1/1: Kiểm kê đất đai trên toàn quốc
Ngành Tài nguyên & Môi trường sẽ kiểm kê diện tích đất trên cả nước theo đơn vị hành chính để phục vụ cho quy hoạch.
Đợt kiểm kê đất đai năm 2005 sẽ xác định chi tiết một số loại đất; cụ thể: diện tích tất cả các loại đất thuộc khu dân cư đô thị, khu dân cư nông thôn; đất sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh; đất do các tổ chức đang sử dụng; đất trống, đồi núi trọc; đất có mặt nước có khả năng nuôi trồng thuỷ sản nhưng chưa được quy hoạch để sử dụng vào mục đích này...
Thời điểm kiểm kê được thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước bắt đầu từ ngày 1/1/2005. Thời hạn hoàn thành việc kiểm kê đất đai, xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất và báo cáo tình hình sử dụng đất, biến động sử dụng đất được quy định như sau: Xã, phường, thị trấn hoàn thành trước ngày 30/4/2005; Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoàn thành trước ngày 30/6/2005; Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành trước ngày 15/8/2005; Vùng kinh tế và cả nước hoàn thành trước ngày 31/10/2005.
1/1/2005: EU chính thức bỏ hạn ngạch dệt may cho VN
Đây là thỏa thuận thương mại song phương quan trọng thứ hai sau thỏa thuận Việt Nam gia nhập WTO vừa ký với EU tại Hà Nội ngày 9/10 vừa qua. Việc đàm phán bỏ hạn ngạch dệt may vào 2005 nhằm tạo điều kiện cho hàng dệt may Việt Nam được xuất khẩu tự do vào thị trường EU - đối tác kinh tế thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam.
Được phép của Chính phủ ngay sau khi Việt Nam và EU đạt được thỏa thuận về việc Việt Nam gia nhập WTO, Bộ Thương mại và Ủy ban châu Âu đã tiến hành vòng đàm phán quan trọng này. Sau hơn một tháng đàm phán liên tục, căng thẳng từ cấp chuyên viên đến cấp Bộ trưởng hai bên đã đạt được thỏa thuận này.
Được xuất khẩu tự do không bị hạn ngạch sang thị trường EU rộng lớn kể từ ngày 1/1/2005, đồng nghĩa với việc loại bỏ hoàn toàn các tác động tiêu cực khiến việc xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường EU, do việc EU quyết định bỏ hạn ngạch dệt may cho 148 thành viên WTO. Mặt khác ngành công nghiệp dệt may Việt Nam sẽ có thêm điều kiện tiếp tục phát triển trên con đường hội nhập quốc tế.
Thỏa thuận này sẽ tạo bước đột phá nâng quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và EU lên tầm cao mới buôn bán hai chiều sẽ có điều kiện phát triển mạnh hơn.
Năm 2005, ban hành Luật Chống tham nhũng!
Luật Chống tham nhũng (được nâng lên từ Pháp lệnh chống tham nhũng) sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp đầu năm 2005 và xem xét, thông qua vào kỳ họp cuối năm.
Nội dung này được ghi nhận trong Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2005 vừa được Quốc hội thông qua ngày 25/11. Nghị quyết cũng bổ sung dự án Luật Công an nhân dân vào chương trình này.
Một số dự án pháp lệnh đáng chú ý dự kiến sẽ ban hành trong năm 2005 như: Pháp lệnh sửa đổi về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính; Pháp lệnh đấu thầu; Pháp lệnh sửa đổi về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Pháp lệnh phòng chống nhiễm vi rút gây hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) (sửa đổi); Pháp lệnh về hiến, lấy ghép mô, cơ quan, bộ phận cơ thể người; Nghị quyết về giao dịch dân sự về nhà ở có yếu tố nước ngoài được xác lập trước 1/7/1991.
Các dự án Luật Khiếu nại, tố cáo (sửa đổi); Luật Dạy nghề và Luật Xuất khẩu lao động; Pháp lệnh đầu tư xây dựng đã được bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khoá XI (2002-2007).
