Những người đàn bà gánh muối lặng lẽ dưới bóng nắng trên ruộng muối; người phụ nữ đi chợ về quảy đôi quang gánh, đứa con lẽo đẽo theo sau... Đó là những “gánh đẹp” theo “kịch bản” của tác giả, và chủ yếu được giải quyết bằng vấn đề kỹ thuật hơn là ưu tư và tình cảm.
Thế rồi trong vài năm trở lại đây, cùng với những trăn trở về tư duy nhiếp ảnh, đề tài gánh trở lại với Trần Thế Phong ở dạng dự án chuyên sâu. Đương nhiên, Trần Thế Phong không chụp ảnh đẹp kiểu sắp xếp nữa, mà chụp theo phong cách báo chí, ghi nhận những mảnh đời dưới đôi quanh gánh.
2. Chọn 108 bức để mang đến triển lãm. Gánh, được nhà nhiếp ảnh ghi lại ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam, ở những thời khắc ngày đêm, mưa nắng và cả trong gió bão. Nhưng xem Gánh, thấy xúc cảm nhất là hình ảnh những người phụ nữ. Dường như cứ dưới những đôi quang gánh là đôi bờ vai của họ. Trong khung ảnh là những dáng hình xô lệch di chuyển, chắp nối. Xem ảnh mà như thấy sức nóng của hơi thở, vị mặn của những giọt mồ hôi. Gánh là chiếc đòn trên vai, nhưng gánh cũng là gánh trần gian, gánh mưu sinh nhọc nhằn của bao phận người.
Dưới cái nhìn của Trần Thế Phong, gánh không chỉ là những gánh hàng rong, mà đó thật sự là một thế giới sống động với nhiều hoạt động gắn liền với chiếc gánh. Người nông dân đang gánh lúa trên đồng, gánh cá trên bãi biển, gánh nước trên vùng đất khô hạn, gánh hoa trên cánh đồng hoa... Trần Thế Phong chụp gánh với nhịp điệu cuộc sống đang diễn ra ở những khoảnh khắc mà nhân vật bộc lộ trạng thái ấn tượng nhất, nhọc nhằn nhất mà cũng hạnh phúc nhất.
Đặc biệt, ống kính Trần Thế Phong tinh tế với hình ảnh những chiếc quang gánh khi rời khỏi đôi vai, cảm giác nhẹ gánh cũng là niềm vui cộng hưởng giữa người xem ảnh và nhân vật trong ảnh. Và đó cũng là niềm vui của người nghệ sĩ trên những nẻo đường rong ruổi, khổ nhọc theo những đôi quang gánh.
Cuối cùng, xem Gánh không chỉ trải nghiệm cảm xúc mà còn khám phá những sắc màu văn hóa Việt.
Triển lãm khai mạc lúc 10g sáng thứ bảy 19-2 tại Nhà triển lãm TP.HCM (92 Lê Thánh Tôn, Q.1, kéo dài đến ngày 25-2). Tại triển lãm, được sự giúp đỡ của các nhà tài trợ, Trần Thế Phong sẽ dành trên 80 suất học bổng (trị giá 1 triệu đồng/suất) tặng trẻ em nghèo học giỏi ở bốn địa phương Cần Giờ (TP.HCM), Cần Giuộc (Long An), Phan Thiết, Đồng Tháp.
Bên cạnh đó còn có 200 phần quà dành tặng người già neo đơn đang sống ở các viện dưỡng lão. Trong triển lãm sẽ có hai tấm ảnh được mang bán đấu giá, nếu thành công tác giả sẽ dành toàn bộ số tiền xây nhà tình thương tặng người nghèo.
Ảnh: Gánh trong mưa