Lễ trao giải diễn ra hôm 21/10 ở California, Mỹ.
Các nhà tổ chức của TED, một tổ chức phi lợi nhuận nuôi dưỡng các ý tưởng và sự cách tân thông qua các hội nghị có uy tín của mình, đã mô tả JR là một người “theo chủ nghĩa nhân đạo thực thụ”. Các tác phẩm ảnh của anh đã truyền cho mọi người một cách nhìn khác hẳn về thế giới và mong muốn chung sức để thế giới ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.
Người nghệ sĩ 29 tuổi này không tiết lộ tên tuổi của mình cũng như ý nghĩa của các bức ảnh có kích cỡ bằng các poster do anh sáng tạo. JR đã dán các bức ảnh đen trắng lớn của anh trên những tòa nhà ở những khu ổ chuột khắp Paris, trên các bức tường ở Trung Đông, hay trên những cây cầu ọp ẹp ở châu Phi và ở những khu ổ chuột của Brazil...
Tạo nên loại hình nghệ thuật mới
JR đã tạo nên một loại hình nghệ thuật hoàn toàn mới, là sự hòa trộn của nghệ thuật trình diễn và poster quảng cáo.
Năm 25 tuổi, JR đã bắt đầu dán “trộm” các bức ảnh cỡ lớn của mình trên khắp các đường phố ở Paris. Đó là ảnh những gương mặt nhăn nhó chụp ở những vùng ngoại ô đa chủng tộc. Anh còn chụp ảnh những người Paris giàu có... Rồi JR đã cùng nhóm bạn của mình tới Israel, Palestine, châu Phi, Brazil và hiện đang ở Trung Quốc. Anh chụp ảnh những gương mặt người sống trong nghèo khổ hay sợ hãi, rồi sau đó phóng to và dán ở khắp mọi nơi.
JR cho biết mục đích trong những bức ảnh của anh là mang tính “nghệ thuật chứ không phải chính trị” nhằm khuyến khích người giàu và người nghèo, những kẻ đàn áp và những người bị áp bức, hãy nghĩ đến nhau và nghĩ đến chính bản thân mình theo những cách khác nhau. Hoặc đơn giản là để suy ngẫm.
Danh tiếng là rào cản cho công việc
Việc đoạt giải mang lại vinh dự nhưng cũng là sự kiện gây đau đầu cho JR. Anh từ chối trả lời phỏng vấn của các phương tiện thông tin đại chúng vì coi danh tiếng như một rào cản, thậm chí là mối đe dọa cho công việc của mình.
Nhưng anh đã ngoại lệ trả lời phỏng vấn của tờ The Independent và từ Thượng Hải, anh nói qua điện thoại: “Đây hoàn toàn là một điều kinh ngạc và tôi đã sững sờ khi biết tin mình đoạt giải. Ban đầu, tôi định không nhận giải vì tôi luôn từ chối mọi sự bảo trợ. Nhưng người ta nói với tôi là chẳng có vấn đề gì khi sử dụng các nhãn mác thương mại cho tác phẩm của mình. Do vậy mà tôi nhận lời. Dù tôi chưa định hình rõ nhưng mong muốn của tôi sẽ mang tinh thần của những gì mà tôi đã làm. Tôi tới nhiều cộng đồng bản địa, những cộng đồng đã bị lãng quên và cố gắng tiếp sinh lực cho họ thông qua nghệ thuật. Tôi nghĩ “mong muốn” của mình mang tinh thần như vậy, nhưng ở phạm vi toàn cầu”.
Xuất thân từ một gia đình Pháp-Tunisia trung lưu, JR bắt đầu theo đuổi sự nghiệp nhiếp ảnh từ cách đây 11 năm khi anh nhặt được một chiếc máy ảnh rẻ tiền mà một du khách đã bỏ lại ở Paris Metro. Anh tài trợ mọi hoạt động nhiếp ảnh mang tính “du kích” của mình bằng việc bán ảnh tại các phòng trưng bày ở Mỹ và Pháp. Anh đã nhận được lời đề nghị tổ chức triển lãm ở London, Brussels, Berlin, Paris và Thượng Hải.
TED - giải thưởng cho những người “thay đổi thế giới”
TED là từ viết tắt của Technology, Entertainment, Design (Công nghệ, Giải trí, Thiết kế). Hằng năm, giải TED được trao cho những người làm công việc và có nhãn quan thay đổi thế giới ngày càng tốt đẹp hơn. TED nổi tiếng với đội ngũ người tài và các hội nghị thường niên của tổ chức này luôn thu hút được các nhân vật danh tiếng, chính trị gia và những người đoạt giải Nobel hay các nhà sáng lập của các mạng lưới lớn trên Internet như Google và Amazon.
Giải thưởng TED từng được trao cho cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, ca sĩ chính của nhóm Ireland U2 - Bono và Jamie Oliver. Giải TED được các doanh nhân và nghệ sĩ giải trí hàng đầu thế giới bảo trợ và còn mang đến cho người đoạt giải một “mong muốn” - tức là cơ hội thu hút được sự quan tâm và gây quỹ cho mục đích nhân văn theo lựa chọn của họ.
Ảnh: Nghệ sĩ nhiếp ảnh JR