Thực hiện một cửa ở các địa phương
''Đối với địa phương chưa thực hiện ''một cửa'', hoặc thực hiện có tính chất đối phó, cần kiểm điểm vai trò của lãnh đạo, nhất là những người đứng đầu UBND địa phương''. Đây là một trong những biện pháp mạnh mà Bộ Nội vụ kiến nghị với Thủ tướng.
Bộ Nội vụ đã kiến nghị Bộ Tài chính khẳng định rõ với các cấp chính quyền về trách nhiệm chỉ đạo lập dự toán ngân sách cho công tác cải cách hành chính để đảm bảo đủ điều kiện cho các hoạt động cải cách hành chính cũng như tính bền vững của cơ chế ''một cửa''.
Các tỉnh, thành phố cần đưa nội dung cải cách hành chính nhà nước vào chương trình tập huấn cán bộ, công chức hàng năm, làm cho đội ngũ cán bộ, công chức hiểu biết sâu sắc về công tác cải cách hành chính, trên cơ sở đó làm tốt nhiệm vụ được giao, có đủ kiến thức vận động nhân dân thực hiện công cuộc cải cách hành chính.
Dự kiến những giải pháp này sẽ được Thủ tướng xem xét và cụ thể hoá bằng việc ban hành chỉ thị để đẩy mạnh thực hiện cơ chế ''một cửa'' trong thời gian tới.
Hà Nội: 1/1/2005, chờ 7 ngày, nhận "sổ đỏ" từ UBND quận
UBND TP.Hà Nội vừa ban hành quyết định tiếp tục phân cấp cho UBND quận huyện cấp "sổ đỏ" cho đất ở là nhà cải tạo, nhà vắng chủ, nhà công tư hợp doanh, nhà người Hoa, nhà trên đất quản lý theo Thông tư 73/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian chờ đợi không quá 1 tuần.
Theo quyết định này, UBND quận huyện cũng được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất (GCNQSDĐ) cho đất ở thuộc các trường hợp được xác lập quyền sở hữu nhà ở theo Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10 của UB Thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1/7/1991.
Theo UBND TP.Hà Nội, từ 1/1/2005, UBND quận, huyện cũng được UBND TP phân cấp cho phép ký quyết định cấp GCNQSDĐ cho đất ở tại các khu nhà ở gia đình Quân đội do Cục quản lý nhà đất - xây dựng thực hiện theo sự thống nhất giữa UBND TP và Bộ Quốc phòng.
1/1/2005, thu hẹp chi tiêu công tác phí, hội nghị
Với mục đích chấn chỉnh tình hình lãng phí, Bộ Tài chính yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải xem xét, cân nhắc khi cử người đi công tác và thu hẹp các mức chi tiêu công tác phí, tổ chức hội nghị, hội thảo.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Thị Nhân đã ký ban hành Thông tư số 118 quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị đối với các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trong cả nước. Đây là động thái mới nhất và cụ thể nhất mục tiêu chống lãng phí của Chính phủ.
Theo đó, kể từ 1/1/2005, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải xem xét, cân nhắc khi cử người đi công tác (về số lượng người và thời gian đi công tác) bảo đảm kinh phí được sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả trong phạm vi dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị đã được cấp có thẩm quyền thông báo. Ngoài ra, không được sử dụng ngân sách Nhà nước để chi thêm bất cứ khoản chi nào dưới bất kỳ hình thức nào cho người đi công tác và người đến công tác tại đơn vị.
Các cán bộ đi công tác được thanh toán tiền vé máy bay nếu là cán bộ, công chức thuộc các Bộ, ngành, đơn vị ở trung ương từ cấp Vụ và tương đương trở lên; các cán bộ, công chức có mức lương từ hệ số 4,75 trở lên (khi nhà nước thay đổi hệ số, mức lương thì căn cứ vào hướng dẫn chuyển xếp lương để xác định lại cho phù hợp).
