Dù là người đang làm việc, kinh doanh ở Việt Nam hay là khách du lịch, thì hầu như không ai ngạc nhiên khi thấy người Việt Nam đón Tết Dương lịch tưng bừng đến vậy. Đây không còn là lễ hội riêng của người phương Tây nữa rồi. Chen vai thích cánh tại công viên 30.4, TP.HCM, vừa lắc lư, nhún nhảy theo điệu nhạc bài dân ca Trống cơm, chị Winifred Enid, 38 tuổi, người Mỹ, vừa nháy mắt với một cậu bé cứ tròn mắt nhìn chị: ”Tôi đón Năm mới ở Việt Nam 3 lần rồi. Lần đầu tôi trốn trong phòng khóc vì nhớ gia đình. Lần thứ hai, Năm mới 2003, bị cô bạn đang dạy trường Quốc tế kéo ra đường, tôi ồ lên, sao người Việt đón Năm mới “ồn ào” thế! Đường phố đông đúc, lễ hội khắp nơi với bao nhiêu trò chơi thú vị. Ai thấy tôi cũng kêu lên vui vẻ “happy new year”! Tôi rất hạnh phúc khi được đón Năm mới trong bầu không khí tràn đầy tình thân của các bạn”.
“Tất cả thật tuyệt vời!”
Hòa trong dòng người tấp nập trên những ngả đường Lê Lợi, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ lung linh rực rỡ muôn màu, hay cùng nhau thưởng thức cá cuốn lá dứa hấp, bún riêu, nem nướng Thủ Đức, gỏi kìm khô cá hú, chả cá Cần Giờ…, những món ăn ba miền của người Việt tại Lễ hội ẩm thực “Sài Gòn – Ăn & Uống” do Saigontourist tổ chức tại Công viên 30.4, những du khách Nhật Bản, Singapore, Úc…hào hứng bắt tay nhau. Anh Kevin Foley, một giáo viên người Úc, đến Việt Nam theo tour du lịch, giơ cao đóa hoa sen mà một cô gái Việt Nam vừa tặng: “Tôi cứ nghĩ chắc là buồn lắm khi phải đón năm mới ở một xứ sở xa lạ, thế nhưng không khí ấm áp, những món ăn tuyệt vời, những nụ cười thân thiện của người dân đất nước này khiến tôi chỉ còn biết nói: xin cảm ơn, tất cả thật tuyệt vời!”.
Tại khu trung tâm TP.HCM, trước Nhà thờ Đức Bà, Công viên Thống Nhất, Công viên 30.4, Nhà Văn hóa Thanh niên, nhiều người nước ngoài dạo bước trong đám đông, họ thích thú thưởng thức chương trình ca nhạc Khát vọng Mùa Xuân với những bản tình ca ngọt ngào, mê đắm lòng người, những khúc dân ca mượt mà, đằm thắm. Một cặp vợ chồng du khách Nhật dừng lại chụp hình cho con mình cùng mấy em bé Việt Nam; một đôi trai gái người Thụy Điển giơ tay chào khi thấy chúng tôi giơ máy chụp hình…tất cả họ đều đang say sưa trong men nồng của Mùa Xuân phương Nam, của không khí lễ hội tưng bừng khắp nơi.
Say sưa ngắm nhìn bàn tay nghệ nhân thảo nên những bức thư pháp, anh chị Nguyễn Quang và Trần Ngọc Lan, người Mỹ gốc Việt, thì thầm với nhau: “Người Việt mình tài hoa quá nhỉ!”. Anh chị cho biết đây là lần thứ 2 mình về Việt Nam sau 19 năm định cư nơi xứ người. Anh Quang là kỹ sư tin học và đang có dự định về nước tìm cơ hội làm việc. Anh bảo: “3 năm trước bà dì bên vợ gọi điện bảo vợ chồng tôi nên về Việt Nam làm ăn, chúng tôi cười dì già rồi lẩm cẩm, nhưng hè 2002, đưa 2 con gái về Việt Nam lần đầu, chúng tôi thấy dì không lẫn tí nào. Đất nước mình quả thật có rất nhiều cơ hội cho chúng tôi, những người con xa xứ trở về để được cống hiến. Từ chiều đến giờ vợ chồng tôi đã đi khắp các ngả đường để được hít thở không khí thanh xuân của quê hương mình, để cảm nhận mình là người Việt Nam chứ không phải đang mang quốc tịch Mỹ”. Anh chị cùng những người bà con của mình thả bộ chầm chậm trên đường Đồng Khởi, tạt qua phố Lê Lợi rực rỡ những dải đèn màu nhấp nháy như nghìn vì sao sa, chị Lan ngây ngất: “Cứ như lạc vào động hoa đào!”.
