Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.851 tác phẩm
2.760 tác giả
423
123.051.593

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Có một Trịnh Công Sơn trong mỹ thuật
Chân dung cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng được chính ông và nhiều họa sĩ, điêu khắc gia chuyên nghiệp vẽ và tạc tượng. Nhưng hiểu theo một nghĩa nào đó, Trịnh Công Sơn và âm nhạc của ông đã để lại trong lòng mỗi người yêu nhạc một “chân dung Trịnh” khác nhau.

Có người đã “vẽ chân dung” ông bằng những nét vẽ của tình yêu nhạc Trịnh như thế, với “hoa tay” tự nhiên.

 

TT&VH từng giới thiệu hai gương mặt là Ưu Đàm và Lê Đức Hạ cùng tạc nên chân dung Trịnh. Ưu Đàm, nay là thạc sĩ mỹ nghệ thuật học ở Mỹ, tạc tượng Trịnh khi chưa học qua một trường lớp mỹ thuật nào. Lê Đức Hạ là nghệ nhân làm gốm ở Quảng Nam, ông cũng “nặn đất” thành tượng Trịnh. Cả hai tác giả này đều trở thành “điêu khắc gia” nhờ hoa tay, sự tự học và hơn cả là tình yêu dành cho Trịnh Công Sơn.

 

Nhưng những người yêu quý Trịnh Công Sơn như Ưu Đàm, Lê Đức Hạ không phải hiếm. Mỗi người yêu quý Trịnh mỗi cách và vẽ tranh, nặn tượng Trịnh là một trong những cách thể hiện lòng yêu mến đó. Hai gương mặt “điêu khắc gia” kiêm “người hâm mộ” Trịnh sau đây cũng nằm trong số này.

 

“Bút lửa” đã có một số người dùng, trong đó nổi tiếng phải nhắc đến Dzũ Kha ở Bình Định. Dzũ Kha đã dùng “bút lửa” để viết thư pháp thơ Hàn Mặc Tử ngay trại phong Quy Hòa - Quy Nhơn. “Bút lửa” Dzũ Kha gắn liền với thơ Hàn Mặc Tử và trở thành một sản phẩm du lịch, văn hóa dành cho du khách khi đến viếng thăm mộ tác giả: “Ai mua trăng tôi bán trăng cho”.

 

Ở ngay trung tâm TP. Tuy Hòa tỉnh Phú Yên cũng có một “bút lửa” như thế. Anh tên Nguyễn Trọng Thiện (sinh năm 1960), làm nghề dựng phim video và làm khung tranh. Nguyễn Trọng Thiện đến với “bút lửa” vì tình yêu tác phẩm của những người nổi tiếng, đặc biệt là Trịnh Công Sơn. Anh cho biết: “Tôi mê nhạc Trịnh từ thời còn bé, nhất là các ca khúc thời chiến tranh của ông. Thời đó, tôi hình dung gương mặt Trịnh như thế nào và muốn tự tay vẽ một vài tấm thật độc đáo nhưng mãi đến sau này mới làm được”.

Nguyễn Trọng Thiện đã dùng “lửa” để vẽ Trịnh Công Sơn lên mặt gỗ. Chân dung Trịnh mà Nguyễn Trọng Thiện mới hoàn thành khi chúng tôi đến thăm nơi làm việc của anh có kích thước 70cmx70cm. Với các chất liệu dùng để vẽ tranh khác, người vẽ có thể thoải mái về kích cỡ. Nhưng riêng tranh “bút lửa”, Nguyễn Trọng Thiện đã rất vất vả, tốn kém khi tìm “mặt phẳng” gỗ rộng và có màu trắng đều để vẽ. Vì gỗ có bề mặt rộng lại trắng đều hiện nay gần như “tuyệt chủng” so với túi tiền “còm” của anh.

