Muốn dân hiểu rõ sử nhà
Bộ phim trước tiên là ý tưởng của hoàng hậu Sirikit khi bà thấy rằng, các trường học Thái Lan giờ không còn dạy lịch sử một cách chi tiết như trước. Hoàng hậu muốn thần dân của mình phải hiểu rõ hơn về lịch sử nước nhà và bà cho rằng một bộ phim điện ảnh sẽ là cách hay nhất để đạt được điều này.
Hoàng hậu đem việc này bàn với hoàng tử Chatri (Chatrichalerm Yukol). Chatri có họ hàng xa với hoàng hậu, và khi xưa ông từng học điện ảnh tại UCLA (Mỹ), cùng lớp với Francis Ford Coppola và Roman Polanski. Hoàng hậu Sirikit và Chatri đều đồng ý sử dụng câu chuyện huyền thoại về bà hoàng dũng cảm Suriyothai, làm chủ đề chính trong bộ phim đầu tiên.
Suriyothai là vị hoàng hậu có thật trong lịch sử Thái Lan. Năm 1548, trong trận chiến bảo vệ vương quốc Xiêm La chống lại quân Miến Điện, bà cưỡi voi chiến xông pha giữa làn tên để cứu mạng phu quân - đức vua Maha Chakkraphat và sau đó đã hy sinh giữa trận tiền để bảo vệ sự an bình và tương lai của vương quốc Xiêm La.
Về lịch sử, tất cả những điều được biết về Suriyothai chỉ là cái chết anh hùng của bà. Toàn bộ phần còn lại của chuyện phim hoàn toàn là hư cấu, tái hiện quá khứ huy hoàng của vương quốc Xiêm La thế kỷ 16, với những biến cố gây ra nội chiến, những âm mưu và sự lừa lọc đầy rẫy trong chốn hoàng cung, sự phản bội, phe phái và những trận đại chiến đẫm máu.
Hoàng gia ủng hộ hoàn toàn
Suriyothai là bộ phim tham vọng nhất của điện ảnh Thái Lan với kinh phí lên đến 350 triệu baht (gần 10 triệu USD) được tài trợ từ hoàng hậu Sirikit, kiều bào và các tổ chức kinh tế của Thái Lan.
Chatri viết kịch bản và đạo diễn. Kamla, vợ của ông, thiết kế trang phục kiêm nhà sản xuất. Để chuẩn bị thật tốt cho Suriyothai, Chatri mất một năm để viết kịch bản. Ông đi khắp Thái Lan để tìm kiếm thêm tư liệu và chọn cảnh. Để tăng thêm giá trị của bộ phim, Chatri quyết định mời người bạn học cũ, đạo diễn Francis Ford Coppola, tham gia cố vấn về kỹ thuật và sản xuất cho Suriyothai.
Vì nhiều bối cảnh trong Suriyothai là những địa điểm thực tế, nên vẻ đồ sộ thật sự của các cung điện và dinh thự của hoàng gia Thái Lan đều rất phù hợp. Với những chạm trổ công phu và vàng lá tô điểm hầu như mọi đồ vật, bộ phim đã khắc họa vẻ đồ sộ và phồn vinh của hoàng tộc Thái Lan ở thế kỷ thứ 16. Bên cạnh đó, đoàn phim được đặc quyền bấm máy ở những địa điểm mà bất kỳ đạo diễn nào khác cũng khó hoặc thậm chí không thể tiếp cận. Vì vậy kinh phí thực chất của bộ phim không thể tính được bằng bất kỳ con số nào.
Đóng vai chính, hoàng hậu Suriyothai là Piyapas Bhirombhakdi - cũng là một hậu duệ của hoàng gia Thái Lan, mang tước vị M.L. (tức Mom Luang) và chưa đóng phim bao giờ.
Thiên sử thi mang tầm vóc thế giới
Bộ phim được nhiều người trong ngành điện ảnh chú ý vì tầm vóc và quy mô của nó. Phim đã dàn dựng được rất nhiều cảnh giao tranh với quy mô hết sức hoành tráng, khiến người xem có thể liên tưởng đến bộ phim kinh điển Ran (Hỗn mang). Khán giả bị choáng ngợp trước những trận chiến vĩ đại với các tay cung trên mình voi, những nữ chiến binh ngực trần dùng giáo giết giặc…
Ngoài những cảnh thật quay tại các cung điện và dinh thự của hoàng gia Thái Lan, bộ phim còn xây dựng lại như thật những thành quách cung điện khổng lồ trên những vùng đất mang tính chất lịch sử thật sự. Rất nhiều cảnh quay được thực hiện ở trong và chung quanh phế tích đổ nát của cố đô Ayutthaya cổ kính cách đây 4 thế kỷ.
