Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.851 tác phẩm
2.760 tác giả
433
123.068.421

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Chùa Nôm không còn của làng Nôm
Những tưởng việc tu bổ, tôn tạo sẽ giúp chùa Nôm - ngôi chùa cổ đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, trở nên đẹp hơn, nhưng sự thực lại khiến ngôi chùa trở nên lạ lẫm, nhiều nét kiến trúc - nghệ thuật, văn hóa ngoại lai xuất hiện một cách rõ nét.

“Nhập” Quan Âm

 

Chúng tôi tới thăm chùa Nôm (thuộc làng Nôm, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) vào ngày 15.11. Một ngôi chùa có kiến trúc bề thế hiện ra, xa lạ với những cảm nhận gần gũi về một ngôi chùa làng cổ ở vùng quê đồng bằng Bắc Bộ.

 

Thượng tọa Thích Đồng Huệ - trụ trì chùa Nôm đi vắng, tiếp chúng tôi là Đại đức Thích Thanh Hải. Đại đức cho biết, khoảng hơn chục năm trở lại đây, chùa đã nhiều lần được tôn tạo. Khu tiền đường, cổng tam quan, lầu Quan Âm được xây mới hoàn toàn, khu Tổ đường được tu bổ lại. Tiền tu bổ, tôn tạo do các Phật tử nhiều nơi công đức. Lúc chúng tôi tới, nhiều công trình mới vẫn đang được tiếp tục.

 

Theo TS Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khảo cổ học VN) việc xây riêng một lầu Quan Âm như tại đây chưa thấy có ở ngôi chùa Việt cổ nào. Ông nói: “Việc nhà chùa cho đào mới một hồ nước đã làm thay đổi cảnh quan vốn có của chùa cũ. Kiến trúc bát giác của lầu Quan Âm cũng là kiểu thức hầu như không gặp trong các ngôi chùa Việt. Diện nước (nếu có) phải ở phía đằng trước chứ không phải ở bên cạnh chùa”.

 

Lầu Quan Âm ba tầng mái vừa mới được xây dựng mới lại vào năm ngoái (2009). Trước đó, một lầu Quan Âm hai tầng mái đã được dựng lên, nhưng có lẽ vì chưa đủ hoành tráng nên đã được di dời sang cạnh đình làng, để thay vào đó là lầu ba tầng mái như hiện nay. Bức tượng Phật Quan Âm đặt bên trong hoàn toàn xa lạ với nghệ thuật truyền thống VN từ phong cách, hình thức tạo tác, đến các chi tiết. Hỏi ra mới biết, thượng tọa Thích Đồng Huệ đã rất kỳ công đặt đúc tượng tận tại Trung Quốc, sau đó phải chuyển qua đường biển về VN.

 

Phía trước chiếc cầu đá dẫn ra lầu Quan Âm là hai tháp Cửu phẩm liên hoa bằng đồng. Theo phân tích của một nhà nghiên cứu di sản truyền thống, tháp Cửu phẩm liên hoa gắn liền với thế giới của A di đà Phật, của những kiếp đời đã qua. Tháp này nếu có phải được đặt theo trục chính nhưng ở phía sau chùa và chỉ có một chứ không thể có hai tháp trong một ngôi chùa.

 

 Chùa Nôm không còn của làng Nôm nữa rồi, ngôi chùa ấy bây giờ là của một ông sư  

 Một ông cụ 75 tuổi ở làng Nôm

 

Lạ lẫm với chính người dân

 

UBND tỉnh Hưng Yên vừa được phép chủ trì lập dự án quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị quần thể di tích lịch sử quốc gia đình Đại Đồng, chùa Nôm gắn với phát triển du lịch.

 

Đại đức Thích Thanh Hải nói: “Chùa hiện có diện tích 8 ha. Sắp tới theo dự án tu bổ, diện tích chùa sẽ mở rộng tới 15 ha”. Nhìn vào bức vẽ phối cảnh tổng thể chùa Nôm (được đặt ngay tại tiền đường ở chùa), có thể hình dung khuôn viên chùa mới sẽ được mở rộng gấp nhiều lần so với khuôn viên cũ, nhiều công trình kiến trúc mới sẽ được xây dựng.

 

Những người lập quy hoạch đã dự kiến chùa có đến 3 trục (một của chùa cổ, một của cụm cầu đá - lầu Quan Âm, và một của tượng Phật khác rất lớn, đặt lộ thiên bên phải trục chùa cổ). Cảnh quan không gian này hoàn toàn chưa từng gặp trong các ngôi chùa cổ. Một di tích kiến trúc cổ, nhất là một kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng không thể có hơn 1 trục chính.

 

Với công việc tôn tạo với quá nhiều nét kiến trúc - văn hóa ngoại lai, một câu hỏi được đặt ra: liệu công việc tôn tạo sắp tới có lặp lại những sai lầm này? Vấn đề đáng phải bàn ở đây là đầu tư thế nào, tu bổ thế nào cho đúng với văn hóa truyền thống. Đừng bỏ ra một số tiền không nhỏ để biến ngôi chùa Việt thành một ngôi chùa lai căng, lạ lẫm với chính người dân nơi đây, như lời thống thiết của một ông cụ 75 tuổi, người làng Nôm, nói với chúng tôi: “Chùa Nôm không còn của làng Nôm nữa rồi, ngôi chùa ấy bây giờ là của một ông sư”.

 

Chùa Nôm có nhiều nét kiến trúc - nghệ thuật ngoại lai - Ảnh: M.N

 

Minh Ngọc - TNO