Khán giả không chỉ săn phim, mà nhiều dịch vụ ăn theo ngày càng đông khách: Từ hãng bán lẻ Uniqlog ăn nên làm ra với áo phông Rừng Na Uy, in hình cảnh quay- cho đến chính quyền ở Kamikawa, Hyogo cho phép dịch vụ xe bus đưa đón du khách đến các địa điểm quay một số cảnh phim- được xem như gói du lịch sinh lời béo bở từ tác phẩm của Murakami.
Nhiều người cho rằng Trần Anh Hùng xứng đáng được Oscar cho lòng kiên trì theo đuổi bộ phim, vì Murakami vốn kỹ tính chọn người chuyển thể sách của mình. Thực tế, Trần Anh Hùng mất bốn năm để tranh luận, bàn thảo với ông và phải vượt qua chướng ngại vật lớn nhất: Chọn diễn viên Nhật, làm bộ phim nói tiếng Nhật trong khi bản thân không biết tiếng.
Số đông dư luận Nhật lạc quan về tác phẩm này, dù tại LHP Venice vừa rồi, phim chỉ dừng lại ở đề cử Sư tử Vàng.
Tờ The National viết: "Thật may mắn cho khán giả khi đạo diễn chịu đeo bám đến cùng để cho ra đời bộ phim bất ngờ và mới mẻ. Khán giả bị lôi cuốn bởi hình ảnh đẹp và đậm dấu ấn Trần Anh Hùng như ở Mùi đu đủ xanh". Tuần này, Rừng Na Uy tham gia LHP Quốc tế Dubai.
Đạo diễn thừa nhận cảm hứng từ cuốn sách không còn gì phải bàn, nhưng khó khăn tiếp theo chính là kịch bản:"Tôi phải mất sáu tháng để viết 11 trang đầu kịch bản. Rồi phải ngừng hai tháng tiếp theo, vì không thể tiếp tục. Sau cùng tôi chỉ có 21 ngày để hoàn thành, bởi nhà sản xuất thúc ráo riết". Anh viết bằng tiếng Pháp, sau đó dịch ra tiếng Anh- ngôn ngữ để trao đổi với Murakami. Tuy thế, đạo diễn cho rằng không biết tiếng Nhật lại là một lợi thế.
Dàn diễn viên được báo chí Nhật ca ngợi, nhất là Rinko Kikuchi (Oscar vai phụ phim Babel) vào vai Naoko: "Kikuchi chuyển tải được nét đẹp mỏng manh của nhân vật". Còn Rinko tâm sự với báo chí về quyết tâm muốn có vai diễn: "Ban đầu đạo diễn không để tâm đến tôi lắm. Tôi phải nài nỉ gửi băng ghi hình, anh ấy hẹn gặp tôi ngay ngày tiếp theo. Đoạn băng đó ghi diễn xuất của tôi trong một cảnh Rừng Na Uy, đó chính là cảnh tôi cảm thấy ấn tượng nhất khi lần đầu đọc tiểu thuyết lúc tôi 18 tuổi. Naoko ở cùng độ tuổi của tôi khi ấy, tôi chắc cảm xúc của mình cũng giống thế".
Vài nhà phê bình hỏi đạo diễn tại sao bỏ vài yếu tố hài hước của cuốn sách gốc; một số cho rằng phim là bữa tiệc thị giác, coi trọng cảnh quay đẹp hơn là chuyển tải nội tâm. Trần Anh Hùng phân trần: "Có rất nhiều hình ảnh đẹp, trên ti vi hay hình quảng cáo, nhưng với tôi đẹp thôi không đủ. Nó phải có ích cho câu chuyện".
Một số khán giả đặt câu hỏi liệu phim của Trần Anh Hùng có đủ sức lôi cuốn khán giả quốc tế? Thực tế, các đạo diễn làm phim chuyển thể phải đối mặt với lượng fan khổng lồ của tác phẩm văn học gốc. Trước mắt, Trần Anh Hùng đứng trước kế hoạch giới thiệu phim ở hơn 30 quốc gia. Phim khởi chiếu ở Việt Nam ngày 31-12.
Ảnh poster: Rừng Na Uy được phát hành trên 30 quốc gia.