Vùng đất phía Bắc huyện Thủ Thừa thuộc tỉnh Long An là vùng ven của cánh đồng trũng Đồng Tháp Mười (ĐTM) rộng đến hơn 600.000 ha mà người Pháp xưa gọi là đồng cỏ lác. Vì không có cây gì mọc được trên thứ đất phèn này, thứ đất chua mặn, có nhiều đốm vàng gỉ sắt.
Chính cái đất phèn chết tiệt đấy đã làm nên một ĐTM rộng lớn hoang vu, đưa Việt Nam vào danh sách cường quốc đất phèn thứ 3 trên thế giới sau Hà Lan và Indonesia. Long An có phần đất phèn trong ĐTM lớn nhất. Sau gần 30 năm kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tỉnh đã khai thác gần hết 170.000 ha đất phèn nhưng ai vào vùng Thủ Thừa cũng phải rút quân, vì thế mới có câu chuyện “Hoa hậu Đồng Tháp Mười” mà tôi kể cho bạn đọc.
Tôi đến nông trường “Cô Bé Hai” theo gợi ý của đồng chí cố vấn Võ Văn Kiệt để “nghiên cứu”... Đó là một nông trường mới mở do một nữ doanh nhân ở quận 4 TPHCM khai thác, được Long An cho thuê dài hạn 20 năm gần 2.000 ha đất ở phía Bắc huyện Thủ Thừa trong vùng ĐTM.
Nhưng đến nông trường 3 ngày sau, tôi chẳng gặp Cô Bé Hai nào cả! Người nữ chủ nhân này ở quận 4 TPHCM chỉ đạo từ xa và lâu lâu mới vô nông trường “Tân Thành” - tên chính thức trong văn bản - để xem xét công việc. Cô thuê một kỹ sư trẻ là Phạm Thanh Hải và một tốp nhân viên để điều hành nông trường... Hải tuyên bố với tôi, anh đã đi khắp các nông trường khai hoang - tất nhiên là nông trường quốc doanh - ở ĐTM để nghiên cứu rút kinh nghiệm thất bại và thành công trước khi nhận chân giám đốc nông trường khai hoang Tân Thành.
Hải đưa tôi đi coi những con kinh cấp 1 mới được phóng thẳng tắp tới chân trời, nước phèn còn xanh rì và hai bên vẫn là đồng cỏ lác mênh mông. Cảnh tượng thật bát ngát. Hải lại đưa tôi đi thăm những liếp mía lên xanh và các xưởng sửa chữa máy ủi, máy xúc, máy đào. Tối về bên ly đế, Hải tâm sự: “Gian nan lắm chú ạ! Lúc đầu chúng tôi phải chia nhau đi mời bằng được các vị trong tỉnh có ý kiến phản đối việc cho tư nhân thuê đất trong khi người nghèo không có đất, cán bộ xin đất hoang... lại không cấp! Đến khi dìu được “các cụ” vô tận đây thì “các cụ” mới chịu, mới thấy rõ người không có vốn vô đây chỉ có nước chào thua!”.
Hải còn kể hôm bác Sáu (tức đồng chí Võ Văn Kiệt) vô đây, anh em đãi bữa cơm với cá lóc nướng trui “truyền thống” của người đi khai hoang. Thấy có người tỏ ra áy náy vì bữa cơm đãi khách cấp cao sao “đạm bạc” quá, bác Sáu đã nói một câu mà chúng tôi nhớ mãi: “Nếu muốn mâm cao cỗ đầy thì tôi vô đây làm chi. Tôi muốn vô đây để động viên các bạn...”.
Đúng 6 năm sau, tôi lại đứng trên chòi canh của nông trường “Cô Bé Hai” để quan sát những rừng tràm xanh rì, những liếp khóm xanh nhạt dưới chiều ĐTM. Những vuông khóm được chia đều bằng các kênh cấp 2, có bờ bao ngay ngắn với diện tích từ 6-10 ha một vuông. 6 năm qua, nông trường Tân Thành đã đầu tư hơn 60 tỷ đồng để đào đắp 100 km kênh cấp 1, 360 km kênh nội đồng và nhiều mương liếp giúp thoát nước, rửa phèn.
