Patrick White đã yêu cầu đốt bản thảo viết tay của ông ngay sau khi qua đời vào năm 1990, nhưng tâm nguyện này đã không được thực hiện. Biên tập viên Barbara Mobbs đã giữ lại bản thảo và quyết định sẽ xuất bản nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của ông.
Được biết, Barbara Mobbs đã phải mất 10 năm để quyết định giữ lại bản thảo và cũng chừng ấy năm để quyết định sẽ xuất bản. Bà nói trên Telegraph rằng: “Tôi không hề nghi ngờ việc cuốn sách xứng đáng được đưa ra ánh sáng mặt trời. Tôi sẽ không thể để cuốn sách này bị quên lãng”.
Hiện, bản viết tay của P.White được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Australia và đang được đánh máy lại. Tuy nhiên, chưa có hợp đồng xuất bản nào được ký kết.
P. White là người Úc đầu tiên được trao giải Nobel Văn học (1973) vì những tác phẩm có nghệ thuật phân tích tâm lý sâu sắc và bút pháp sử thi, nhờ đó đã mở ra một châu lục văn chương mới. Tuy nhiên, vốn thích cuộc sống lặng lẽ tránh mọi ồn ào phô trương nên ông không đến dự lễ trao giải mà nhờ bạn là họa sĩ S. Nolan nhận thay.
Những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là “The Tree of Man”, “The Vivisector” và “Voss”… Trong đó, tiểu thuyết Voss (1957) được đánh giá là tác phẩm hay nhất của P. White, thông qua cái chết của một nhà thám hiểm nói về cuộc vật lộn giữa lòng kiêu hãnh và sự nhẫn nhục của con người.
“Voss” là một thiên ngụ ngôn mà ở đó, P. White chứng tỏ rằng trong trái tim con người đang diễn ra cuộc đấu tranh giữa tính kiêu ngạo và sự quy thuận, giữa niềm tin vào bản thân và đức tin vào Chúa Trời.
Các tác phẩm đã được dịch ra tiếng Việt: "Cây người" (tiểu thuyết 2 tập, Hoàng Túy - Mạnh Chương dịch), "Những bức thư" (Ngô Thứ Lễ dịch), "Đồng đô la bất hạnh" (Đinh Việt Tú dịch).
Ảnh: P. White là người Úc đầu tiên được trao giải Nobel Văn học