Potiche, tác phẩm gần đây nhất của anh, là một cái nhìn khôi hài nhưng không kém phần cay cú về địa vị của người đàn bà trong xã hội.
Hiểu theo nghĩa đen, Potiche là cái bình sứ. Còn trong nghĩa bóng, chữ Potiche thường để chỉ những người đàn bà không có quan điểm cá nhân, đặt đâu ngồi đấy, tựa như một món đồ đạc hay chậu cây kiểng đặt ở trong nhà. Câu chuyện diễn ra ở miền Bắc nước Pháp, vào giữa những năm 70. Suzanne là một phụ nữ đã ngoài 60 tuổi, dành trọn cuộc đời cho chồng con. Bà không làm gì khác ngoài công việc bếp núc, chăm nom nhà cửa. Chồng của Suzanne là ông Robert, một nhà kỹ nghệ giàu có, chủ nhân của một nhà máy chuyên sản xuất ô dù. Ông điều hành công ty của mình với bàn tay sắt, đối xử khá thậm tệ với công nhân và nhân viên. Về đến nhà, ông Robert cũng chẳng mặn mà gì hơn với gia đình. Ông bố nói gì thì hai đứa con phải nghe nấy. Còn với người bạn chăn gối, ông lại ứng xử theo kiểu chồng chúa vợ tôi.
Nỗi bất mãn chưa nảy sinh trong gia đình mà đã xuất phát từ công ty. Công nhân nhà máy biểu tình đình công, bắt ông Robert làm con tin, không cho ông giám đốc về với vợ con. Ông Robert suy sụp tinh thần đến nỗi lên cơn đau tim, nên phải nhập viện điều trị. Ghế giám đốc bị bỏ trống, bà Suzanne tạm thời lên thay chồng để điều hành công ty. Bất ngờ thay, bà chứng tỏ mình là một phụ nữ đầy bản lĩnh, có cá tính mạnh mẽ và đầu óc biết tính toán khi phải thương lượng với giới đại diện công đoàn, cũng như khi bà phải thuyết phục các dân biểu địa phương, trong đó có ông Maurice. Thời còn trẻ, họ đã từng là tình nhân, nay họ lại gặp nhau trong bối cảnh tranh chấp xã hội. Về phần ông Robert, sau khi xuất viện về nhà, ông muốn lấy lại toàn bộ quyền điều hành. Nhưng khuôn thước gia đình cũng như trật tự xã hội đã thay đổi. Vợ ông chính là người cầm cương. Đối với bà Suzanne, làm giám đốc công ty không quan trọng, làm chủ bản thân, tự định đoạt cho đời mình mới thật sự là điều có ý nghĩa.
Được quay với một dàn diễn viên gạo cội, trong đó có hai ngôi sao màn bạc Pháp là Catherine Deneuve và Gérard Dépardieu, bộ phim Potiche trước hết là một vở hài kịch nói về vai trò của người đàn bà trong gia đình và địa vị của họ trong xã hội. Trong thể loại hài kịch, nhịp điệu của bộ phim được xem là quan trọng hơn cả. Điểm mạnh của đạo diễn François Ozon là anh biết khai thác các tình huống ngược đời, để tránh cho nhịp điệu bộ phim bị chậm lại, bằng không các cảnh phim có vẻ như hơi giả tạo. Đạo diễn Pháp cũng biết đánh trúng tim đen của khán giả khi chọn những lời thoại cay cú trong những tình huống hết sức khôi hài. Không phải ngẫu nhiên mà đạo diễn François Ozon chọn thập niên 70 làm bối cảnh cho bộ phim. Thời kỳ đấu tranh đòi nữ quyền tại Pháp sẽ giúp giải phóng người đàn bà trên nhiều phương diện. Một khi đã bước ra ngoài xã hội rồi, đa số phụ nữ không còn muốn bị giam lỏng trong vai trò đơn thuần nội trợ của họ.
Trong bộ phim, đạo diễn Ozon tạo khoảng cách thời gian để giúp cho người xem bắt gặp những tình huống thời nay. Nếu phim này được thực hiện dưới dạng tài liệu để phản ánh vấn đề nam nữ chưa bình quyền, thì chưa chắc gì nhà đạo diễn đã nhắm trúng mục tiêu. Ngược lại khi xem phim hài, khán giả sẽ cảm thấy thích thú bất ngờ khi nhận thấy rằng nhân vật Suzanne của 30 năm về trước sao lại giống như tình huống của một số phụ nữ thời nay. Sự phân biệt đối xử có thể không còn mạnh như trước, nhưng nó trở nên thiên hình vạn trạng, nên càng khó mà nhận dạng.
