Thực sự, đây là trọng trách rất lớn mà Đảng và Nhà nước đã đặt trên vai các hội chuyên ngành nghệ thuật góp phần xây dựng nền văn hóa nghệ thuật có định hướng, xây dựng thị hiếu thẩm mỹ cao trong đời sống tinh thần của đất nước.
Hội phải trên ai hết phân định được rõ ràng quan điểm sáng tác trước những chi phối khá tinh vi du nhập từ bên ngoài. Bởi phân định và xác định tư tưởng đúng sai trong từng tác phẩm hiện nay là cực kỳ khó khăn, vì sẽ rất dễ nhập nhòa cùng cái gọi là “ tư tưởng cấp tiến” đi theo cùng làn sóng văn hóa phẩm ngập tràn từ bên ngoài vào… Sự phân định ấy phải được soi rọi từ lòng tự hào và tự trọng dân tộc, từ một truyền thống văn hóa ngàn năm, và điều đó tất yếu phải cần một Ban chấp hành Hội chân chính và kiên định.
Trong năm 2005, các hội chuyên ngành nghệ thuật sẽ tổ chức đại hội để bầu ra Ban chấp hành nhiệm kỳ mới. Vừa qua, Hội Sân khấu và Mỹ thuật đã tổ chức xong đại hội, nhưng mong mỏi về một Ban chấp hành mới nhiệt tình và năng động vẫn còn là vấn đề còn đặt ra ở phía trước.
Dường như lâu nay, giống như một tiền lệ không văn bản, ghế của Ban chấp hành các hội chuyên ngành nghệ thuật cứ đến hẹn lại lên đều là chỗ của những cây đa, cây đề đã ngấp nghé tuổi hưu, coi như đó là nơi để tiếp tục kéo dài thêm “công tác” của mình.
Các hội viên đứng trong tổ chức hội, nhưng thực ra những tác động thiết thực từ những người làm công tác hội đối với hội viên vẫn còn rất mông lung. Tất nhiên với kinh phí nhà nước rót xuống, vẫn có những Trại sáng tác, những chuyến đi thực tế dành cho hội viên được thường xuyên tổ chức, nhưng rõ ràng kết quả thu lượm được là không thuyết phục. Mấy năm qua các Hội Sân khấu, Hội Điện ảnh thu lượm được hàng trăm kịch bản từ các trại sáng tác, nhưng số tác phẩm được dàn dựng từ các Trại này chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Và nghịch lý hơn, những văn nghệ sĩ có tác phẩm gây được tiếng vang hầu hết không hề nhờ đến kinh phí từ các trại sáng tác này, cá biệt có người hoàn toàn không phải là hội viên. Trong lần Đoàn Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật Thượng Hải sang thăm thành phố Hồ Chí Minh, khi được hỏi về công tác hỗ trợ sáng tác của hội đối với hội viên, ông Diêu Khấu Căn đã khẳng định đó là một sự hỗ trợ toàn diện. Chỉ cần hội tiếp nhận một ý đồ sáng tác tốt, nhiệm vụ của hội sẽ tổ chức cho nhà văn đi thực tế, góp ý tác phẩm và có trách nhiệm đưa tác phẩm đến với công chúng. Ngân sách của hội phải được chi và chi tới nơi tới chốn trợ giúp cho tác phẩm tốt ra đời chứ không hề là một sự cào bằng hiếu hỉ cho tất cả các hội viên.
Bên cạnh ấy, hội còn có nhiệm vụ giữ gìn truyền thống và giáo dục giới trẻ bằng cách tôn vinh những những văn nghệ sĩ có cống hiến lớn trong các lãnh vực chuyên ngành nghệ thuật. Đúng với ý nghĩa hội là chỗ dựa cả về tinh thần và vật chất cho hội viên thì hội phải đầu tư tác phẩm những người trẻ đầy tâm huyết sáng tác và chăm nom những hội viên lớn tuổi đã cống hiến lâu năm trong nghề… Làm được như vậy, hội mới thực sự là chỗ dựa, là mái ấm cho các hội viên… Nếu không, hội chỉ có thể là nơi chốn để cho nhiều người tìm đến để kéo dài chiếc ghế quyền lực của mình và lãng phí đồng tiền của nhân dân với những công việc chỉ mang tính hình thức…