Hàng ngàn hiện vật có giá trị
Sở dĩ có đợt khai quật khảo cổ khu vực sông Tang lần này do nằm trong mặt bằng xây dựng công trình hồ chứa nước Nước Trong.
Sau hơn 3 tháng khảo sát, các nhà khảo cổ đã khai quật hơn 1.000m² tại thôn Trà Veo và thôn Tre xã Trà Thọ, huyện Tây Trà. Qua đó đã phát hiện 34 mộ táng, bao gồm mộ đất, mộ vò nồi, mộ chum. Hầu hết các ngôi mộ còn khá nguyên vẹn. Hiện vật chôn bên ngoài mộ cũng khá đa dạng, gồm: đồ đá, công cụ ghè đẽo, rìu, bôn, bàn mài giáo, dao, đục chum, nồi, vò, bát đồng… Chất liệu đá cũng đa dạng như: đá nephrit, đá silic... Hoa văn trên thân đồ gốm phần lớn là văn thừng, văn vạch, in chấm… Qua nghiên cứu ban đầu cho thấy, cấu tạo xương gốm là đất sắt trộn thạch anh giã nhỏ, cát silic, hạt mica. Tại nơi khai quật cũng phát hiện nhiều đồ thủy tinh như: hạt thủy tinh, hạt chuỗi Indo-Pacific và đồ trang sức gồm chuỗi mã não, khuyên tai hai đầu thú.
Các nhà khảo cổ học nhận định, những công cụ ghè đẽo của cư dân đá cũ đã trôi dạt đến cùng với lớp cuội, cư dân thế hệ sau đã sử dụng lại. Đặc biệt có sự hiện diện của văn hóa hậu kỳ đá mới với các loại hình như rìu mài lưỡi, mộ vò đồ gốm.
Tiến sĩ Ngô Thế Phong, chuyên gia nghiên cứu thời kỳ đá và kim khí (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam), thành viên khảo cổ, cho rằng: “Ở đây, không chỉ phát hiện nhiều hiện vật liên quan đến người tiền sử mà còn phát hiện một số hiện vật trước đây các nhà khảo cổ chưa bao giờ tìm thấy. Chẳng hạn như lò luyện sắt cổ. Kết quả phân tích cho biết niên đại của lò này cách nay từ 1.300-1.400 năm, tức ở vào khoảng thế kỷ VI-VII sau Công nguyên”.
Từ phát hiện này đã đem đến nhận định ở thế kỷ sau Công nguyên, vùng thung lũng sông Tang khu vực lòng hồ Nước Trong đã hình thành những làng lớn hoặc liên làng của cư dân bản địa và phát triển ở trình độ cao. Tiến sĩ Ngô Thế Phong nhận định: “Về văn hóa các hiện vật này mang đặc trưng văn hóa Sa Huỳnh, rất điển hình. Kèm theo có yếu tố giao lưu với Tây Nguyên như đồ gốm. Chứng tỏ đây là gạch nối giữa vùng văn hóa ven biển Sa Huỳnh và vùng cao. Tầng văn hóa ở đây có hai lớp: lớp sớm và lớp muộn, có niên đại trên 2.000 năm.
Sớm giám định và trưng bày
Theo TS Đoàn Ngọc Khôi, chuyên viên khảo cổ Bảo tàng Quảng Ngãi cho biết, loại hình mộ táng tìm thấy ở đây vừa có đặc trưng sớm, vừa có đặc trưng chung với các di tích Sa Huỳnh ở đồng bằng duyên hải miền Trung qua các loại hình mộ chum, mộ đất; có nét gống với vùng Tây Nguyên, Dốc Chùa (tỉnh Đồng Nai), Suối Chình ở huyện đảo Lý Sơn hay Lào, Indonesia ở tục táng mộ nồi. Đó là hai nồi chôn úp nhau. Điều này cho thấy mối quan hệ đa dạng, nơi đây đã hình thành nên dạng văn hóa Sa Huỳnh vùng núi rất riêng với đặc trưng táng tục đa dạng cũng như rất phong phú về hiện vật, kiểu dáng, đồ đựng, hoa văn trang trí, chất liệu gốm… Hiện nay, Bảo tàng Quảng Ngãi đã chuyển các hiện vật tìm thấy trong lòng hồ chứa nước Nước Trong về bảo tàng để xử lý và trưng bày.
Toàn bộ di tích, di vật thu được qua khảo cổ ở sông Tang bước đầu xác nhận vùng văn hóa, văn minh của con người thời tiền sử nơi đây. Tuy nhiên, việc khai quật còn hạn chế vì chạy theo thời gian để kịp lấp dòng phục vụ công trình hồ chứa Nước Trong. Vì vậy, sẽ còn nhiều di tích, di vật bị chôn vùi vĩnh viễn trong lòng hồ chứa nước Nước Trong.
Ảnh: Hiện vật tại khu vực khai quật hơn 1.000m² ở thôn Trà Veo, xã Trà Thọ, huyện Tây Trà.