1. Là một trong những người sáng lập Làn sóng mới trong nền điện ảnh Pháp, Chabrol nổi tiếng nhất với các bộ phim gay cấn hồi hộp và những sự chỉ trích gay gắt vào giới nhà giàu.
Nhà làm phim này gây tiếng vang ngay từ bộ phim đầu tay của ông, Le Beau Serge, phát hành năm 1958 và đoạt giải Grand Prix tại LHP Locarno. Tiếp đó, ông đoạt giải Gấu vàng tại LHP Berlin năm 1969 với phim Les Cousins. Giống như nhà tiên phong đồng nghiệp của mình là Eric Rohmer, người qua đời hồi tháng 1, Chabrol gần như làm việc cho tới khi trút hơi thở cuối cùng. Bộ phim mới đây nhất của ông - Bellamy do Gérard Depardieu thủ vai chính - được phát hành năm ngoái.
Khi biết tin ông qua đời, phát biểu trên đài phát thanh Pháp, nam diễn viên gạo cội Depardieu nói: “Bản thân Claude là một niềm vui sống. Tôi không thể tin rằng ông đã ra đi. Chưa một lúc nào ông nói tới cái chết”.
2. Chabrol luôn thích ứng phong cách sống và làm phim mang những chủ đề theo biến đổi thời gian. Ông thường làm những phim đen tối đầy hỗn loạn dường như tương phản với hình ảnh lịch lãm, vui vẻ của chính ông ngoài đời. Những sự mô tả của ông về giới nhà giàu của nước Pháp thường gây cảm giác không dễ chịu cho người xem, khi nó phơi bày sự tham lam và tính tàn nhẫn của những gia đình đua nhau tìm cách phô bày thể diện trong khi cố gắng che đậy các bê bối.
Một số bộ phim được sùng bái nhất của Chabrol, trong đó có Story of Women (1988), là câu chuyện đầy ám ảnh của ông về một phụ nữ phá thai, và La Cérémonie (1995) với sự thủ diễn chính của Isabelle Huppert, nữ diễn viên hóa thân nhuần nhuyễn những chân dung phụ nữ gặp nhiều rắc rối về tâm lý trong các bộ phim của Chabrol. Điển hình là vai một kẻ giết người trong phim Violette Nozière đã đem về cho bà giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại LHP Cannes 1978 và giải Cesar với vai một nhân viên bưu điện đầy cay đắng trong La Cérémonie.
Ông Thierry Frémaux, Chủ tịch LHP Cannes, nhận định Chabrol sẽ được nhớ đến nhiều với tình yêu của ông dành cho những diễn viên tham gia các dự án điện ảnh của mình. “Chabrol có quan hệ với nhiều thế hệ diễn viên”, Fremaux nói trên đài phát thanh Pháp và mô tả cái chết của đạo diễn như “tin sét đánh”. “Ông đã 80 tuổi nhưng vẫn còn làm việc và nguồn sinh lực của ông, niềm vui sống của ông... khiến người ta có cảm giác rằng ông hiện diện trên cõi đời này vì những điều tốt lành”.
Không chỉ có các nghệ sĩ đồng nghiệp của Chabrol thể hiện sự tôn kính đối với nhà làm phim này mà còn có cả các chính trị gia của Pháp, như cựu Bộ trưởng Văn hóa Jack Lang ca ngợi ông là “nguồn sinh lực quan trọng”, còn bà Martine Aubry, Thư ký thứ nhất Đảng Xã hội nhận định Chabrol là “một tài năng lớn”. Trong tuyên bố của mình, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nói: “Chabrol giống Balzac trong kỹ năng mô tả xã hội. Ông giống Rabelais về khả năng hài hước và cả tính hung hăng nữa, nhưng trên tất thảy ông đã thể hiện mình trong các bộ phim như trong cuộc đời”.
3. Sinh ngày 24/6/1930, Chabrol trở nên nổi tiếng khi mô tả những chân dung u sầu trong cuộc sống tư sản thành thị Pháp. Cùng với Francois Truffaut và Jean-Luc Godard, ông là một thần tượng của trào lưu Làn sóng mới.
Trưởng thành trong một gia đình dược sĩ, trong Thế chiến II ông sống ở phía Nam Paris trước khi nghiên cứu văn học Pháp và dược ở thành phố này. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông bắt đầu viết cho Cahiers du Cinema cùng với Truffaut và Godard. Gắn tên tuổi với hơn 80 bộ phim, Chabrol đã được Viện Hàn lâm Pháp trao giải Rene Clair vào năm 2005.
Ảnh: Claude Chabrol nhận giải Thành tựu
trọn đời tại LHP Berlin năm 2009