Bộ Tài chính cũng quy định các mức phụ cấp công tác cụ thể bao gồm: Phụ cấp tiền ăn và tiền tiêu vặt với mức chi từ 20.000 đồng/ngày/người đến 50.000 đồng/ngày/người. Người đi công tác được thanh toán tiền thuê phòng nghỉ tại nơi đến công tác với mức chi theo hóa đơn thu tiền thực tế, nhưng tối đa không quá 120.000 đồng/ngày/người.
1/1/2005, dùng ATM của VCB chỉ cần duy trì 100.000 đồng
Gần 500.000 khách hàng sử dụng thẻ ATM của VCB từ ngày 1/1/2005 chỉ cần 100.000 đồng để duy trì tài khoản, thay vì 500.000 đồng như hiện tại.
Từ ngày 1/1/2005, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) sẽ áp dụng quy định mới về việc duy trì số dư tối thiểu tại tài khoản tiền gửi không kỳ hạn thuộc sản phẩm tiền gửi thanh toán.
Theo quy định mới này, số tiền tối thiểu để duy trì tài khoản đã giảm từ 500.000 đồng xuống còn 100.000 đồng (đối với tài khoản tiền VND của cá nhân) và từ 3.000.000 đồng xuống còn 1.000.000 đồng (đối với tài khoản VND của các tổ chức).
Đối với tài khoản USD của cá nhân, phải duy trì số dư tối thiểu 30 USD (hiện là 50USD), đối với tài khoản của các tổ chức tối thiểu là 300USD (hiện là 500 USD). Các loại ngoại tệ khác cũng giảm từ tương đương 50USD xuống còn tương đương 30 USD (đối với tài khoản cá nhân) và tương đương 500 USD xuống còn tương đương 300 USD (đối với tài khoản của các tổ chức).
Hiện VCB đang đứng đầu về số lượng khách hàng sử dụng ATM với gần 500.000 tài khoản.
Thực hiện khung giá đất mới
UBND TP Hà Nội Vũ Văn Ninh ký Quyết định số 199/2004/QĐ-UB về việc ban hành giá các loại đất trên địa bàn thành phố. Theo đó, 4 tuyến phố có giá đất ở cao nhất lên đến 54 triệu đồng/m2 (vị trí 1) là: phố Hàng Đào; Hàng Ngang, Hàng Gai và Lê Thái Tổ. Mức giá này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2005.
Giá đất ở thấp nhất là 90.000đ/m2, áp dụng cho 3 xã thuộc địa bàn huyện Sóc Sơn. Giá đất thấp nhất trên địa bàn Thủ đô là 7.650 đồng/m2, áp dụng cho rừng phòng hộ hạng 5.
Giá đất tại Hà Nội được chia làm 8 bảng giá: đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản; đất nông nghiệp trồng cây lâu năm; đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất; đất ở và đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp; đất ở khu dân cư nông thôn; đất ven trục đường giao thông chính thuộc các huyện ngoại thành; đất khu vực giáp ranh quận; đất tại các thị trấn.
Chiều 28/12, sau buổi họp cuối cùng của Ban chỉ đạo (BCĐ) xây dựng bảng giá đất TP.HCM với chủ tịch, phó chủ tịch UBND 24 quận huyện, UBND TP đã chính thức thông qua bảng giá đất tại các tuyến đường chính trên địa bàn toàn TP. Bảng giá này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2005.
“Bảng giá đất mới tuy tăng cao hơn so với giá đất ban hành tại quyết định 05 (gọi tắt là “giá đất 05”) của UBND TP năm 1995, nhưng vẫn còn thấp so với giá thị trường. Mức giá cao nhất ở TP được qui định cũng chỉ bằng 35,8% so với giá tối đa theo qui định của Chính phủ” - bà Trần Thị Ánh Nguyệt, phó giám đốc Sở Tài chính, phó ban thường trực BCĐ xây dựng bảng giá đất TP, cho biết.