Về cây trồng, nông trường đã sử dụng 60% diện tích trồng 655 ha khóm, 373ha tràm, 50 ha bạch đàn, 97 ha khoai mì, 15 ha trồng giây thuốc cá... và 3 ha một loại cây giống mới. Đã có hơn 200 hộ nghèo không ruộng từ các nơi và trong tỉnh đến nhận khoán chăm sóc khóm ở nông trường và được chia 1/3 sản phẩm. Tân Thành đã có đến hơn 2.000 ha đất canh tác, có xưởng sửa chữa cơ khí, có thuê mướn kỹ sư chuyên nghiệp... Cách quản lý ở Tân Thành kết hợp được lợi ích của cá nhân và tập thể nên nông dân dậy rất sớm, lúc trời mát để chăm sóc khóm, có khi trăng sáng họ cũng ra liếp chăm sóc... Khóm lại rất hợp với đất phèn nên lên tốt bời bời, trái to, vị ngọt thơm lại cho năng suất cao trên 10 tấn/ha. Sản phẩm có đầu ra vững chắc.
Anh Phạm Văn Kha, 22 tuổi, quê ở xã An Phú, Cai Lậy, Tiền Giang đã kéo cả 10 anh chị em sang đây, mỗi người nhận 3 ha khóm của nông trường để chăm sóc. Anh vui vẻ nói: “Mần ăn ở đây là chắc rồi! Trong 11 thứ trái cây được xem có khả năng cạnh tranh của Việt Nam là xoài, măng cụt, sầu riêng, dừa, đu đủ, nhãn, vải, chuối cau, thanh long, cam, quýt, bưởi... thì chỉ có trái khóm của ta là không đội giá khu vực Đông Nam Á, thậm chí còn thấp hơn giá khóm Thái Lan!”. Phải chăng đất phèn cũng không hoàn toàn là “cái tội”?
Lần thứ hai trở lại nông trường Tân Thành, tôi vẫn không gặp được “Cô Bé Hai”! Người ra đón chúng tôi tại bờ kênh cặp nông trường bộ là một vị trung niên cỡ 50 tuổi, cao to, đẹp tướng... Anh tự giới thiệu với tôi là “ông xã” của... “Cô Bé Hai”.
Còn anh Phạm Thanh Hải năm xưa thì xiết chặt tay tôi và ghé vào tai cho hay: “Ít lâu sau ngày chú về nông trường năm 98 “Cô Bé Hai” đã xây dựng gia đình với anh Tài - là một Việt kiều Mỹ”. Trong bữa cơm chiều, tôi được biết thêm, anh quê ở Bình Chánh, TPHCM qua Mỹ trước năm 1975. Đã có bằng kỹ sư điện toán và hành nghề này ở California gần 20 năm...
Một lần về nước, anh gặp gỡ, cảm mến chị Thiền - tên thật của Cô Bé Hai, nên đã kết duyên cùng chị và quyết tâm cùng “bà xã” xây dựng nông trường này. Anh tâm sự: “Năm lụt lớn 2000, cả hai vợ chồng tôi kê sàn sống suốt mùa lũ ở Tân Thành. Mệt quá, có đêm nước lên ướt hết quần áo mà vẫn ngủ không hay. Có bận rắn chạy lũ cũng leo lên sàn nằm chung với người... Vợ tôi lúc đó đem hết vốn liếng để mua xăng dầu bơm nước ra cứu mía. Thấy rõ không thể cứu được nữa, vì tuy đê bao không vỡ nhưng mưa lớn 10 ngày liền, nước cứ ngập mà vợ vẫn bỏ vốn cứu cây chống lũ. Tôi thắc mắc và được Thiền giải thích: “Mình làm để bà con thấy bao giờ không còn làm được nữa mình mới chịu thua. Có thế bà con mới tin mình và chỉ có niềm tin, con người mới trụ được ở ĐTM này”. Nghe nói thế, tôi càng tin yêu và cảm phục cô ấy!”.
Đêm hôm đó, tôi lại một lần ngạc nhiên nữa khi bà con nông trường nghe tin có khách đến thăm đã diễn văn nghệ góp vui. Có gia đình cả bốn mẹ con, bé nhất 10 tuổi đều là “nghệ sĩ”, ca cổ rất mùi. Tôi và anh bạn đồng nghiệp chỉ lên giường khi máy phát điện của nông trường ngưng hoạt động. Chúng tôi được nằm trên chiếu đệm bàng, sản phẩm của người đi khẩn hoang năm xưa. Nằm chưa ngủ được, tôi bỗng nghĩ miên man... Sự nghiệp của “Cô Bé Hai” là một nét chấm phá trên bức tranh toàn cảnh của đất nước những năm tháng đổi mới tư duy, thay da đổi thịt...