Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
645
123.238.579

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Đưa kho tàng Hán Nôm vào bộ chuẩn quốc tế
Nhân dịp về nước dự Hội nghị chữ Nôm quốc tế tại Hà Nội mới đây, Tiến sĩ Ngô Thanh Nhàn - Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm (VNPF) tại Mỹ đã trao đổi về những dự án phổ biến chữ Nôm trên máy tính và Internet.

* Thưa ông, lúc đầu cái tin "Hồ Xuân Hương đi Mỹ", mà lại "đi" đến nhiều nơi trên đất Mỹ, hẳn làm không ít người ngạc nhiên?

 

- Đó là một trong những hoạt động phổ biến chữ Nôm tại Mỹ. Những người sắp xếp cho "chuyến đi" này là các thành viên của VNPF. Chủ tịch Hội và là tác giả tập thơ dịch Spring Essence: The Poetry of Hồ Xuân Hương John Balaban và chúng tôi đã tổ chức nhiều buổi trình diễn ngâm thơ Hồ Xuân Hương, tại nhiều nơi như Bảo tàng Field ở Chicago, Triển lãm Freer ở Washington, Bảo tàng Nghệ thuật châu Á ở Seattle, Thư viện San Francisco và các trường đại học trên nước Mỹ…

 

*Việc đưa kho tàng Hán Nôm vào bộ chuẩn quốc tế Unicode sử dụng trên máy tính và Internet có gặp khó khăn nào không?

 

Cho tới nay, chưa có ấn bản Nôm nào ngoài các văn bản chép tay, in bằng mộc bản hay sao chụp, và hiện nay chỉ còn rất ít người Việt Nam cũng như trên thế giới đọc được chữ Nôm. Nhưng, tập thơ dịch Spring Essence: The Poetry of Hồ Xuân Hương được Nhà Xuất bản Copper Canyon xuất bản năm 2000 đã cho thấy những tín hiệu lạc quan trong việc bảo tồn và phát triển chữ Nôm.

 

Đó là lần đầu tiên trong lịch sử, chữ Nôm được in bằng phông chữ True Type trên máy tính với những kỹ thuật vi tính tiên tiến nhất do một số chuyên gia, cũng là những sáng lập viên của Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm tại Mỹ thiết kế.

 

Lúc đầu khi đưa chữ Nôm vào chuẩn quốc tế Unicode cũng có người hỏi chúng tôi có phải là chữ Nôm thật không. Nhưng chữ Nôm có hệ thống tương đối rõ ràng nên khi chúng tôi đưa ra vấn đề này thì được chấp nhận ngay.

 

Tôi hợp tác với Viện Hán Nôm và Viện Công nghệ thông tin ở trong nước từ đầu năm 1990, và đến nay đã thu được những thành quả nhỏ để bắt đầu một hành trình mới về Hán Nôm.

 

Chúng tôi xây dựng một mạng Hán Nôm để có thể tra cứu bằng chữ quốc ngữ hoặc tra cứu theo phương pháp tra cứu Hán Nôm của các nước trên thế giới. Hiện đã đưa được 9200 chữ vào bộ mã chuẩn quốc tế.

 

Bộ chuẩn quốc tế về chữ Nôm của chúng tôi dựa trên cuốn tự điển của ông Vũ Văn Kinh và Nguyễn Quang Sỹ và cuốn Bảng tra chữ Nôm in ở Hà Nội. Tôi tạo ra bộ phông chữ True Type có thể làm lớn, tuỳ ý theo chuẩn quốc tế.

 

* Rất nhiều thư tịch Nôm của Việt Nam còn nằm rải rác ở trong các thư viện trên thế giới như ở Vatican, Pháp, Anh, Mỹ… Các ông có tính đến việc đưa những thư tịch đó "hồi hương" qua đường… Internet?

 

- Tôi khẳng định là có thể dễ dàng đem về được. Chúng tôi đã đưa ra một phương án mới là kết hợp giữa công nghệ thông tin và yêu cầu của những thư viện quốc tế để đưa những văn bản đó lên mạng. Vì số người biết chữ Nôm quá ít, không nơi nào ngoài Việt Nam liệt kê đầy đủ các tư liệu của chính mình, và dĩ nhiên cũng không biết được những chỗ khác có những gì.

