Sau bài viết “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long: Vẫn là phim Trung Quốc... nói tiếng Việt!” và bài phỏng vấn ông Lê Ngọc Minh, Phó cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Duyệt phim Quốc gia (“Không phạm vào điều cấm (?!)”) đăng trên Báo Người Lao Động các số ra ngày 6 và 7-6, hàng trăm bạn đọc quan tâm từ khắp nơi đã gửi ý kiến bày tỏ thái độ của mình.
Không đơn giản là chuyện dã sử
Bạn đọc Đặng Sơn không đồng ý với cách nhìn nhận đây là phim dã sử: “Nếu là phim thuộc dòng phim thị trường hay dã sử thì ông Lê Ngọc Minh có thể nói thế được nhưng bộ phim này được xây dựng để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, nói về chính sử của dân tộc, điển hình ở đây là nhân vật Lý Công Uẩn.
Ngoài ra, còn biết bao nhiêu nhân vật lịch sử khác liên quan được đề cập trong phim. Vậy thì không thể lấy nhân vật có thật và lịch sử hào hùng có thật của dân tộc Việt Nam ra để làm phim với những cốt truyện và bối cảnh sai phạm như thế được. Nên nhớ là phim ảnh có sức truyền tải văn hóa rất lớn tới mọi tầng lớp trong xã hội”.
Phản ứng tương tự, bạn đọc Hoàng Lân viết: “Lý Công Uẩn là nhân vật lịch sử có thật. Yêu cầu làm phim về ông cũng phải thật theo lịch sử. Như vậy, bộ phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long phải là phim lịch sử, không phải là phim dã sử. Do vậy, nội dung phim phải chân thật, chi tiết từ trang phục đến lời thoại, bối cảnh đều là Việt Nam. Hư cấu chẳng qua là thêm tình tiết cho hấp dẫn; trau chuốt cho đẹp hơn về hình ảnh nhân vật, chứ không thể làm thay đổi theo cách bịa đặt, xuyên tạc...”.Bạn đọc Minh Nghĩa đặt vấn đề: “Phim ảnh không đơn thuần là giải trí mà còn có chức năng giáo dục. Nhưng phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long lại đậm đặc văn hóa Trung Quốc, bóp méo lịch sử dân tộc Việt Nam như vậy, xin hỏi công chiếu phim này để làm gì?”.
Sao chuyền “quả bóng trách nhiệm” cho người xem?
Bạn đọc có nick name ABC đặt vấn đề: “Nhà nước giao nhiệm vụ cho Hội đồng Duyệt phim Quốc gia là duyệt phim để cấp phép phát hành hay không, bây giờ hội đồng lại chuyền “quả bóng trách nhiệm” cho nhân dân, như lời ông Lê Ngọc Minh nói: “Chốt lại, phim không phạm vào những điều cấm... Còn hay dở thế nào thì để khán giả quyết định”. Nếu nói vậy, có lẽ không cần đến Hội đồng Duyệt phim Quốc gia thẩm định làm gì và nếu chỉ thẩm định nó có phạm điều cấm hay không thì tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam thừa sức làm điều đó”.
Một bạn đọc tên Sơn viết: “Với chức năng, nhiệm vụ của mình, những người có trách nhiệm nên làm hết trách nhiệm, đừng thoái thác, đùn đẩy lẫn nhau và bây giờ đẩy cho cả người xem. Chưa xem mà chúng tôi đã yêu cầu ngừng chiếu rồi, vậy không còn gì để bàn nữa. Nhờ có tinh thần bất khuất mà chúng ta mới được độc lập như ngày nay. Việc hủy bộ phim này cũng là bài học cho những người làm phim. Không phải cứ đã quay là phải chiếu”.
Bạn đọc Trần Văn không đồng tình với quan điểm để người xem quyết định: “Giới thiệu một tác phẩm nghệ thuật ra công chúng phải cân nhắc kỹ chứ. Một bộ phim có thể làm người xem hiểu sai lịch sử, hiểu sai bản sắc, truyền thống của người Việt vậy mà những người có trách nhiệm nhắm mắt cho qua?”.
Hãy thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc!
Bạn đọc Thu Minh viết: “Trong bối cảnh hiện nay, thiết nghĩ nhà đài càng không nên chiếu bộ phim lịch sử Việt nhưng lại mang đậm nét Trung Quốc (từ đạo diễn, ê kíp, diễn viên, trang phục, đến bối cảnh...). Chúng ta hãy thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc bằng hành động chứ không chỉ hô hào...”.
Bạn đọc Nhật Minh đưa ra lời khuyên: “Nếu đây là bộ phim bình thường thì không có gì phải bàn cãi, nhưng đây lại là bộ phim mang tính lịch sử dân tộc, không thể dựa vào một vài ý kiến của cá nhân! VTV nên cân nhắc kỹ”.
Với bạn đọc Hoàng Nga: “Theo tôi, ý kiến dừng bộ phim như giáo sư Lê Văn Lan là hợp lý”.
Bạn đọc Quang Hòa cho rằng: “Bộ phim lai căng này nếu không thể chiếu trong dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội thì nay lại càng không thể chiếu. Như một món ăn nấu hỏng, đã không thể ăn hôm qua thì mãi mãi cũng sẽ không thể ăn được bởi nếu ăn vào là sinh đủ thứ bệnh tật. Mà cái bệnh đáng sợ nhất là bệnh làm mất đi niềm tự hào, kiêu hãnh của một dân tộc. Một khi đã làm mất đi niềm tự hào, kiêu hãnh đó, chúng ta sẽ không còn là người Việt Nam nữa”.
“1.000 năm Thăng Long là sự kiện trọng đại của quốc gia dân tộc, chúng ta có thể không làm gì để kỷ niệm, con cháu cũng sẽ không trách chúng ta, nhưng đã làm thì phải làm cho đúng. Thăng Long được hình thành trong bối cảnh dân tộc ta quyết tâm xây dựng nền độc lập dân tộc, tự lực tự cường, đứng ngang hàng với nhà nước phong kiến phương Bắc và tổ tiên ta đã làm được, nay sao lại đưa lên phim những hình ảnh lệ thuộc phương Bắc như vậy? Chiếu phim này, theo tôi, sẽ không những gây ảnh hưởng không tốt đến nhận thức của thế hệ trẻ chúng ta, gây bức xúc cho người dân mà còn có tội với tổ tiên, những người 1.000 năm trước đây đã làm tất cả để xây dựng một nước Đại Việt độc lập”- bạn đọc có nick name ABC viết.
Bạn đọc Mai Anh
“Dù là “dã sử” thì người Việt vẫn phải là người Việt, không thể dùng tính “dã sử” để biến người Việt thành người Trung Quốc như thế này được”.
Cảnh trong phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long (Ảnh do đoàn phim cung cấp)