Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.851 tác phẩm
2.760 tác giả
452
123.075.416

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Giọt nước mắt khóc Tố Như
Chỉ với những lời thơ trong bài thơ Long Thành cầm giả ca, nhà biên kịch Văn Lê đã khắc họa nên số phận của một cô đào nương đất Long Thành và mối tình nhẹ nhàng giữa nàng và tân khoa Nguyễn Tố Như

Bộ phim Long Thành cầm giả ca (kịch bản NSƯT Văn Lê, đạo diễn Đào Bá Sơn, Hãng phim Giải Phóng sản xuất, kịch bản giành giải nhất cuộc thi Kịch bản điện ảnh kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội) vừa có buổi ra mắt báo giới trước khi chính thức được công chiếu từ ngày 1-10. Đây là phim do Nhà nước đặt hàng sản xuất trong đợt kỷ niệm Thăng Long- Hà Nội 1.000 năm tuổi.

 

Chuyện tình 200 năm trước

 

Chỉ với những lời thơ trong bài thơ Long Thành cầm giả ca (bài thơ đầu tiên trong tập Bắc hành tạp lục của đại thi hào Nguyễn Du, viết trong chuyến đi sứ sang Trung Quốc của ông vào khoảng năm 1813-1814), nhà biên kịch Văn Lê đã khắc họa nên số phận của một cô đào nương đất Long Thành và mối tình nhẹ nhàng giữa nàng và tân khoa Nguyễn Tố Như.

 

Bối cảnh phim là giai đoạn của những cuộc biến loạn khủng khiếp từ giữa cuối thế kỷ thứ XVIII đến đầu thế kỷ XIX với sự thay ngôi, đổi chúa, thù trong giặc ngoài, kiêu binh nổi loạn. Nhưng nỗi ám ảnh của Long Thành cầm giả ca không là những hình ảnh binh biến, chiến chinh tàn khốc mà là nỗi đau đời, lằn ranh số phận mong manh giữa người tri thức và người nghệ sĩ “cùng một lứa bên trời lận đận”. Một thế hệ tồn tại hiển nhiên, hữu hình không vô hạn nhưng để lại trăm năm sau những giá trị trường tồn bất tận với thời gian.

 

Phim bám kỹ vào thông điệp mà nhà biên kịch Văn Lê đặt ra: “Các triều đại có thể bị phế truất, thay đổi nhưng văn hóa dân tộc thì mãi mãi trường tồn”. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt phim và xâu chuỗi tình cảm giữa Tố Như và cô đào nương chính là Khúc cung phụng làm say lòng người.

 

Mối tình giữa Tố Như (diễn viên Quách Ngọc Ngoan) và nàng Cầm (Nhật Kim Anh) cũng kéo dài qua những triều đại, trùng phùng rồi chia ly qua bao lần tao loạn. Tố Như tình cờ gặp cô đào nương ở tuổi 20 thanh xuân cho đến khi nhan sắc nàng tàn úa phôi pha, chỉ có tiếng đàn là vẹn nguyên khúc nhạc mang nỗi buồn thân phận.

 

Nếu những bài thơ của Nguyễn Tố Như vẫn đau đáu với những tháng năm biến loạn thì tiếng đàn nguyệt của nàng Cầm như là một nét đẹp khoan nhặt ngân lên từ giá trị vĩnh cửu.

 

Cây đàn nguyệt theo nàng lên đất Long Thành từ khi nàng còn nhỏ, rồi cũng cây đàn ấy theo chân nàng qua bao lần tao loạn, giữa sự sống và cái chết, giữa hội ngộ và chia ly, kể cả trong sự hủy diệt tàn khốc của thời gian. Và cây đàn nguyệt – giá trị văn hóa của dân tộc – vẫn còn nằm lại bên dòng thời gian ngay cả khi người đã về với cõi vĩnh hằng.

 

Phim nói về một thời biến động nhưng không tập trung khắc họa những cuộc binh biến, chiến chinh mà là sự khoan nhặt, bàng bạc chất thơ về mối duyên tình nhẹ nhàng giữa thi hào Nguyễn Du và cô đào nương gảy đàn của đất Long Thành.

