Một bức tranh sinh động, dồn dập những sự kiện khốc liệt và những chiến công vang dội với những nhân vật lịch sử như Ðinh Bộ Lĩnh, Ðinh Ðiền, Nguyễn Bặc, Lê Hoàn, Thiên Cang, Minh Quang, Nhữ Nương, Phạm Lạng (Phạm Cự Lạng), Từ Mục, Dương Thiệu Nga (Dương Vân Nga), Ðinh Tuệ, Lê Long Ðĩnh v.v. những con người có tên và không tên khác, đã có mặt thời ấy, làm nên kỳ tích thời ấy đã được vẽ nên trong bản trường ca này.
Tác phẩm cung cấp cho ta nhiều điều ta chưa từng biết, chưa từng nghe, kiến giải sáng tỏ nhiều điều mà ngàn năm vẫn là những điều lờ mờ trong lịch sử.
Trong bài báo này, chúng tôi chỉ xin mời bạn đọc lướt qua vài chi tiết, vài nét chấm phá về đất nước, con người qua mấy đoạn thơ đặc sắc.
Lối thơ thoải mái, đầy hình tượng, giản dị mà sâu sắc, dân gian mà cũng bác học.
Tả Dương Thiệu Nga (vợ Ðinh Bộ Lĩnh) tình ý với Lê Hoàn, phải nói là hay, là lạ:
... Vừa qua giờ ngọ thảnh thơi
Hoàn Vương thái hậu mày vơi mắt đầy
Mây thì trải, gió thì bay
Trời xoay thì đất cũng xoay vòng tròn
Láng lai nước đổ chân cồn...
Cái đắm say, chan chứa của tình yêu quả đã lên đến đỉnh điểm. Nàng Thiệu Nga - người đẹp lừng danh kim cổ - rừng rực tuổi thanh xuân:
Môi son rừng rực, mặt hoa rờn rờn
Mắt kia sao mọc cờn cờn
Cổ kia đã trắng lại tròn hân hân...
Lúc nàng dạo quanh cung phủ. Cả một vùng thiên nhiên như được tắm trong một nguồn sinh lực thanh xuân:
Ðồi đông điểm ngọc, đồi tây mây vàng.
Suối trong tựa ánh nguyệt tràn
Mây ngồi xổm, cá lượn đàn lên mây.
Chim kề mỏ, bướm xỏ mày,
Bao nhiêu suối chảy thành cây đàn cầm...
Hoàn Vương ca tích đưa ta về với đất nước Ðại Việt thuở trước, với cái đẹp mênh mang đầy bí ẩn mà rất nên thơ. Ngòi bút đầy chất sử học và thi ca, thấm đậm chất dân gian đưa ta đến "những vùng sự kiện" khác biệt, không hề sơ lược, cẩu thả.
Ðây, một thoáng kinh thành Hoa Lư thuở yên bình ngàn năm trước:
... Này thì rừng thở nguyệt xanh
Lụa là thêu dệt trải quanh chân trời
Sấu lên bãi cạn nằm dài
Hổ leo đồi nọ, trăn choài đồi kia
Ðêm thâu trăng gác ngoài hè
Rồng vàng ngũ sắc, mây che giữa trời...
... Núi Phi Vân đứng giữa trời
Nhìn xa tưởng cái khiên người bỏ quên
Nhất đẹp là núi Mã Yên
Ngựa nằm đội án dâng lên cửu trùng.
Mây xô cho núi lượn vòng
Nhấp nhô nước bạc ròng ròng suối khe...
... Cung đình mây tỏ trăng soi,
Vạc dầu lửa cháy hổ ngồi xem trăng.
Hỏa hiệu giăng khắp mặt thành,
Kì bay cho núi giăng mành về tây.
Trống canh điểm, mõ nện ngày,
Gác lâu binh đứng thành dày trượng ba...
Và vùng Bạch Ðằng - Hàm Long (còn gọi là Bái Tử Long - Hạ Long) là nơi diễn ra trận thủy chiến khốc liệt giữa quân ta và quân nước ngoài. Cảnh trí hãi hùng rợn ngợp trước mắt đội thủy binh nước ngoài:
... Bãi hà sa sú hình ngơi
Ngập quá đầu người cú rúc như chuông
Mây thả cho nhũ đá buông
Một con nước cường núi lặn như nghê
Ðá ngầm tựa lũ ngạc kề
Con nước đi về chẳng biết về đâu!...
Và ngược lên vùng chiến địa Khâu Ôn (xứ Lạng) cảnh núi non hùng vĩ, đẹp mà cũng rất đáng sợ:
... Thung Hồn cây mọc như trà
Còn như Thung Hú cảnh đà lạ thay
Tựa như một cái chảo mây,
Bập bùng mờ tỏ gió cây mây chiều.
Cỏ cao ngập ánh trăng soi
Bôn bên đá trắng cùng đòi lên mây
Ma thiêng động đám cỏ dày
Hổ chưa quen lối, chim bay nhầm đường
Hoàn Vương ca tích dài mà không lòng thòng, trừ một số chỗ do tam sao thất bản, còn nữa rất nghiêm ngặt, chặt chẽ. Nhiều đoạn, nhiều chỗ đạt đến uyên bác thâm trầm, dồn đọng ý tứ và hình ảnh đến tuyệt bút.
Chỉ hiềm một nỗi tác phẩm thì lớn nhưng hiện được bảo quản trong mấy gian nhà thấp, ẩm luôn bị mối, chuột đe dọa... Ðem tác phẩm đến với các nhà xuất bản thì bao giờ cũng được gợi ý: tác giả góp vốn (?). Mong các cơ quan văn hóa quan tâm gìn giữ và phát huy giá trị tác phẩm quý này.