Cuốn Truyện Kiều tiếng Hàn vừa được Liên hiệp các tổ chức hữu nghị VN giới thiệu, nhân dịp kỷ niệm 12 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Hàn và 200 năm Nguyễn Du viết Truyện Kiều. Được biết, 1000 bản mới được phát hành ở Hàn Quốc. Bản dịch kèm gần 1600 chú thích, được in trang trọng, cứ đoạn 10 câu thơ Việt lại đến 10 câu tiếng Hàn.
Tốt nghiệp khoa Tiếng Việt trường ĐH Ngoại ngữ Hàn Quốc năm 1976, GS Ahn Kyong Hwan đã đến VN rất nhiều lần. Ông là người Hàn đầu tiên làm Luận án Thạc sỹ ngôn ngữ tại Việt Nam (năm 1996) và viết bằng tiếng Việt. Ông cũng đã có bằng Tiến sỹ và có nhiều năm giảng dạy tại HN và TP.HCM. Ông cho biết đã hoàn thành bản dịch trong vòng 6 tháng. Nhưng có lẽ đó chỉ là thời gian đánh máy đơn thuần, còn mối bận tâm đã có từ lâu hoặc công việc không liền mạch.
Trả lời câu hỏi, ông gặp khó khăn gì lớn nhất khi dịch Truyện Kiều, GS Ahn Kyong Hwan cho biết: Truyện Kiều có rất nhiều dị bản. Các dị bản này đã tạo nên những tranh luận gay gắt ở một số nhà "Kiều học" trong nước, và chính chúng cũng nhiều khi làm cho GS Ahn không biết đằng nào mà lần! Cô Đinh Thị Khang - Giảng viên Khoa văn Trường ĐHSP Hà Nội, một người đã giúp đỡ dịch giả rất nhiều, kể rằng có lần ông viết email cho bà, cứ băn khoăn mãi không biết nên
dùng chữ "nóc" hay chữ "chéo" trong câu "Tú Bà vắt... lên giường ngồi ngay". Rồi ông định chọn chữ "chéo" vì cho rằng nó rõ ràng hơn, dễ hiểu hơn, mô tả rõ động tác. Nhưng theo cô Khang, phải dùng chữ "nóc" mới đúng là cái từ nói lên tất cả sự sỗ sàng, lại cả sự đành hanh ghê gớm của Tú Bà: Mụ vội vội vàng vàng lễ xong hương hoả gia đường, rồi ngồi vắt nóc lên để dạy nàng Kiều rằng "con lạy mẹ đây, lạy rồi sang lạy cậu mày bên kia" (tức là Mã Giám Sinh), muốn ra điều tử tế, nhưng cái chữ "vắt nóc" kia đã tố cáo cái "chất" vô học của mụ chủ nhà chứa!
Chỉ với hai chữ chéo/nóc cũng có thể gây nên tranh luận lớn. Tương tự như vậy, chỉ mỗi trong câu tả Sở Khanh "Lặng nghe... gật đầu", đúng ra phải là "lẩm nhẩm" hay "lẩm bẩm", hay "lẩm rẩm", rồi "gật đầu" hay "ngật đầu" mà nhiều nhà Kiều học đến thù ghét nhau suốt đời. Liệu tác giả Ahn Kyong Hwan sẽ chọn chữ nào, và hơn nữa, khi dịch ra tiếng Hàn, chữ đó có thể hiện được sự khác nhau tinh tế trong sắc thái ý nghĩa so với những chữ còn lại không? Điều đó thật khó. Bản thân Ahn Kyong Hwan cũng sẽ có một lựa chọn và một lý giải riêng cho lựa chọn ấy, và thế nghĩa là chúng ta lại có một dị bản Truyện Kiều thứ...n nữa!
Một khó khăn lớn nữa đối với ông không phải nằm ở chỗ các điển tích, điển cố như nhiều người đọc Việt Nam mắc phải, vì các điển cố Trung Quốc lại tương đối quen thuộc với người Hàn. Vả lại, sự mày mò tra cứu của một người làm công tác biên dịch có thể kiên nhẫn ở mức đáng kinh ngạc: Đối với họ, các điển này, miễn là có thể tra được ở đâu đó, thì không thành vấn đề.
Khó khăn chủ yếu lại nằm ở các từ cổ, những từ không còn xuất hiện trong ngôn ngữ hằng ngày của ngườiViệt đã đành, mà đôi khi còn không có trong bất cứ từ điển nào nữa! Hay chẳng hạn, có những câu chữ không thể dịch ra một ngôn ngữ khác tiếng Việt mà lại không phải diễn giải dài đến cả dòng, như câu "Đau đòi đoạn, ngất đòi thôi". Câu này tả cái cảnh Kim Trọng khi tưởng Thuý Kiều chết, đau đớn "tỉnh ra lại khóc, khóc rồi lại mê". GS Ahn Kyong Hwan chỉ cho chúng tôi xem câu tiếng Hàn tương ứng mà ông chuyển: "Kim Trọng đau đớn khóc lóc nhiều lần, sau đó mất tinh thần". Đó là những gì mà người dân Hàn Quốc đọc và biết được về Truyện Kiều!
Cái hay của Truyện Kiều của Nguyễn Du không phải nằm ở cốt truyện. Nó nằm ở trong câu chữ. Các điển cố rải rác trong câu chữ cho thấy học vấn uyên bác của đại thi hào. Cái cách dùng từ láy, dùng những từ ghép xé làm đôi (ngậm thở ngùi than, lá gió cành chim,...) thấm đẫm cái tình của tác giả đối với nhân vật, với tâm trạng con người. Cho nên Truyện Kiều mới trở thành nơi mà người Việt, dù đang ở tâm trạng nào cũng có thể tìm thấy một câu tả đúng lòng mình trong đó! Nếu ở ngôn ngữ khác nó chỉ được diễn xuôi, e rằng chúng ta khiến độc giả đọc một Truyện Đoạn trường tân thanh mất!
Tất nhiên, sự rơi rụng đó trong khi chuyển ngữ là điều không tránh khỏi. Và mặc dầu vậy, cũng mặc dầu lần xuất bản này vẫn còn một số lỗi mo-rat trong phần tiếng Việt, nhưng phải nói rằng ngày nay chúng ta có một bản Kiều bằng tiếng Hàn đã là một nỗ lực rất lớn của GS Ahn Kyong Hwan và là niềm vui cho người yêu Kiều nói chung.
--------------------------------
Dich giả: GS Ahn Kyong Hwan cũng không phải là cái tên xa lạ với nhiều người VN ít lâu nay. Ông chính là người đã dịch tác phẩm Nhật ký trong tù ra tiếng Hàn Quốc, xuất bản tháng 3/2004. Ông được nhận Huy chương Vì sự nghiệp văn hoá của Bộ VH-TT VN (tháng 11/2003) và Huy chương Vì hoà bình hữu nghị giữa các dân tộc của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị VN (tháng 1/2004). Hiện, ông là Chủ nhiệm khoa Tiếng Việt trường ĐH Yong San, Hàn Quốc.
GS tiết lộ, sắp tới ông sẽ "tấn công" sang Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, một kiệt tác viết theo thể song thất lục bát, về nỗi lòng sầu muộn của một người cung nữ bị bỏ quên trong lãnh cung.