 

Hồn Việt cho phim cổ trang Việt

 

Long Thành cầm giả ca còn là tiếng nói cho thân phận của người phụ nữ một thời. Cầm chỉ là một trong muôn người trong dòng chảy loạn lạc đã neo giữ lại giọng hát, tiếng đàn – là niềm tự hào mà cũng là nỗi bi ai lớn nhất của người phụ nữ Việt Nam.

 

Ở thời đại mà người phụ nữ “không có quyền lên tiếng bàn chuyện đại sự” ấy chỉ có thể nuôi thân mình bằng cung đàn phím nhạc, cuộc đời thả vào tiếng nguyệt cầm khoan nhặt không biết được khi nào đàn sẽ đứt dây và đời sẽ lưu lạc, chỉ biết một điều đớn đau rằng đời ca nữ không bao giờ có được hạnh phúc. Long Thành cầm giả ca đã chuyển tải cái hồn của con người ở thời đại nhiều thăng trầm.

 

Ngay từ những thước phim đầu tiên, Long Thành cầm giả ca đã đánh tan mối lo ngại trong lòng người xem về việc “phim Việt, hồn Trung Quốc” khi trang phục, bối cảnh trên phim đều thuần Việt. Cả một không gian Bắc Bộ xưa được tái dựng chăm chút, tinh tế từng chi tiết.

 

Đạo diễn Đào Bá Sơn nói ông muốn phục dựng một Thăng Long với những vẻ đẹp đã mất. Và ông đã làm được điều này khi không chỉ làm sống lại hình ảnh của những trí thức, những nghệ sĩ ôm tiếng đàn của một thời mà còn tái dựng được cả những nét sinh hoạt, văn hóa của thời đại trước.

 

Ông còn kỳ công cho dựng cả một dãy phố Thăng Long ngày Tết với hoa đào, câu đối đỏ, bánh chưng xanh... rồi những quán nước ven đường đậm nét văn hóa Bắc Bộ xưa.

 

Xem Long Thành cầm giả ca như được xem lại hình ảnh của thời đại hàng trăm năm trước. Công sức hàng tháng trời lặn lội đi tìm bối cảnh từ Hội An, Ninh Bình đến Lạng Sơn, ra tận ải Chi Lăng của đạo diễn Đào Bá Sơn cũng đã mang về cho Long Thành cầm giả ca những thước phim đẹp đến nao lòng.

 

Tên tuổi nhỏ làm nên vai diễn lớn

 

Vào vai nàng ca nương tên Cầm (lúc nhỏ có tên Gái), diễn viên Nhật Kim Anh đã cho nhân vật một khuôn mặt nội tâm, u buồn đến ngơ ngác.

 

Số phận lênh đênh chìm nổi của nàng Cầm đã được dự đoán ngay từ khi nàng còn rất nhỏ, từ xuất thân là con của một đào nương, từ lời nói “người có khuôn mặt nội tâm như thế không nên ra đời”, từ tiếng đàn gãy khúc giữa chừng, từ ánh mắt quyện tâm tư vào lời ca, tiếng nhạc và từ cả cách khóc “chỉ khóc một bên mắt, mắt còn lại để nhìn thấy đường mà đi”...

 

Diễn viên Quách Ngọc Ngoan cũng diễn tả được cái thần của một nho sĩ mang tâm hồn trong sáng, thanh cao nhưng luôn ưu tư, đau đáu trước thời cuộc.

 

Có thể nói, Quách Ngọc Ngoan và Nhật Kim Anh đã đủ sức để lại sự lắng đọng cho nhân vật và làm nên linh hồn của bộ phim.

 

Sự góp mặt của NSƯT Trần Lực, diễn viên Bùi Bài Bình trong vai Nguyễn Khản, Thùy Trung Hầu... cũng góp phần làm nên bức chân dung của thế hệ trí thức yêu nước trung kiên lúc bấy giờ.

 

Nhật Kim Anh vai Cầm và Quách Ngọc Ngoan vai Nguyễn Tố Như

trong phim Long Thành cầm giả ca. Ảnh: Hãng phim Giải Phóng

 

TIỂU QUYÊN - NLD