Dành dụm, tích cóp, ăn nhịn mặc thèm quanh năm chỉ để chi dùng vào mấy ngày Tết.
Trẻ con quần áo mới. Người lớn lo nấu nướng cỗ bàn và trang trí nhà cửa. Đối với phần lớn người Việt mới chỉ khoảng nửa thế kỷ trước thôi, tranh treo trong nhà cũng có nghĩa là phải vào dịp Tết. Chưa có khái niệm mua tranh vào các dịp khác. Ngày thường muốn mua tranh cũng không có ai bán.
Xa xưa hơn nữa, vào khoảng vài ba trăm năm trước đã bắt đầu hình thành những phố phường ở thành thị và làng mạc thôn quê chuyên nghề “làm” tranh bán Tết. Ở Hà Nội có Hàng Trống, Hàng Hòm. Ở Bắc Ninh có làng Đông Hồ. Ở Huế có làng Sình chuyên làm tranh phục vụ cho cúng bái và đốt (hoá). Tranh cho ngày Tết ngoài ý nghĩa trang trí nhà cửa còn như một lời chúc đầu xuân. Treo ở trong nhà và dán ngoài cổng. “Đại cát”. “Nhân nghĩa”. “Lễ tri”…….
Hoạ sĩ đương đại ngồi nhà vẽ con giáp cho năm mới. Một dịp thư giãn và cũng là có món quà xuân cho bạn bè. Người vẽ nhanh có thể vài chục bức. Người vẽ ít cũng được dăm bức. Tặng bản chính cho bạn bè hoặc in lên báo tặng độc giả. Người vẽ thành công tất cả 12 con giáp không nhiều. Nguyễn Tư Nghiêm vẫn là số 1. Ông xứng đáng là bậc thầy của những hoạ sĩ vẽ con giáp như Lê Trí Dũng, Thành Chương, Phạm Viết Hồng Lam, Đỗ Phấn… Ông Nghiêm chơi với bố tôi. Hàng năm vẫn tặng tranh con giáp. Có năm cả tập. Bố tôi mang tặng lại cho bạn bè. Đến lúc chết cũng là vừa hết. Nghe nói bây giờ tranh con giáp của ông Nghiêm có giá vài ngàn USD một bức? Cái “nợ đồng lần” ấy bây giờ tôi trả? Vẽ con giáp toàn mang cho bạn bè ngày Tết. Chưa bán bức nào. Vài năm nay sức yếu, ông Nghiêm không vẽ nữa. Cảm thấy một thiếu vắng không gì bù đắp nổi.
Tranh lụa “Cảnh phố chợ Đông Dương” của Nguyễn Tường Tam (nhà văn Nhất Linh, 1905-1963) khổ 50cm X 75cm, vẽ vào khoảng 1926-1929, được bán đấu giá tháng 10.2010 tại Hồng Kông.