Không phải chỉ có vợ chồng anh Quang cảm nhận như vậy, chúng tôi đã gặp rất nhiều người là kiều bào vừa trở về “để được hưởng cái Tết quê nhà” dù còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán của người Việt. Phát biểu cảm xúc với phóng viên Người Viễn Xứ, ai cũng cười thật tươi: “Tôi rất vui, rất hạnh phúc và rất ngạc nhiên nữa khi thấy ở bên nhà ăn Tết lớn quá. Tết Tây mà đã vầy thì Tết ông bà sẽ còn vui biết bao, may là về đây, chứ ở bển ăn Tết tủi buồn lắm!”. Có lẽ đó cũng là lý do khiến cho rất nhiều kiều bào đã theo chân chúng tôi đến “Phố Tây” ở Sài Gòn, khu Đề Thám - Phạm Ngũ Lão để cùng chia vui với những người ngoại quốc đang đón tết xa xứ. Năm nay phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 tổ chức cả một Lễ hội ẩm thực và ca nhạc dân tộc trên đoạn đường Đề Thám để những người bạn ngoại quốc đón mừng Năm mới nơi xứ người. Anh Trần Ngọc, bảo vệ của phường, cho biết: “Chúng tôi rất vui vì được góp phần đem niềm vui đến cho những người khách phương xa. Họ sẽ cảm thấy ấm áp và gần gũi như ở nhà mình khi chờ đợi từng giờ khắc qua đi để đón chào một Năm mới”. Ngập tràn người, ngập tràn bia và những lời chúc tụng; mọi người ôm hôn nhau, những ly champagne sóng sánh trong tiếng nhạc “Happy New Year” rộn rã, tưng bừng. Vào lúc này đây, khi chỉ còn hơn một tiếng đồng hồ nữa, tiếng chuông sẽ ngân vang, tiếng còi tàu réo gọi sẽ tiễn những phút giây cuối cùng của năm cũ để giang tay đón chào một Năm mới với nhiều hy vọng mới, thì dù họ là ai, người Việt Nam xa xứ nay trở về thăm quê hay người nước ngoài, trong giờ khắc thiêng liêng của phút giao mùa, đều có cùng cảm nhận về một cuộc sống bình yên, ấm áp tình người, về một đất nước và những con người thân thiện, cởi mở
“Chúng tôi sẽ đón chờ Tết cổ truyền của người Việt Nam”
Mời tôi ly champagne, cô Kachiusa Zviaguilski, chuyên viên ngoại giao, cứ nhắc đi nhắc lại: “Tôi thích Tết Việt Nam lắm, có hoa mai, hoa đào, vui hơn Tết Tây”, những người xung quanh nghe thấy vậy cũng ồ lên hưởng ứng: “Yeah, I’m too”!
Ông Nigel Kaye, người Scotland, đã ở Việt Nam 13 năm nay, nhận xét “Người Việt Nam ngày càng đón mừng Năm mới một cách náo nhiệt hơn. Họ ăn uống cũng nhiều, vui chơi cũng nhiều. Ở Scotland, vào thời khắc giao thừa đón năm mới người ta thường đem theo một chai rượu và thức ăn rồi đến nhà người thân, bạn bè để chúc nhau sức khỏe, may mắn. Tôi đã ở Việt Nam lâu rồi, và sẽ còn tiếp tục ở lâu hơn nữa nên tôi thích Tết cổ truyền của người Việt hơn. Nó ấm áp, gần gũi vì ngày Tết người Việt thường tụ tập, quây quần trong gia đình, cúng bái tổ tiên và ôn lại những chuyện vui buồn. Tôi cũng thích các món ăn của Việt Nam, thích nước mắm Phú Quốc, Phan Thiết nữa”. Rất nhiều người ngoại quốc có cùng sở thích với Nigel Kaye, và đêm nay, một đêm cuối năm tuyệt đẹp, họ đến với những gian hàng món ăn ba miền để được đón Tết với những món ăn Việt Nam. Khu chợ đêm Bến Thành tấp nập du khách ghé thăm, họ vừa ăn vừa ngắm nhìn dòng người qua lại. Còn Nigel Kaye thì cứ nhắc đi nhắc lại khi chia tay chúng tôi: “Việt Nam đẹp lắm! Tôi yêu Việt Nam!”.