Trước khi được chuyển thể lên màn bạc, phim Potiche ban đầu là một vở hài kịch, khá ăn khách tại Pháp của hai tác giả Barillet và Gredy. Nội dung bộ phim này chọn thập niên 1970 làm bối cảnh, vào lúc mà phong trào đấu tranh đòi nữ quyền đang ở trong giai đoạn cao điểm. Đạo diễn François Ozon cho biết anh cố tình làm như vậy. Nét khôi hài nảy sinh từ những tình huống chênh lệch.
Bộ phim này trước hết là câu chuyện của một người đàn bà sống ở tỉnh lẻ không tìm được chỗ đứng của mình trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Trong suốt bộ phim, bà Suzanne sẽ đi tìm một vị trí nào đó cho riêng mình. Phần lớn cốt truyện dựa trên sự đối chọi giữa hai nhân vật chính là ông Robert và bà Suzanne. Hai vợ chồng tưởng chừng như song hành nhưng thật ra lại đi theo hai chiều trái ngược nhau. Vào đoạn cuối bộ phim ông chồng coi như bị mất quyền hành, còn bà vợ thì lại giành được quyền quyết. Tôi cố tình chọn thập niên 70 làm bối cảnh vì ở Pháp đó là thời kỳ ban hành luật cho phép phụ nữ phá thai, và đâu đó cho phép họ cái quyền quyết định có con hay không. Thập niên 70 cũng là một giai đoạn có nhiều tranh chấp xã hội : nước Pháp thời đó đang trải qua cú sốc dầu hoả đầu tiên : nhiên liệu trở nên đắt đỏ khan hiếm, trong khi diễn ra các vụ đình công của công nhân vào những năm 1977-1978. Bộ phim này kể lại một câu chuyện xảy ra hơn 30 năm về trước nhưng vẫn mang tính thời sự xã hội, khi mà gần đây một số tập đoàn buộc phải đóng cửa các chi nhánh ở Pháp, và điều đó dẫn đến việc bắt các giám đốc điều hành làm con tin để rồi giam lỏng họ. So với các thập niên về trước, xã hội Pháp hẳn chắc đã thay đổi trên nhiều phương diện, nhưng có một điểm vẫn không hề thay đổi.
Bộ phim Potiche nổi bật trước hết nhờ vào cách tái tạo không gian và bối cảnh của thập niên 1970. Màu sắc, trang phục, lời thoại của các nhân vật chính làm cho người xem liên tưởng đến một số bộ phim ca nhạc của Pháp những năm về trước. Âm thanh, nhạc nền ở đây đóng một vai trò hết sức quan trọng, vì đôi khi nó phản ánh nội tâm nhân vật, có lúc nó minh họa cho tình huống. Đối với đạo diễn François Ozon, đó cũng là dịp để cho anh trở về với tuổi thơ.
Với bộ phim này tôi đã muốn tìm lại không khí của những năm 70. Về điểm này, không có gì minh họa hay cho bằng cách ăn mặc cũng như thị hiếu âm nhạc của thời đó. Đối với tôi, cuộc hành trình trong quá khứ cũng là dịp khám phá lại tuổi thơ. Vào năm 1977, tôi mới lên mười. Nhưng tôi vẫn nhớ rất rõ những gì tôi thích nghe thời còn nhỏ. Có một số bài hát tưởng chừng như đã quên, chỉ cần nghe khúc nhạc dạo đầu trổi lên, là tôi nhớ lại ngay kỷ niệm thuở thiếu thời. Một số bài khác thì tôi không hề biết đến, và như vậy tôi thật sự được nghe lần đầu tiên gần 40 năm sau. Các bài hát mà tôi chọn có quan hệ ít nhiều đến các nhân vật. Trong phim có cảnh Catherine Deneuve vừa đang rửa chén, vừa hát một bản nhạc của Michelle Torr. Nội dung bài hát y hệt như tâm trạng nhân vật vào giây phút đó. Nhìn chung thì tôi tìm cách tái tạo một bầu không khí chung chứ không phải là làm giống y hệt như thời trước. Cách ăn mặc của các diễn viên giống như các nhân vật trong phim bộ được chiếu trên truyền hình Pháp vào những năm 70.
Đây là lần thứ nhì đạo diễn François Ozon chuyển thể một vở kịch lên màn bạc. Lần trước, anh đã dựng bộ phim Huit Femmes (8 người đàn bà), phóng tác từ vở kịch cùng tên của tác giả Robert Thomas. Nhiều người cho rằng phong cách làm phim của anh chịu ít nhiều ảnh hưởng của đạo diễn Pháp Jacques Demy. Bên cạnh gương mặt này, François Ozon còn gợi hứng từ nhiều tên tuổi bậc thầy khác. Anh cho biết vì sao anh thích chọn phóng tác kịch thành phim truyện.