 

 

Hiện, Nguyễn Trọng Thiện đang ấp ủ làm một bộ chân dung người nổi tiếng cho sưu tập tranh “bút lửa” của mình. Giới mỹ thuật trong và ngoài tỉnh Phú Yên đánh giá khá cao “hoa tay” tự học của Trọng Thiện, nhất là chân dung Trịnh từ lửa vẽ thành trong một cuộc triển lãm tranh do tỉnh này tổ chức vào dịp Tết Tân Mão vừa qua.

 

Lê Kiệt: “Trịnh vác núi trên vai”

 

Là hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM, nhưng Lê Kiệt (sinh năm 1970) đến với mỹ thuật hoàn toàn nhờ “hoa tay” và tự học. Anh đã có nhiều cuộc triển lãm chung với các đồng nghiệp và được đánh giá là người “luôn luôn lắng nghe” để “thấu hiểu”. Các tác phẩm mỹ thuật “thuận tay” nhất của Lê Kiệt là tượng đất nung. Thế nhưng năm 2010, Lê Kiệt lại làm tượng đồng, đúng hơn là phù điêu đúc đồng chân dung Trịnh Công Sơn (kích thước 80cmx80cm).

 

Người yêu nhạc Trịnh hẳn còn nhớ, bức phù điêu chân dung Trịnh của Lê Kiệt được hội quán Hội Ngộ - Khu du lịch Bình Quới mượn trưng bày trong dịp kỷ niệm 9 năm ngày mất của nhạc sĩ. Khác với chân dung “phiêu bồng” của nhạc sĩ, phù điêu Trịnh do Lê Kiệt tạc trông rất “vững chãi” bởi tư thế nhạc sĩ đang “vác núi” trên vai. Lê Kiệt cho biết: “Với cả ngàn ca khúc Trịnh Công Sơn để lại cho đời, gần như ca khúc nào cũng chuyển tải một phần của cõi nhân sinh này. Tôi làm phù điêu Trịnh như vậy với ý ông vác cả cõi nhân sinh trên đôi vai bé nhỏ của mình, gọi nôm na là vác núi trên vai”. Bức phù điêu này, Lê Kiệt đã chi vài chục triệu đồng để làm, hiện anh đang lưu giữ tại nhà để làm “của riêng”.

 

Nhà thơ Đoàn Vị Thượng - người có nhiều dịp gần gũi Trịnh Công Sơn khi ông còn sống nhận xét: “Phù điêu chân dung Trịnh Công Sơn như Lê Kiệt đã tạc dù không thể khái quát hết con người Trịnh nhưng thật lạ”. Có thể xem nhận xét của nhà thơ Đoàn Vị Thượng như một lời khen “hoa tay” tự học của Lê Kiệt về tình yêu dành cho Trịnh.

 

Vĩ thanh

 

Khoảng 5 năm trước, có một nữ ca sĩ thuộc hàng “Top” tổ chức cuộc thi tìm kiếm những chân dung giống mình. Ai cũng hiểu người nổi tiếng nào cũng có “fan” riêng, nhưng “fan” của cô ca sĩ kia sẽ “trung thành” với cô bao lâu sau cuộc “tìm kiếm” người giống cô?

 

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng có “fan” đông đảo của mình. Sinh thời, ông không tổ chức cuộc thi tìm kiếm người có chân dung giống ông. Dù thực tế có nhiều người vì quá mến mộ ông mà bảo rằng họ có gương mặt giống Trịnh. Ông cũng không “thống kê” có bao nhiêu người vẽ và nặn tượng mình. Dù thực tế có rất nhiều họa sĩ chuyên nghiệp đã làm việc này và nhiều “hoa tay” tự học cũng đã và đang làm. Qua bài viết này, chúng tôi muốn nói rằng hình ảnh Trịnh vẫn luôn hiện diện trong lòng người mến mộ dù ông “rời cõi tạm” đến hôm nay 1/4 là vừa tròn 10 năm. Ông hiện diện không chỉ bằng lời ca, nốt nhạc mà còn bằng hình ảnh “thật sự” qua những “hoa tay” của người mến mộ ở khắp nơi.

 

Ảnh: Lê Kiệt và Phù điêu Trịnh Công Sơn

Hoàng Nhân - TT&VH