Xin cảm ơn những tình cảm tốt đẹp của Nigel Kaye dành cho Việt Nam, có lẽ trong giây phút này ông đang thật sự hạnh phúc bên người vợ sắp cưới là một cô gái người Việt Nam. Ông không cảm thấy mình là người xa lạ trên đất nước này vì ông đã là người nhà, là rể Việt Nam rồi. Nhìn hai người tay trong tay, tôi biết gió Xuân đang vờn trên tóc họ, và trên cao, lẫn vào những đám mây xanh biếc của trời đêm, vầng trăng cuối tháng mảnh như lá lúa đang mỉm cười!
Nhảy múa, uống champagne, bắt tay nhau, thậm chí có người gặp ai cũng …hôn, là tâm trạng chung của rất nhiều người nước ngoài đang có mặt tại thành phố phương Nam này, nhưng cũng có người như cô Vanessa Presley lại lặng lẽ ngồi bên quầy bar ngắm mọi người vui chơi, ca hát. Cô cho rằng Năm mới sẽ tuyệt vời hơn nếu được ở bên gia đình. Cô thích phong tục chúc Tết cha mẹ, ông bà của người Việt Nam, thích được lì xì và quây quần nấu nướng những món ngon. Nhưng cô cũng cho biết, lát nữa đây, khi thời khắc giao thừa điểm, cô sẽ đến Nhà thờ Đức Bà để cầu nguyện cho người thân. Còn ông John Clapham, chuyên gia tư vấn PR của công ty Young & Rubicam Việt Nam, lại cho rằng: “Tôi không thích tết, vì tết làm cho mình già đi thêm một tuổi. Còn người VN lại ăn Tết rất lớn. Tết VN có nhiều thức ăn ngon, trình bày đẹp. Người Việt thích gặp gỡ nhau trong những ngày Tết, và nếu trong quá khứ có cãi nhau thì Tết là dịp bỏ qua cho nhau để bắt đầu trở lại. Tết cũng là dịp để người Việt nhớ ơn tổ tiên. Tôi rất thích câu chuyện về vua Hùng vương của VN với sự tích bánh chưng, bách dày, với hoàng tử Lang Liêu được vua truyền ngôi báu vì đã có lòng hiếu thảo, có lòng nhân từ. Tôi cũng thích ăn bánh chưng, bánh dày. Để đón mừng Năm mới, người VN các bạn thường trang hoàng nhà cửa đẹp đẽ. Dịp này tôi rất thích những con đường lớn như Đồng Khởi, Lê Lợi, người dân đổ xuống đường đi bộ rất vui và chan hòa, tôi và những người bạn nước ngoài của mình cũng đổ ra đường để chung vui với người dân VN. Tôi cũng như tất cả mọi người phương Tây, đều thích ở VN, thích được hòa mình trong niềm vui chung của người dân VN”.
John Clapham đã nói rất đúng tâm trạng của hầu hết những người ngoại quốc như ông đang đón mừng một Năm mới nơi xứ sở của hoa mai, hoa đào này. Trong những năm gần đây, người dân TP.HCM có thói quen đổ ra đường vào những dịp lễ hội, nhất là vào những đêm như đêm nay, Nàng Xuân đã chạm gót hồng lên từng phiến đá, lên từng ngọn cây, lên từng cơn gió, làm sóng sánh mắt cười và bừng bừng đôi má. Có gì lạ đâu khi thành phố này mỗi năm lại đón Nàng Xuân tưng bừng, rộn ràng hơn, bởi cuộc sống đang mỗi ngày tươi đẹp hơn, người với người thân ái với nhau hơn, cho đêm nay - đêm cuối năm, cho phút giây này - phút giây thiêng liêng đất trời quyến luyến, hòa quyện vào nhau, tan biến trong nhau để nở ra muôn vạn vì tinh tú của tình yêu thương, của lòng nhân ái; để tay nắm tay nhau, để mắt trong mắt, để nụ cười trao gửi nụ cười ngất ngây hướng đến một tương lai tươi sáng hơn!