 

Các thư viện trên thế giới hiện nay không nắm được chính xác và trình bày các nguồn tư liệu của chính mình. Dịch vụ thư mục của hội VNPF sẽ cho phép kiểm kê kho tàng văn tự trên thế giới.

 

* Từ sau khi quyển “Spring Essence” được phát hành năm 2001, nhiều nhà ngôn ngữ học, từ điển học và chuyên gia tin học từ nhiều nước đã hợp tác với Hội VNPF để triển khai thành quả ấy?

 

- Đúng vậy! Chúng tôi hợp tác xây dựng hai dự án:

 

1. Phát hành tự điển chữ Nôm đầu tiên dùng font True Type và đọc được qua máy tính;

 

2. Cấp học bổng cho các sinh viên tại Mỹ và tại Việt Nam, muốn theo học với một học giả chuyên về chữ Nôm.

 

Dự án tự điển, hiện đang tiến hành với kinh phí 40.000 USD, sẽ hoàn thành trong 15 tháng. Chúng tôi tin chắc là quyển tự điển này sẽ là bước đầu cho tất cả mọi hoạt động vì chữ Nôm.

 

Nguồn tài trợ cho các dự án sau này là trợ cấp và đóng góp tư nhân, nhưng hiện nay những số tiền nhận được chưa để để trang trải toàn bộ kinh phí. Để hoàn thành quyển tự điển và tiếp tục cấp học bổng, chúng tôi cần đến sự hỗ trợ tài chính của các cá nhân, tổ chức khác…

 

* Cụ thể, kế hoạch phát hành tự điển chữ Nôm đầu tiên dùng phông chữ True Type như thế nào?

 

- Chúng tôi đã chọn bốn bộ tự điển (mỗi bộ triển khai một góc độ nghiên cứu riêng) xuất bản dưới dạng ấn phẩm hoặc điện tử. Xuất bản cả bốn bộ sẽ cần khoảng 100.000 USD. Bộ đầu tiên nhằm giải quyết các vấn đề kỹ thuật điện tử cho các bộ khác - đòi hỏi một ngân sách khoảng 40.000 USD.

 

Bộ tự điển chúng tôi chọn để xuất bản trước tiên là quyển Giúp đọc Nôm và Hán Việt của Linh mục Anthony Trần Văn Kiệm. Linh mục Kiệm là một học giả năm nay 82 tuổi, đã về hưu và sống tại tiểu bang Texas (Mỹ). Tác phẩm của ông đã hoàn chỉnh sau 20 năm nghiên cứu. Chúng tôi dự trù xuất bản quyển này dưới dạng cả sách lẫn CD-ROM.

 

* Quy trình in bộ tự điển này sẽ là chuẩn cho các ấn phẩm Nôm sau này?

 

- Đúng vậy! Công việc này sẽ được thực hiện với sự tham gia và chỉ đạo của các nhà ngôn ngữ học, chuyên gia tin học và toán học có uy tín tại Việt Nam, Âu châu và Mỹ. Mỗi mục từ sẽ được kiểm chứng để bảo đảm tính chính xác và sẽ kèm theo một mã Unicode cho phép hiển thị chữ Nôm trên các máy tính khắp thế giới.

 

Một khi chữ Nôm đã có thể được trao đổi qua máy tính, toàn bộ các thư tịch Nôm trong các thư viện thế giới sẽ có thể được nhận diện và kiểm kê.

 

Tầm quan trọng của dự án tự điển thật rõ ràng. Qua đây lần đầu tiên sẽ có một công cụ chính xác không những cho các học giả mà còn cho phép bất cứ ai đọc được chữ quốc ngữ tiếp cận và học chữ Nôm. Xuất bản bộ tự điển của Linh mục Kiệm sẽ là bước đầu mở ra cho chúng ta kho tàng văn hoá tích luỹ từ nhiều thế kỷ của Việt Nam bị mai một vì chiến tranh.

- Theo Đại đoàn kết-Tuổi Trẻ
Tin tức khác