Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.851 tác phẩm
2.760 tác giả
307
123.063.071

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Hiệu ứng lạ kỳ trong khúc "Ballad biển Đông"
Triển lãm Không vô can và Ballad Biển Đông của họa sĩ Lý Trực Sơn và nhà điêu khắc Đào Châu Hải đang diễn ra tại Viet Art Centre (42 Yết Kiêu, Hà Nội) và sẽ kết thúc vào 16/12.

Cả hai tác giả có nhiều điểm khá tương đồng. Họ đều từng là những giáo sư khả kính của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (nhưng đều đã rời trường). Thời thanh niên, cả hai từng có thời gian dài tu nghiệp ở châu Âu. Họ đều đã lên chức “ông nội, ông ngoại”. Và cuối cùng có một lý do trực tiếp, quan trọng dẫn tới triển lãm lạ lùng này: Giữa năm vừa rồi, họ có một chuyến ra thăm Trường Sa…

 

Xem tranh và tượng của họ, ở 2 “thái cực” của cảm xúc, nhưng vẫn có một sự giao hòa kỳ lạ.

 

Chuyến đi Trường Sa, tranh giấy dó và điêu khắc thép

 

Rất khó miêu tả chuyến ra thăm Trường Sa, nơi hải đảo xa nhất của Tổ quốc, giữa trùng dương sóng cả, mênh mang vô biên của trời nước, nhưng lại chứng kiến ở nơi cùng trời cuối đất ấy sự sống, ánh mắt trẻ thơ... đã gây ấn tượng “choáng váng” như thế nào với những nghệ sĩ tạo hình đã mấp mé cái tuổi mà mọi “lạc thú phàm trần” khó mon men gần họ được. Nhưng tôi tạm gọi đó là một chuyến đi “làm tươi mới tinh thần” rất sâu đậm đến hai ông, những nghệ sĩ tạo hình có lòng yêu nước và sự tự trọng nghề nghiệp sâu sắc ngang nhau này. Sau chuyến đi, họ có đem về bảy tám chục bức vẽ của thiếu nhi và bộ đội Trường Sa tự vẽ về “quê hương Trường Sa”, đã tổ chức một triển lãm những bức vẽ này tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, HN.

 

Nhiệm vụ của chuyến đi coi như hoàn thành. Nhưng mỗi người còn để dành, nung nấu những cảm xúc riêng ấy vào các tác phẩm của mình...

 

Từ nhiều năm nay, họa sĩ Lý Trực Sơn, ngoài sự nổi tiếng về tranh sơn mài, còn một “ngón tủ” rất cao thủ mà không ai trong nghề có quen ông lại không biết. Đó là “tranh giấy dó của Lý Trực Sơn”. Vài năm nay, họa sĩ Lý Trực Sơn mày mò khai phá một con đường sáng tác giấy dó riêng: đó là tranh giấy dó trừu tượng hoặc “bán trừu tượng” vẽ bằng màu tự nhiên do ông tự chế. Màu đó có thể là màu rễ cây, lá, hoa hoặc khoáng vật ông cất công tìm, giã nát, lọc màu. Bảng màu từ chất liệu tự nhiên này có thể gọi là phong phú vô cùng, cũng như gần gũi với “vị giác tự nhiên” của con người hết mức có thể. Cùng với việc chế ra bảng màu - chất liệu màu mới, họa sĩ còn sáng tạo ra một cách vẽ mới đi với nó. Đó là cách vẽ nhuộm dó từ từ. Rất ít nét và hình, chỉ là những không gian đa sắc độ mỏng tang, phơ phất nhưng có khi lại lộng lẫy dày dặn. Đứng trước bức tranh, không hiểu nó là gì, nhưng nó nảy ra trong lòng người xem có cảm giác ham muốn tan biến thân thể của mình trong không gian ấy. Tác giả của nó tự nhận là: Tranh của tôi có thể đi vào được!

 

Cũng từ hàng chục năm nay, nhà điêu khắc Đào Châu Hải chú ý đến nghiên cứu một chất liệu điêu khắc hiện đại ít quen thuộc với truyền thống điêu khắc của người Việt: điêu khắc thép. Không chỉ nghiên cứu để chuyển sang sáng tác, ông còn khuyến khích và cổ động cả một lứa học trò sáng tác trên chất liệu này, trở thành một phong trào chứ không lẻ tẻ cá nhân như trước. Vài người trong số họ đã có tiếng tăm như các tác giả trẻ Khổng Đỗ Tuyền, Nguyễn Huy Tính, Nguyễn Ngọc Lâm... Và một cuộc tổng kết điêu khắc kim loại giữa hai thế hệ thầy - trò này diễn ra trong triển lãm Sóng ngầm tháng 6/2009.  

