Từ con số 5.000 tác phẩm ban đầu của các nghệ sĩ mỹ thuật cả nước gửi tham dự triển lãm đến kết quả trưng bày 836 tác phẩm tiêu biểu ở Hà Nội trước đây và hiện tại 286 tác phẩm ở TPHCM, đã cho thấy một quá trình chọn lọc tác phẩm khá nghiêm túc của hội đồng nghệ thuật.
Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 5 năm (2006-2010) được tổng kết đã mang lại nhiều điểm mới về phong cách nghệ thuật, chất lượng, chất liệu, đội ngũ sáng tác, đời sống mỹ thuật… ở khía cạnh đề tài, người xem cảm nhận phần nào những cảm hứng sáng tác của nghệ sĩ luôn gắn liền với đời sống, thời đại.
Nhìn một cách tổng thể, hầu hết các tác giả ở ba miền Nam, Trung, Bắc đều để lại những dấu ấn vùng, miền qua hình ảnh phong cảnh quê hương, nét văn hóa dân tộc địa phương ở Đồng Văn, Hà Giang, Phan Rang, Ban Mê Thuột: Nguyễn Văn Chuyên - Huyền thoại bãi đá cổ, sơn mài, Nguyễn Khắc Tài - Nhịp chợ vùng cao, khắc gỗ, Trần Phi Trường - Cảm xúc Tây Nguyên, sơn mài…
Đời sống nông thôn, thành thị với những đổi thay mạnh mẽ theo sự phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, được mô tả hoặc mang nét hiện thực hoặc ẩn dụ, tâm trạng, sự suy tưởng của con người trong xã hội đã bộc lộ khá đa dạng qua nhiều tác phẩm của các tác giả.
Mỗi tác giả với quan niệm nghệ thuật và sử dụng chất liệu riêng nhưng có thể gặp gỡ qua cái nhìn về đời sống xã hội đương đại; chẳng hạn, Trần Quang Huy với tác phẩm Cộng sinh, sơn dầu, Nguyễn Ngọc Dân - Cao tốc, sơn dầu, Trần Văn Thảo - Ngày mới, tổng hợp, Nguyễn Khắc Hân - Nhà hộp, khắc gỗ in trên vải, Nguyễn Huy Tính - Phố, sắt hàn…
Tác phẩm về Sông chết đầy tính ẩn dụ của Lê Thế Anh.