Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
830
123.239.526

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Tượng đài Nam bộ kháng chiến tại công viên 23-9: Phải là một công trình hoành tráng
Tại hội thảo khoa học tiêu chí nội dung sáng tác mẫu tượng đài Nam bộ kháng chiến được tổ chức ngày 14–12, nhiều đại biểu cho rằng quần thể kiến trúc sẽ được xây dựng ở trung tâm thành phố này phải thể hiện rõ tinh thần quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước của nhân dân Nam bộ.

Nóp được làm bằng đệm cói. Cái nóp như một mái nhà nhỏ và mềm, đi thì xếp lại đeo sau lưng, ngủ nghỉ thì mở ra, che kín người, tránh muỗi. Đó là vật dụng rất quen thuộc của những chiến sĩ trong thời kỳ kháng chiến 9 năm (1945 – 1954). Dụng cụ che muỗi ngày xưa ấy đã đi vào lịch sử, đã ở trong bài hát “Nam bộ kháng chiến” của Tạ Thanh Sơn: “Thuốc súng kém, chân đi không mà lòng người giàu lòng vì nước. Nóp với giáo mang ngang vai nhưng thân trai nào kém oai hùng”. Trong bài tham luận của kiến trúc sư Trần Văn Dưỡng đọc tại hội thảo khoa học, chữ nóp đã được người đánh máy trẻ tuổi sửa thành nón!

Đồng chí Võ Trần Chí bức xúc: “Năm 1945, người Nam bộ làm gì có mùng. Hồi đó, muỗi quá trời, không có nóp làm sao ngủ? Nhưng hiện nay, những bạn trẻ hầu như không biết cái nóp là cái gì, làm sao hiểu hết được cái khó khăn, hiểu hết được tinh thần ngày 23-9?”.

Theo các nhà cách mạng lão thành thì hình ảnh của quân dân miền Nam trong những ngày Nam bộ kháng chiến không chỉ là nóp với giáo, là tầm vông vạt nhọn mà còn có cả sự tham gia của nhiều tầng lớp, sự tham gia của cả những người dân tộc thiểu số cởi trần đóng khố tiến về Sài Gòn. Bức xúc, nhưng cũng hết sức thẳng thắn và bao dung, các nhà cách mạng lão thành Võ Trần Chí, Trần Bạch Đằng, Trần Trọng Tân, Dương Đình Thảo… cho rằng nhiều người trẻ tuổi không biết đã từng có cái nóp là lỗi của… người già.

“Chúng ta phải kể chính xác, chi tiết, rõ ràng lịch sử cho thế hệ mai sau. Vài năm nữa, chúng ta chết hết rồi, thì lớp trẻ hiểu sai đi một chút biết lấy người nào ra mà cãi?” - đồng chí Dương Đình Thảo, nguyên Giám đốc Sở VHTT TPHCM, nói.

“Thành phố mình hiện không có tượng đài nào coi được. Theo tôi, chúng ta phải xây dựng quần thể này sao cho đẹp, có ý nghĩa xuyên suốt 30 năm kháng chiến. Đây là một công việc cần có sự chuẩn bị, thời gian sáng tác quy mô, nghiêm túc”, nhà nghiên cứu - nhà cách mạng lão thành Trần Bạch Đằng phát biểu.

Theo kế hoạch, tượng đài Nam bộ kháng chiến sẽ được dựng trong công viên 23-9, phía gần chợ Bến Thành. Về tiêu chí nội dung, tượng đài phải thể hiện được khí phách của người dân Việt Nam trong ngày Nam bộ kháng chiến. Cả quần thể kiến trúc sẽ giáo dục, nhắc nhở cho thế hệ mai sau tinh thần Nam bộ kháng chiến. “Cần xây dựng được một công trình hoành tráng, khắc họa cho được tinh thần ngày Nam bộ kháng chiến. Làm tốt thì mai này, cả những người Việt ly hương cũng bảo con cháu về quảng trường mà xem khí phách của cha ông ngày ấy”, đồng chí Dương Đình Thảo nói.

Với hy vọng thành phố có thể “làm một cái để đời”, các nhà cách mạng lão thành cho rằng đây là một công trình cần có thời gian sáng tác nghiêm túc. Phải nói rõ lịch sử, kể cho được tinh thần ngày 23-9 cho những nhà thiết kế tượng đài, để những người này có thể truyền tinh thần ấy vào tác phẩm, gửi đến những thế hệ sau.

“Đây là công trình có giá trị tiêu biểu, ý nghĩa lịch sử lớn lao. Dù là công trình đánh dấu 30 năm giải phóng Sài Gòn, nhưng để thể hiện được chân giá trị, quần thể kiến trúc này không giới hạn thời gian thực hiện trong năm 2005” - Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài, Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn mẫu tượng đài phát biểu. Hy vọng rằng, tâm huyết của những nhà cách mạng lão thành, quyết tâm của lãnh đạo UBND TPHCM và tài năng của những họa sĩ, kiến trúc sư sẽ tạo được cho thành phố một tượng đài hoành tráng, để mọi người tìm đến xem và nhớ… 

Minh Tu1 - Theo SGGP Online