Hội hoạ Việt Nam hiện nay đang thiếu kiểu này. Hương tự hoạ mình cho dù chỉ có một trong 23 bức xưng rõ: Tôi 1, 2, 3. Chính xác là Hương tự hoạ thế hệ của mình, những cô gái ở thành phố, những cô gái đời mới, ăn mặc theo model như vừa bước ra khỏi một tạp chí thời trang, một shop thời trang nào đó: guốc cao gót, ủng da, váy ngắn, hở ngực, tóc nhuộm xanh đỏ, móng tay móng chân rực rỡ, son môi nhờn nhợt, tất chân hoa hoét, rồi là giày, găng tay, túi xách, kính, mũ, nhẫn, vòng, xăm trổ đầy mình...
Trong nghệ thuật cũng như hội hoạ, những thứ vừa liệt kê chỉ là nguyên liệu, là đề tài, tóm lại là phương tiện. Nó không bao giờ là yếu tố quyết định để làm ra Trần Thị Hương cả. Tuy nhiên khi chọn những nguyên liệu này để vẽ thì chứng tỏ Hương bộc lộ sự tự tin. Có vẻ là một làn sóng mới đã bắt đầu trong đó có Hương. Một làn sóng mới sau hơn 20 năm đang “lật đổ” thế hệ hoạ sĩ đổi mới. Hương không quan tâm đến những đề tài ruột của lớp hoạ sĩ thời đổi mới: nông thôn, phố cổ, áo dài, y môn, cửa võng, chó đá, đèn dầu, bát đũa. Những yếu tố nhà quê, dân gian, truyền thống không còn chỗ đứng trong tranh của Hương. Cứ ngỡ là chỉ có nghệ thuật trình diễn, sắp đặt mới tải được những câu chuyện của thời sự, của đời sống hiện đại nhưng tranh giá vẽ như của Trần Thị Hương vẫn làm được điều này.
Đúng là tự hoạ, không chỉ Hương tự tin mà những nhân vật trong tranh của cô cũng đầy tự tin, không nhìn thấy mặt thì thôi còn thì cô nào cũng mắt mở thao láo, nhìn thẳng, cô nào cũng đẹp, cũng sexy từ da thịt đến bàn tay, môi, đến tư thế, ưỡn ngực, chổng mông, dạng chân không hề ngượng ngùng, rất 8X… Cô nào cũng như đang biểu diễn, như đang khoe khoang, phô trương, như đang trên sàn catwalk, trên sân khấu. Nhưng hay là ở chỗ, họ không hề sắm vai ai, vào vai ai, đóng vai một ai đó. Họ chỉ đóng vai chính mình, bộc lộ mình, là mình, tin vào mình.
Khó có thể chỉ rõ ra điều gì nhưng chắc là tất cả những điều vừa trình bày làm cho tranh của Hương có hương vị pop-art. Mà đâu chỉ pop-art, bên cạnh đó là một ít hiện thực, một ít cường thực, chút chút siêu thực và điểm nhìn của ống kính góc rộng trong nhiếp ảnh nữa, và đây đó loáng thoáng hơi hướm của manga (truyện tranh Nhật Bản). Có thể Hương không thích và không cần ý thức về các phương pháp trên, nhưng rõ ràng là nó có trong tranh của Hương. Đơn giản bởi vì những cái đó đang đầy tràn trong đời sống, nó đã đi qua Hương và hoà quyện trong tranh của cô. Cũng không thể không nói đến một thành công khác của Hương là cái cách Hương kết hợp hội hoạ và đồ hoạ. Rất khó kết hợp mà lại nhuyễn được với nhau, sự tương phản giữa bút pháp tả thực của phần hình vờn tỉa, chi tiết, tả khối, đậm nhạt với phần nền, mảng phẳng, nhẵn nhụi, một màu (chủ yếu là trung độ). Con người, con vật (cá, mèo, bướm, ngỗng), đồ vật (các phụ kiện thời trang) cứ lơ lửng trong cái không gian, trong cái nền vu vơ đó. Sống giữa thế giới đồ đạc, vật chất nhưng chắc gì các cô gái trong tranh của Hương đã được sống, hình như họ cũng lơ lửng giữa đời sống ấy thôi. Thêm một chút cách tân với sơn dầu khi Hương thếp, gắn vào những óng ánh của kim tuyến, vỏ trai xay.
Hội hoạ giá vẽ thì phải đẹp phải riêng, nhưng hội hoạ hôm nay còn cần phải chuyển tải một thông điệp nào đó. Trần Thị Hương mới lần đầu ra mắt nhưng tranh của Hương đã đi được đúng vào quan niệm này. Bên dưới chân dung những nhân vật trong tranh Hương mà thực ra là chân dung tác giả, người xem thấy được chân dung của những người trẻ, chân dung cuộc sống hôm nay. Một bức chân dung của lớp người đầy tự tin, muốn khẳng định, dám bộc lộ, dám chơi, dám làm mình, made in mình cho dù đây đó người ta vẫn đọc được sự cô đơn, sự lơ lửng, sự bất lực của họ.
Tác phẩm Góc riêng.