Một nhà tân học, nhà báo, nhà văn, nhà phiên dịch Việt Nam đầu thế kỷ 20.
Tham gia buổi lễ có động đảo thân quyến gia tộc họ Nguyễn, chính quyền và bà con nhân dân làng Phượng Vũ cùng nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, nhà sử học, các nhà văn, nhà báo. Thay mặt cho đoàn viếng từ Hà Nội, GS Chu Hảo đã có bài phát biểu, bày tỏ lòng thành kính, trân trọng nhân cách và tài năng, những đóng góp to lớn của cụ Nguyễn Văn Vĩnh với nền văn hóa của dân tộc. Trong buổi gặp mặt với gia đình, chính quyền nhân dân làng Phượng Vũ sau lễ viếng khu mộ gia tộc, nhiều học giả, nhà nghiên cứu đã nêu quan điểm về sự cần thiết phải sưu tầm, nghiên cứu một cách nghiêm túc những tác phẩm của nhà văn hóa Nguyễn Văn Vĩnh. Đó là một tài sản quý giá giúp chúng ta hiểu hơn về nhân cách, tài năng của một con người suốt đời vì dân vì nước. Thế nhưng với phạm vi hoạt động phong phú trên nhiều lĩnh vực: chính trị, báo chí, văn học, dịch thuật, kịch, điện ảnh cùng với hoàn cảnh lịch sử khắc nghiệt nhiều biến động của đất nước thế kỷ qua, việc tìm kiếm, tập hợp di cảo của cụ là vô cùng khó khăn.
Hiện nay, người được gia tộc Nguyễn giao trọng trách giữ gìn, bảo quản những di cảo hiếm hoi còn lại của nhà văn hóa Nguyễn Văn Vĩnh là ông Nguyễn Lân Bình. Ông cho biết những gì mà gia đình còn giữ lại cho đến ngày nay không còn nhiều, chỉ là một số cuốn sách dịch thuật như cuốn truyện Kiều được dịch sang tiếng Pháp, thơ ngụ ngôn La Fontanie và vài cuốn sách nhỏ in những tác phẩm dịch truyện, kịch đã đăng báo... Ngoài ra, có thể kể đến gần 500 bài báo bằng tiếng Pháp đăng trên tờ An nam Nouveau do ông Nguyễn Phổ - con trai cụ Vĩnh bỏ nhiều công sức sao chụp lại.
Bên cạnh việc tái bản lại những cuốn sách cũ đến nay còn giữ lại được, ông Nguyễn Lân Bình cũng chia sẻ về dự định của gia đình sẽ tập hợp các bài báo viết bằng tiếng Pháp của cụ Vĩnh và in thành một cuốn sách để mọi người hiểu hơn những suy nghĩ, tư tưởng cũng như tấm lòng của cụ với đất nước, dân tộc.
Ảnh: Học giả Nguyễn Văn Vĩnh (bìa phải) tại Pháp năm 1922