Với văn hóa Huế, những bức tranh do các nghệ nhân làng Sình vẽ chủ yếu có nội dung xoay quanh tín ngưỡng cổ xưa và chỉ có một chức năng duy nhất: dùng để đốt trong các lễ cúng. Như lời họa sĩ Nguyễn Quân, từ vài năm trước, ông đã có một quãng thời gian khá dài tới làng Sình ven sông Hương để tìm hiểu về loại tranh này. “Tranh được rập từ ván khắc, sau đó các nghệ nhân quét phẩm màu lên nên có một vẻ đẹp riêng, không bức nào giống bức nào. Và, là phẩm màu dễ bay nên không bức tranh làng Sình nào giữ được lâu quá 7 ngày” - họa sĩ Nguyễn Quân kể. Như lời ông, ngoài sức hút từ cách tạo hình, lý do của việc đưa tranh làng Sình vào họa phẩm còn nằm ở băn khoăn “ tranh đẹp mà chỉ dùng để... đốt cho người chết thì phí quá”.
Trắng ba chiều bao gồm hơn 30 bức tranh được Nguyễn Quân vẽ trong khoảng 30 năm trở lại đây. Vẫn với mô-típ quen thuộc về hình ảnh những người phụ nữ khỏa thân, tác phẩm của Nguyễn Quân lần này có thêm sự xuất hiện của những bức tranh làng Sình được xé và “dán” vào rất khéo. Theo lời ông, tranh làng Sình hiện cũng đã được bày bán cho các khách du lịch tại Huế, nhưng việc đưa loại tranh độc đáo này vào các tác phẩm của mình thì trước Nguyễn Quân vẫn chưa có ai.
Triển lãm Trắng ba chiều được tổ chức tại quán cà phê Art Talk 12 Quán Sứ - địa điểm mới mở của Mai Gallery vốn khá nổi tiếng với giới mỹ thuật Hà Nội. Cách đây 5 năm, cũng tại Mai Gallery, chính họa sĩ Nguyễn Quân đã từng có một triển lãm khác với tên gọi giản dị: Tôi với phụ nữ
63 tuổi, họa sĩ Nguyễn Quân đã có hơn 40 năm gắn bó với mỹ thuật Việt Nam trên cả hai lĩnh vực phê bình và sáng tác.
Ảnh: Một bức tranh của Nguyễn Quân tại triển lãm