Tôi không phải là người đầu tiên chuyển thể các vở hài kịch lên màn bạc. Thật tình mà nói thì tôi rất ngưỡng mộ các đạo diễn Mỹ những năm 50 như Lubitsch, Billy Wilder hay George Cukor. Các gương mặt này đều đã từng dàn dựng nhiều bộ phim phóng tác từ các vở kịch. Có một điều rất lạ là khi quay phim, tôi lại thích điều mà tôi gọi là ‘‘ngôn ngữ kịch tích trong điện ảnh’’. Nói cách khác, việc xây dựng và phác họa nhân vật càng đậm nét bao nhiêu, thì tôi càng dễ truyền đạt những gì tôi muốn nói bấy nhiêu. Về điểm này, đạo diễn bậc thầy Hitchcok đã từng nói rằng nếu tác phẩm là một vở kịch hay thì nhà làm phim chỉ cần quay như vậy. Theo ông thì không nhất thiết phải quay thêm ngoại cảnh. Một số đạo diễn quan niệm rằng phim phải khác với kịch, do vậy khi phóng tác một vở kịch thành phim, họ dựng thêm những chi tiết không có trong kịch. Tôi đã từng thử áp dụng lời chỉ dẫn của đạo diễn Hitchcok, vào bộ phim 8 người đàn bà, vì câu chuyện xảy ra trong không gian kín đáo của một căn nhà. Còn trong phim Potiche, thì tôi làm khác đi một chút. Ban đầu, nhân vật Suzanne giống hệt như một nhân vật trong kịch, đến cuối bộ phim bà lại rất gần giống với một nhân vật mà ta dễ gặp trong đời thường.
Tốt nghiệp trường cao đẳng điện ảnh quốc gia FEMIS, François Ozon không những vững tay nghề trong cách dựng kịch bản, chỉ đạo diễn viên hay sử dụng ngoại cảnh, mà anh còn là một người yêu xinê và mê xem phim. Anh có một kiến thức khá sâu rộng về ngành điện ảnh nói chung, các đạo diễn bậc đàn anh nói riêng. Anh cho biết động lực nào đã thúc đẩy anh đeo đuổi nghề làm phim.
Tôi chọn ngành điện ảnh vì tôi rất mê xem phim. Tôi mê các diễn viên trước khi thật sự quan tâm đến các nhà đạo diễn. Trong số những gương mặt mà tôi hằng ngưỡng mộ từ thời còn nhỏ, tôi rất mê ngôi sao màn bạc quá cố Romy Schneider. Mỗi lần Romy xuất hiện trên màn ảnh lớn, từ nơi cô toát ra một ma lực quyến rũ lạ kỳ. Nhiều người tưởng lầm rằng thần tượng của tôi chính là diễn viên Catherine Deneuve, bởi lẽ chúng tôi đã quen nhau từ gần 10 năm nay và đã cùng quay hai bộ phim với nhau. Nhưng tôi chỉ khám phá các bộ phim của Catherine Deneuve lúc tôi đã trưởng thành. Về phía các nhà đạo diễn thì tôi thật sự tìm xem phim của họ lúc tôi còn là sinh viên ngành điện ảnh. Trong số các đạo diễn mà tôi yêu chuộng có Rohmer, Pialat, Max Ophuls, Douglas Sirk, vân vân. Có thể nói không có điểm chung nào giữa các đạo diễn này, mỗi người có một phong cách hoàn toàn khác biệt, và theo tôi thì một đạo diễn trẻ nên xem cho thật nhiều phim khác nhau, vì nơi mỗi bộ phim ta đều có thể học hỏi nhiều điều mới lạ. Mãi đến khi tôi khám phá đạo diễn Fassbinder, thì tôi thở phào nhẹ nhõm, vì đạo diễn này quay nhiều thể loại khác nhau, ông có thể làm phim gần sát với mạch hiện thực, rồi đến tác phẩm sau ông dựng một bộ phim đầy kịch tích. Nếu phải tự định nghĩa, thì có lẽ tôi đeo đuổi một mục đích tương tự. Có lẽ cũng vì thế mà trong bộ phim trước đây của tôi, khán giả có thể xem chính kịch, phim hài, tâm lý tình cảm hay phim cổ trang. Thậm chí trong một số phim tôi pha trộn nhiều thể loại với nhau. Theo tôi, thể loại chỉ thuộc hàng thứ yếu. Điều mà ta muốn gửi gấm đến người xem mới thật sự là quan trọng.
Ảnh: Đạo diễn phim "Potiche", ông François Ozon.