Cổng chính làng văn hóa - du lịch các dân tộc VN được mở vào 7g sáng nay (19-9-2010).
Hai bên cột cổng là đôi câu đối: “Tổ quốc tình sâu sum vầy mừng đại lễ - Đồng bào nghĩa nặng đoàn kết đón tương lai” - nhà văn Nguyễn Khắc Phục, người viết kịch bản cho lễ mở cổng làng và lễ khai trương làng văn hóa - du lịch các dân tộc VN, muốn nhấn mạnh một lần nữa tình yêu Tổ quốc và nghĩa đồng bào trong ngày hội này.
500 triệu USD và 10 năm cho một dự án văn hóa
Dự án làng văn hóa - du lịch các dân tộc VN là dự án lớn được Chính phủ chỉ định địa điểm, diện tích khu đất và phê duyệt quy hoạch tổng thể. Làng văn hóa - du lịch các dân tộc VN nằm về phía tây, cách Hà Nội khoảng 30km trên trục đường cao tốc Láng Trung - Hòa Lạc trong chuỗi đô thị liên hoàn mới: Miếu Môn - Xuân Mai - Hòa Lạc - Sơn Tây, một khu vực phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Nằm trên địa phận thị xã Sơn Tây, trong quần thể công trình như sân golf, sân bay, làng nghệ thuật, đại học quốc gia, khu công nghệ cao..., khu đất được chỉ định xây dựng làng văn hóa là hết sức lý tưởng. Nơi đây có đồi núi thấp, có cây xanh, cây ăn quả, khí hậu trong lành, có hồ nước trong xanh, thơ mộng, phong cảnh huyền ảo, hữu tình.
Xung quanh làng là quần thể, các cụm di tích nổi tiếng như: đền Và thờ thánh Tản Viên - một trong tứ bất tử của VN, hàng loạt chùa chiền với những nét đặc trưng độc đáo của đạo Phật ở VN, với những pho tượng quý giá có một không hai như chùa Mía, chùa Tây Phương, chùa Trăm Gian, chùa Thầy, chùa Trầm, chùa Hương... Làng văn hóa còn nằm trong dải các điểm thắng cảnh nổi tiếng: ao Vua, Khoang Xanh, núi Tản Viên, Đá Chông, Suối Hai...
Một quần thể các kiến trúc mang tính văn hóa cao và đặc trưng đã được hoạch định chia làm năm khu liên hoàn:
Khu 1 rộng 116ha là khu văn hóa dân tộc: tái tạo cuộc sống thực, những nét đặc trưng, đặc sắc nhất về những kiến trúc văn hóa vật chất và sinh hoạt văn hóa phi vật thể của các dân tộc (hay tộc người) cùng sống tại VN như: làng người Kinh (Việt) cổ; bản, mường của các dân tộc thiểu số ở miền Bắc; buôn, plây của các dân tộc sống ở Tây nguyên, miền Trung; phum, sóc của người Khmer Nam bộ.
Khu 2 có diện tích 95ha, khôi phục các dấu tích quan trọng và nổi bật nhất theo lịch sử xây dựng đất nước VN qua các thời kỳ. Ở đây cũng xây dựng những khu vườn chuyên đề về cảnh quan, các loại cây, các loại con trong tầm không gian kiến trúc không hạn chế. Đặc biệt ở đây còn xây dựng một tòa nhà hình con rồng dài 750m uốn lượn, đầu hướng về đông bắc, đuôi xuôi về tây nam mô phỏng dải đất của VN trên bản đồ thế giới.
Khu 3 là nơi vui chơi giải trí (rộng 100ha) với hai phong cách dân gian và hiện đại.
Khu 4 dành cho di sản văn hóa thế giới (rộng 40ha), mô phỏng một số di sản kiến trúc đặc sắc.
Khu 5 là khu trung tâm, hành chính nghi lễ, đón tiếp, dịch vụ (rộng 37ha).
Các khu trên kết nối liên hoàn với nhau bằng đường bộ, đường thủy, cáp treo, monorail.
Làng văn hóa và những nỗi lo về nguy cơ “phi văn hóa”
Những dự định táo bạo cùng những mơ ước tốt đẹp về việc phục dựng văn hóa 54 dân tộc anh em trên cùng một mảnh đất, cùng một địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, ngay sát thủ đô đã tạo nhiều hưng phấn cho các nhà đầu tư, nhưng cũng đặt ra cho các nhà văn hóa nhiều ưu tư.
Liệu có thể đưa đồng bào các dân tộc từ miền núi phía Bắc đến sông nước phương Nam về sinh sống lâu dài và canh tác, lưu giữ nghề truyền thống từ đan lát, tằm tang, dệt vải nhuộm tơ đến làm gốm, hái thuốc, lên nương săn bắn, nấu rượu... mà không bị sai lệch hay làm biến dạng bản chất văn hóa trong cuộc sống thường ngày của họ?
Làm sao để các hoạt động của đồng bào không mang tính sắp đặt và trình diễn? Các dịch vụ du lịch đương nhiên phải được tổ chức để bù đắp nguồn kinh phí và tạo nguồn thu lâu dài, nhưng du lịch sẽ phục vụ văn hóa hay văn hóa phải chịu “lép một bề” trước du lịch như đã lép lâu nay?
Câu hỏi được các nhà nghiên cứu Trần Quốc Vượng, Tô Ngọc Thanh, Trần Lâm Biền... đặt ra từ lúc mới khởi công làng, nay vẫn nguyên là câu hỏi.
Già làng Giẻ Triêng - Ảnh: ban quản lý cung cấp