năm sau, chúng ta vẫn chưa có thêm một trường quay nào, ngược lại, đến giờ mới bắt tay và đầu tư, tôn tạo và xây dựng lại trường quay này.
Năm 2008, Bộ VHTT&DL đã ký quyết định về việc xây dựng lại trường quay Cổ Loa, với sự đầu tư kinh phí lớn của Nhà nước. Trường quay Cổ Loa rộng 15ha, nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội 17km về phía bắc, sát khu di tích lịch sử Cổ Loa. Trường quay Cổ Loa được chia thành ba khu là: Khu kỹ thuật (gồm trường quay nội; trường quay dưới nước; nhà kỹ thuật hình, tiếng: Khu xưởng dựng cảnh, phục trang và máy móc thiết bị; xưởng in tráng phim; kho); Khu nhà điều hành (gồm khối văn phòng; nhà chiếu duyệt phim và nhà công vụ) và Khu trường quay ngoại (bao gồm Khu bối cảnh sử dụng nhiều lần và khu bối cảnh sử dụng một lần). Trường quay Cổ Loa là trường quay đa năng đầu tiên, là cơ sở hình thành và xây dựng hệ thống trường quay đa năng trong cả nước, có quy mô hiện đại, hoà quyện với thiên nhiên, thân thiện với môi trường, công nghệ tiên tiến, đồng bộ với đầy đủ các hạng mục kỹ thuật đảm bảo toàn bộ quy trình làm phim. Trường quay Cổ Loa được kỳ vọng khi hoàn thành, đến năm 2015, sẽ đáp ứng được công suất làm khoảng 30 phim nhựa/năm; 60 bộ phim video/năm; đến 2020 sẽ đáp ứng khoảng 35 phim nhựa/năm và 80 phim video/năm.
Vẫn mơ, dù chuyên nghiệp còn xa
Những năm 1980, chúng ta đã có 30 phim/năm trong khi dân số mới là 40 triệu người. Nếu đúng tốc độ phát triển, đến năm 2020, chúng ta có 100 triệu dân thì phải có 90 phim/năm. Nhưng hiện tại, với 80 triệu dân, chúng ta mới chỉ có 10 phim/năm và chưa có trường quay chuyên nghiệp nào. Trong khi đó, Hàn Quốc có 47 triệu dân nhưng có gần 20 trường quay và làm 70 phim điện ảnh/năm. Và đạt được mức là nước có nền công nghiệp điện ảnh, vẫn còn là giấc mơ xa với Việt Nam.
Đạo diễn Tất Bình cùng đoàn làm phim Huyền sử thiên đô tại trường quay Cổ Loa phải hứng cái nóng 40 độ. Nhưng nhờ có trường quay, việc quay ngoại cảnh và nội cảnh trong nhà bạt cũng đỡ khó khăn hơn. “Tuy mấy ngôi nhà cũ và tồi tàn chưa được phục hồi nên cũng chưa được thoải mái nhưng cũng là may mắn lắm rồi”, ông Bình chia sẻ. Bày tỏ bức xúc về vấn đề trường quay, đạo diễn Tất Bình cũng nhận định: “Đã làm phim phải có trường quay. Cần làm trường quay Cổ Loa, hay nhiều trường quay khác nữa thì mới mong chuyên nghiệp hoá nền điện ảnh nước nhà”.
Theo ông Nguyễn Văn Nhiêm, Giám đốc trường quay Cổ Loa, để làm được 20 trường quay là ước mơ khá xa nhưng vẫn cần phải “mơ” bởi có như thế mới đáp ứng được nhu cầu giải trí của nhân dân. Điều này cần đến sự đầu tư cho văn hóa nhiều hơn từ các chính sách và và bản thân các nhà làm phim phải vận động xã hội hóa trong việc xây dựng trường quay. Chúng ta đã xây dựng khung pháp lý quy định thời lượng chiếu phim trên sóng truyền hình phải có 30% Việt; tại rạp phải chiếu 25% thời lượng phim điện ảnh Việt… mà không đầu tư, tạo cơ sở cho việc làm phim? Câu hỏi này có lẽ chỉ có các nhà quản lý mới trả lời được.
Ảnh: Phim trường Cổ Loa.