 

Đào Châu Hải cho rằng điêu khắc sắt - thép có những lợi thế mà chất liệu khác không có được. Trước hết là khả năng chiếm lĩnh không gian theo nhiều chiều kích vây bủa, có thể rất thanh mảnh uốn lượn nhưng cũng có thể rất đặc nặng (khác với đá, thuần túy chiếm lĩnh không gian bằng các khối đặc) và sức áp chế khủng khiếp của nó về quy mô kích thước. Khả năng đa dạng trong việc lắp ghép, hàn gắn của sắt thép cũng mở rộng ngôn ngữ của điêu khắc, thể hiện những đặc trưng mỹ cảm phức tạp của đời sống hiện nay. Sự chiếm lĩnh không gian ba chiều của điêu khắc kim loại với thái độ và những ý niệm đơn giản. Nhưng năng lực điều khiển không gian “gào thét” của nó đủ “đập chết” cả đống tượng tròn “thính phòng” được bóp nặn công phu, mà nếu đặt cạnh nhau, sẽ chẳng khác gì đồ kim hoàn. Người làm điêu khắc thép không “làm tượng” mà đưa ra các thông điệp bằng chất liệu thì đúng hơn. Những thông điệp có tính nghệ thuật ấy cũng không cầu kỳ, vòng vo mà rất thẳng thừng, đơn giản như tính cách cần có của người làm điêu khắc. Ở Đào Châu Hải, thông điệp đó là sự đau đáu trước những cuộc vận động lớn của đất nước. Với tính chất khốc liệt đến nghiệt ngã dữ dội của nhịp điệu, bất kỳ là động hay tĩnh.

 

Hiệu ứng kỳ lạ  

 

Và tác phẩm của Lý Trực Sơn - Đào Châu Hải đã kết hợp với nhau như vậy lần đầu tiên, tạo nên những hiệu ứng kỳ lạ mà chính hai người cũng không lường trước. Ở triển lãm này, Đào Châu Hải bày 31 khối “sóng” bằng sắt tấm, cắt nhọn hoắt rồi khoan xuyên qua, ghép lại, bày la liệt có chủ ý dưới nền nhà. Những khối sóng này tạo cảm giác lưỡng cảm kỳ dị, vừa biết nguy hiểm, vừa muốn sờ tay vào và nhảy múa trên đó. Loạt tác phẩm này lấy tên là Không vô can (dịch ra tiếng Anh là Involved, còn có nghĩa là “bị dính líu”). Còn Lý Trực Sơn bày 18 bức tranh giấy dó với tông xanh lục thẫm chủ đạo, nhòa loang tinh tế. Ông vẽ trừu tượng, thấp thoáng những khối bán cầu, hình tháp, chấm vạch và những hình ngoắc nét chặn mảng rộng như chữ “nhân”. Các bức tranh gây cảm giác rất rõ về trời nước mênh mông du dương, hoặc những không gian lạ lẫm mang tính huyền hoặc tôn giáo, hoặc như giấc mơ nhớ lại sau khi ta xem phim Avatar - câu chuyện hình ảnh về một hành tinh khác...  

 

Một cực nhẹ như giấy dó, với bút pháp lãng đãng của tinh thần Thiền “động”. Một cực nặng như sắt, với “cưa cắt pháp” sắc nhọn, khốc liệt với tinh thần “nhập thế đáo để”... Ấy thế mà nó tương ứng, hòa hợp, hô ứng, phát triển và gây men cảm hứng cho người xem ngoài sức tưởng tượng như “thái cực sinh lưỡng nghi” vậy. 

 

Triển lãm Không vô can và Ballad Biển Đông quả thực là triển lãm đôi thú vị và cảm động nhất từ trước đến nay, vượt qua cả câu chuyện mỹ thuật, tạo nên một “tuyên ngôn mới của sự đối thoại” như một chuyên gia cổ nhạc khó tính - một người bạn tinh thần vong niên lâu năm của họa sĩ Lý Trực Sơn nhận xét.  

 

Tôi có hân hạnh được xem cuộc triển lãm này từ lúc hai tác giả mới đem tác phẩm từ xưởng riêng đến bày biện. Được chứng kiến những bất ngờ và những giây phút “bùng” lên của cảm xúc mọi người (trong đó có cả hai tác giả và những cộng sự) khi các tác phẩm được “hợp hoan” với nhau trong phòng triển lãm, rồi đột nhiên thăng hoa trong tĩnh lặng, trước con mắt của rất ít người chứng kiến. Quả thật là nghệ thuật có khả năng biến hóa đến vô cùng!  

 

Ảnh: Họa sĩ Lý Trực Sơn bên tác phẩm trên giấy dó của mình

Vũ Lâm - TT&VH