Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
683
123.238.887

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Giá sách và giá... tri thức?
Nói tới việc xuất bản sách hiện nay có rất nhiều vấn đề cần phải mổ xẻ, nhưng có lẽ nổi cộm nhất vẫn là vấn đề giá cả. Người thì nói giá sách hiện nay cao quá đánh nặng vào túi bạn đọc. Người lại bảo giá như vậy không những là không cao mà có thể nói là còn rất thấp. Một cuốn sách, người viết có khi là giáo sư, đầu tư cả năm trời mà cũng chỉ bán giá bằng một ngày công của người lao động giản đơn.

Từ hiện tượng

Giá sách rẻ hay đắt? Bằng những tính toán cơ học, giản đơn, người ta có thể khẳng định, để làm ra một cuốn sách, nếu cộng hết các yếu tố cấu thành giá như giấy + công in + quản lý chi phí + nhuận bút… mà bằng A thì giá bán thường gấp rưỡi, gấp đôi A. Điều đó được minh chứng rất xác thực là có những cuốn sách mới ra lò nhưng người bán đã có thể đổ đống bán như bán sách cũ và giá thì chỉ bằng một nửa bìa mà vẫn cười nói vô tư, vẫn mừng vì lợi nhuận thu được.

Chuyện tưởng vậy đã rõ, nhưng mới đây thôi, vào tháng 11-2004 trong cuộc hội thảo Tìm đường xuất ngoại cho sách, do Báo SGGP phối hợp với khoảng 20 nhà xuất bản, công ty phát hành sách nhà nước và các nhà sách tư nhân lại có ý kiến rất hùng hồn khiến mọi người đều phải chú tâm suy nghĩ.

Sách của Việt Nam không đắt, anh Phước (người chịu trách nhiệm đem sách đi bán ở nước ngoài của Nhà sách Trí Việt) cho biết, một cuốn sách Việt 30.000đ, sang Mỹ người ta đề nghị thay lại vỏ (bìa) và kê lên 30USD cao hơn cả mười lăm lần, mà vẫn bán được.

Và sách Việt cũng khá thu hút vì các nước cũng sang tận Việt Nam để tìm các tác giả như Nguyễn Nhật Ánh, Triệu Thị Chơi… để mua lại bản quyền.

Vậy kết cục giá sách Việt Nam hiện thấp hay cao? Rẻ hay đắt? Ai đúng, ai sai?

Giá tri thức quá bèo!

Trước hết phải khẳng định là nếu căn cứ vào chi phí bỏ ra của nhà xuất bản, của nhà sách thì đúng là giá sách kê quá cao, nhưng nếu so với sách một số nước trên thế giới như Pháp, Anh, Mỹ… thì sách Việt Nam còn rẻ hơn 15-20 lần. Ngay cả như ở nước láng giềng Trung Quốc là nơi cái gì cũng rẻ mà giá sách cũng còn gấp đôi ở Việt Nam.

Tại sao vậy? Nếu đi sâu, xét kỹ ta sẽ thấy vấn đề là ở chỗ trong giá thành của sách có công của người viết, giá của tri thức. Nói đầy đủ hơn là để hình thành các trang sách, người viết phải đầu tư lao động quá khứ (vốn tri thức tích lũy theo năm tháng) và lao động sống (thời gian tìm tư liệu, viết bài). Với lao động trí óc, giá trị lao động quá khứ luôn gấp nhiều lần giá trị lao động sống. (Chúng tôi xin phép đề cập vấn đề này trong một dịp khác, hoặc chờ đợi ý kiến đóng góp từ bạn đọc). Vậy công của tri thức ở đây được trả như thế nào?

Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia trả lời: tối đa 12%. Nhà xuất bản Trẻ cũng tương tự. Giám đốc Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM Trần Đình Việt cụ thể hơn: Đúng là như vậy, nhưng trường hợp đặc biệt có thể trả 15%. Có thể trả hơn được không? Không, đó là quy định của Bộ VHTT. Chẳng ăn thua gì đâu, một cuốn sách rất công phu cũng chỉ được 5-10 triệu đồng.

Cụ thể thêm một bước, chính người viết bài này đã đi khảo 3-4 nhà xuất bản đề nghị đầu tư cho một cuốn sách. Sau khi xem kỹ đề cương chi tiết, họ công nhận là rất cần, rất mới và gật gù là chắc ăn. Nhưng khi đề cập tới tiền thì: Chúng tôi chỉ có thể tính: 100.000đ x 1.000 cuốn x 3 tập x 10% = 30.000.000đ.

Một biên tập viên hiến kế: Có thể bổ sung tiền mua tư liệu, tiếo xúc cộng tác viên… thêm được tối đa 20.000.000đ nữa. Như vậy tổng cộng có thể được 50.000.000đ. Làm phép tính chia cho 20 người tham gia viết, trong đó toàn là nhà nghiên cứu, giáo sư, tiến sĩ tên tuổi, thấp nhất cũng là cử nhân, làm việc trong 3 năm thì rùng mình: Mỗi người được trả công chưa tới 3.000đ/ngày, tức bằng gói xôi, hoặc cái bánh mì ngọt… chưa có nước chao miệng.

Lạm bàn

Chuyện hẳn đã rõ, giá đầu tư làm sách Việt Nam không cao, chủ yếu người ta chỉ trả tiền giấy, tiền công in… lấy đó làm gốc tính giá. Còn chất xám “bèo” như vậy không ảnh hưởng giá thành là bao. Và cũng chính vì vậy người làm sách, nhà xuất bản có đội giá 50% rồi lại giảm giá 50% cũng không hề hấn gì!

Nhìn xa một chút, theo cách này không biết có lời ở ngành giấy, ngành in, hay nhà xuất bản? Nhưng lỗ ở sự tái tạo chất xám là cái chắc! Ai, nhà khoa học, nhà văn, nhà nghiên cứu nào sẽ mãi ngồi viết với một khẩu phần là cục xôi thằng Bờm hàng ngày?


Bộ Văn hóa Thông tin, Bộ Tài chính, và có lẽ trước hết là những nhà xuất bản của Nhà nước nên sớm xem xét và khắc phục tình trạng này. Và thử xem tại sao càng ngày các nhà sách tư nhân càng ra được nhiều sách hay với nhuận bút có khi gấp nhiều lần “quốc doanh”?

Nghiêm Minh - Theo SGGP Online
Tin tức khác