Sông Hương là di sản thế giới ?
Nhân kỳ họp lần thứ 28 mới đây tại Tô Châu (Trung Quốc). Uỷ ban Di sản thế giới của UNESCO đã đề nghị tỉnh TT-Huế lập hồ sơ đệ trình sông Hương và cảnh quan đôi bờ sông Hương là di sản văn hoá thế giới.
KTS Phùng Phu - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, đơn vị được UBND tỉnh TT-Huế phối hợp với các ban ngành lập hồ sơ trình UNESCO cho biết: Hiện tại chúng tôi đang hoàn thiện một bộ hồ sơ mang tính đại cương về sông Hương và danh mục những cảnh quan thiên nhiên hai bên bờ sông. Dự kiến bộ hồ sơ này sẽ được gửi lên UNESCO vào tháng 2 sắp tới.
Theo quy trình, nếu được UNESCO chấp thuận, đến tháng 6-2005, sẽ có thông báo đồng ý, và kèm theo một số kinh phí hỗ trợ cho chúng ta chính thức làm hồ sơ. Đến đầu năm 2006, các chuyên gia tư vấn của UNESCO sẽ đến Huế để kiểm tra thực tế và viết báo cáo cho Uỷ ban Di sản thế giới. Nếu mọi việc thuận lợi, thì sông Hương sẽ được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới tại kỳ họp lần thứ 30 vào năm 2006.
Ông Phu nói: "Những gì vừa nói chỉ là vẽ trên giấy, chứ thực tế yêu cầu và công việc mà chúng tôi phải làm rất khó khăn. Ví dụ như bây giờ nói sông Hương có những đặc điểm, giá trị gì, thì phải lập hồ sơ, phải tìm cho được các số liệu chính xác về diện tích, trữ lượng nước, lưu vực, dòng chảy, sinh thái tài nguyên, cảnh quan...".
Vừa mừng vừa lo
Trong năm 2004, chính quyền tỉnh TT-Huế đã có nhiều cố gắng vượt bậc trong việc giải toả, di dời gần 150 hộ dân đoạn ở phường Kim Long để trả lại sự thông thoáng nguyên thuỷ cho dòng sông này. Đây là một việc làm rất đáng ghi nhận. Nhưng chừng đó không thôi vẫn chưa đủ để mạnh dạn khẳng định là dòng Hương không có "bệnh".
Đầu tiên là việc khai thác cát sạn trái phép (và cả có phép) tràn lan ở thượng nguồn kéo dài từ nhiều năm nay, dẫn đến tình trạng xói lở cục bộ nghiêm trọng ở hai bên bờ sông. Mặc dù người dân, báo chí, lên tiếng ra rả từ năm này sang năm khác, xem ra mọi chuyện vẫn như bệnh nan y không thuốc chữa.
Tiếp đến là tình trạng mạnh ai nấy xây nhà, kè lấn ra bờ sông rất thô bạo của hàng chục cơ quan nhà nước, nhà hàng, quán ăn, nhà dân, nhưng chính quyền địa phương lại làm ngơ không xử lý.
Mặc dù trong một cuộc họp bàn về tạo lập diện mạo đặc trưng cho đô thị Huế năm 2002, ông Nguyễn Văn Mễ, lúc ấy là Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế từng phát biểu: "Quy định của chúng tôi về quy hoạch các khu dân cư là phải lùi xa bờ sông ít nhất một con đường, hoặc một dãy cây xanh". C
hính các công trình này đã làm sông Hương - trục cảnh quan chính, nhân tố cơ bản tạo lập nên diện mạo đô thị Huế mất dần đi từng ngày sự hiền hoà, thơ mộng. Rồi trước đó là khách sạn Hoàng Đế cao chót vót, chỉ nằm cách bờ sông mấy trăm mét, và gần đây nhất là dự án xây dựng một cụm khách sạn 4 sao có hình một đoàn tàu hỏa trên đồi Vọng Cảnh.
Mặc dù sau những phản ứng quyết liệt của người dân, các trí thức và Hội đồng quy hoạch kiến trúc tỉnh, chuyện xây khách sạn này đang được cân nhắc lại nhưng chừng đó cũng đủ làm người dân "thót tim".
Đã có một khối mâu thuẫn lớn giữa sông Hương - di sản và sông Hương - "mỏ vàng" nếu đưa vào khai thác du lịch, hay "phát triển tự nhiên" như những gì đã và đang xảy ra trong tâm tưởng và "kế hoạch" của những người quản lý. Sông Hương chỉ được "cứu" khi nào khối mâu thuẫn này được giải quyết trọn vẹn.