Khi kịch bản yêu cầu có một số lượng lớn diễn viên phụ cho những cảnh chiến đấu, binh sĩ của quân đội hoàng gia Thái Lan và Hải quân hoàng gia Thái Lan đã được kêu gọi. Tổng cộng có đến 3.500 người được huy động cho những đại cảnh hoành tráng. Đặc biệt 160 con voi đã trải qua những khóa huấn luyện kỹ được sử dụng trong những đại cảnh chiến trận.
Tỉ mỉ và công phu nhất là trang phục và đạo cụ, bao gồm cả vũ khí thật có từ thế kỷ 16 của châu Âu, Thái Lan và Miến Điện. Tất cả được mô phỏng và chuẩn bị trong hơn một năm trời.
Nữ diễn viên Piyapas Bhirombhakdi, thủ vai hoàng hậu Suriyothai đã phải mất nhiều tháng trời để học cưỡi voi, cưỡi ngựa. Cô phải học võ thuật và sử dụng thành thạo một số loại binh khí để có thể tham gia trong những cảnh cưỡi voi giao chiến với quân thù.
Đạo diễn Chatri quyết tâm biến Suriyothai trở thành một bộ phim mang tầm vóc quốc tế, bằng cách mời các chuyên gia kỹ thuật nước ngoài tham gia vào những khâu rất quan trọng mà Chatri nhận thấy rằng ở Thái Lan chưa thể đạt tới đỉnh cao như: quay phim, hóa trang, soạn nhạc và đặc biệt là thu thanh.
Đội ngũ kỹ thuật hỗn hợp Thái Lan và quốc tế của đoàn phim lên đến 400 người: tổ quay phim đến từ Séc và Ba Lan, thu thanh đồng bộ từ Anh và Mỹ. Nhà soạn nhạc người Anh Richard Harvey phụ trách soạn nhạc nền cho phim.
Hơn 1.400 cuộn phim với gần 2 triệu mét phim đã được sử dụng. Phần âm thanh của phim được đặc biệt coi trọng với 263 giờ làm việc. Tất cả được thực hiện theo tiêu chuẩn kỹ thuật số với hệ thống Dolby 5.1 được thực hiện ở phòng thu Zoetrope của đạo diễn Coppola ở thung lũng Napa, Hollywood.
Đích thân hoàng hậu Thái Lan đã mở đầu cho ngày bấm máy đầu tiên của bộ phim đắt nhất trong lịch sử điện ảnh Thái Lan.
Doanh thu gấp 3 lần Titanic
Tất nhiên là tính trong phạm vi Thái Lan. Bộ phim được quay trong thời gian 17 tháng và làm hậu kỳ mất hơn nửa năm. Đạo diễn Coppola đánh giá rất cao bản anh hùng ca châu Á này. Ông chính là người đã quyết định rút gọn bộ phim ban đầu dài 8 giờ của hoàng tử Chatri trở thành một bộ phim có độ dài hơn 3 giờ khi công chiếu tại Thái Lan. Rồi sau đó lại rút gọn lại còn 142 phút, để dễ phát hành tại thị trường Mỹ và quốc tế.
Suriyothai được phát hành ở Thái Lan ngày 12/07/2001. Bộ phim đã phá mọi kỷ lục về số lượng vé bán ra ở trong nước. Chỉ trong một thời gian ngắn, nó đã đạt được doanh thu gấp 3 lần siêu phẩm Titanic khi chiếu ở Thái Lan. Tính đến tháng 11/2001, Suriyothai đã thu về 500 triêu baht (11 triệu USD), lớn gấp gần 3 lần so với khi Titanic chiếu tại Thái Lan 1997 (213 triệu baht - 4,7 triệu USD). Suriyothai đã thu hút sự chú ý của cả đất nước, các nhà lãnh đạo cũng như hoàng gia Thái Lan. Đến giờ Suriyothai vẫn là bộ phim đạt doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh Thái Lan, vượt trên tất cả các bộ phim “bom tấn” của Hollywood.
Bản phát hành ở Mỹ do Sony Pictures Classics phát hành được đặt tựa khá dài Francis Ford Coppola Presents: The Legend of Suriyothai. Một số nhà phê bình cho rằng bản phát hành gốc của Thái 185 phút là phiên bản hay hơn. Tuy nhiên, cũng có những người thậm chí thích bộ DVD dài hơn 5 tiếng đồng hồ với phụ đề Anh ngữ.
Đạo diễn Chatrichalerm Yukol và các diễn viên nữ trong phim