Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.849 tác phẩm
2.760 tác giả
350
123.028.837

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Điệu ca của biển cả xuôi dòng thời gian
Trong số những bản nhạc Bồ Đào Nha nổi tiếng trên thế giới, bài Cancao do mar (Điệu ca của biển cả) là nhạc phẩm được chuyển dịch nhiều nhất sang các thứ tiếng, kể cả tiếng Việt (do Mỹ Tâm trình bày). Bản nhạc này ăn khách lần đầu tiên trên thị trường quốc tế vào năm 1996, tức cách đây đúng 15 năm. Nay ca khúc này thịnh hành trở lại trên thị trường châu Âu nhờ hai phiên bản bằng tiếng Ý và tiếng Hy Lạp.

Phần lớn các ca sĩ trẻ tuổi thời nay khi hát lại bản nhạc này, đều không hề biết rằng Điệu ca của biển cả (Cancao do mar) đã ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ. Bài hát này do tác giả Frederico de Brito soạn nhạc và do Ferrer Trindade đặt lời. Trong nguyên tác, bài hát được đặt tựa là Solidão có nghĩa là Cô đơn và là một ca khúc thuần chất fado của người Bồ Đào Nha.

 

Bài được ghi âm lần đầu tiên vào năm 1955 qua phần thể hiện hớp hồn thôi miên của Amalia Rodrigues, nữ hoàng của dòng nhạc fado. Bà Amalia thâu nhạc phẩm này làm ca khúc chủ đề của bộ phim Đôi tình nhân sông Tage (Les amants du Tage - Os Amantes do Tejo). Với chất giọng thiên phú, Amalia Rodrigues thả hồn vào những cung bậc ai oán, thổn thức trước thực tế phũ phàng.Một giai điệu trăn trở mà vẫn nhẹ nhàng trong suy ngẫm thở than, ca từ nỉ non mà vẫn dịu dàng khi nói đến cảnh tình yêu trái ngang. Điệu ca của biển cả tự nó đã tiềm tàng những yếu tố vượt thời gian.

 

Trong lãnh vực âm nhạc, phương Tây hay trời Đông đều ít nhiều sử dụng hình tượng Thuyền với biển để thể hiện sự gắn bó không rời trong tình yêu đôi lứa. Còn trong nhạc phẩm Điệu ca của biển cả (Cancao do mar), hình ảnh này được sử dụng khác đi một chút. Đại dương ở đây tiêu biểu cho sự ngăn cách chia lìa, khi mà người đàn bà phải chờ ngày trở về của người yêu vượt biển muôn trùng bao tháng đi xa.

 

Nếu như thân phận của người đàn bà tựa như vách thuyền mong manh, thì thật ra nhân vật trong bài hát chỉ khao khát khúc sông yên tĩnh, bến nước trong lành. Biển cả ở trong bài hát tựa như một loài mãnh thú với tiếng gầm vang dội sóng dữ. Có lẽ cũng vì thế mà người đàn bà trong ca khúc chỉ khát khao một điều là không bao giờ cam chịu cái cảnh nghìn trùng xa cách.

 

Hơn một thập niên sau ngày Amalia Rodrigues qua đời (bà mất năm 1999), một số nhạc phẩm để đời của nữ hoàng dòng nhạc fado được tái bản, âm thanh được chắt lọc, cách phối khí tân thời, nhưng vẫn giữ được cái thần của danh ca quá cố Amalia. Về điểm này, nhà thơ Carlos de Oliveira (người Bồ Đào Nha gốc Brazil ) nói rằng : rất nhiều nghệ sĩ có thể hát nhạc fado nhưng không ai có thể chết lịm đi trong khoảnh khắc để rồi hồi sinh trong chớp mắt như Amalia.

 

Bến nước nào ôm thuyền

Trong cung đàn điệu vũ

Bất kể gió thét gào

Tiếng biển gầm sóng dữ

 

Cụm sóng tràn ghen tuông

Khi nhìn ta đánh cắp

Khi ánh mắt trộm nhìn

Bóng người sáng lung linh

 

Biển hỏi ta không nói

Mạn thuyền ở chốn nào

Bất kể sóng dâng cao

Gió kêu gào đau nhói

 

Trùng dương nuôi giấc mộng

Lôi cuốn thuyền ra khơi

Chỉ còn mùa biển động

Bến ngăn cách cuối trời

 

Thuyền mơ dòng nước lành

Bến hiền hòa mưa tạnh

Biển đâu chỉ trong xanh

Thành mồ chôn hiu quạnh

 

Thuyền về bến hoan ca

Nghe ta đừng nhẹ dạ

Sóng dỗ ngọt dối trá

Mặn điệu ru biển cả

 

Tiếng hát của Amalia Rodrigues gợi hứng cho nhiều thế hệ nghệ sĩ đi sau, và nhạc phẩm Điệu ca của biển cả đã được ghi âm lại nhiều lần. Nổi bật hơn cả là phiên bản của ca sĩ kiêm diễn viên Anamar trên tập nhạc "Almanave" phát hành vào năm 1987, trở thành đĩa bạch kim tại Bồ Đào Nha. Nhưng bài này sẽ ăn khách trên thị trường quốc tế với giọng ca của Dulce Pontes. Cô ghi âm bài này trên album mang tựa đề Lagrimas có nghĩa là Nước mắt vào năm 1993. Ba năm sau ngày được phát hành, ca khúc này lọt vào tai của nam tài tử Richard Gere, trong lúc anh đang đóng bộ phim Primal Fear. Chính anh là người đã thuyết phục đạo diễn Gregory Hoblit chọn bài này làm ca khúc chủ đề của bộ phim và nhờ vào đó mà Điệu ca của biển cả trở nên thịnh hành trên thị trường quốc tế dù là một ca khúc hát bằng tiếng Bồ Đào Nha.

 

Mãi đến năm 2000, đến phiên ca sĩ Hélène Segara chuyển dịch bài hát này sang tiếng Pháp với tựa đề Elle, tu l’aimes tạm dịch Nàng là người anh yêu, nói về một mối tình tay babẽ bàng ngang trái. Phiên bản này tuy lọt vào danh sách 10 bài hát ăn khách nhất thị trường Pháp trong vòng 14 tuần lễ liên tục nhưng cuối cùng lại không giành được vị trí quán quân.

 

Về phần mình, nữ ca sĩ Sarah Brightman may mắn hơn khi chuyển dịch bài này sang tiếng Anh dưới tựa đề là Harem, vì ca khúc này vào năm 2003 đã giúp cho cô chiếm hạng đầu thị trường Hoa Kỳ, Thụy Điển, Nhật Bản trong hạng mục âm nhạc thế giới. Trong cùng một năm Điệu ca của biển cả tiếp tục được phóng tác sang nhiều thứ tiếng khác như Tây Ban Nha, Đức, Ý, Hà Lan. Gần đây hơn nữa thì có một phiên bản bằng tiếng Hy Lạp.

 

Còn trong tiếng Việt, bài này do nữ ca sĩ Mỹ Tâm thể hiện. Cô ghi âm ca khúc này với hai lối hoà âm khác nhau : phiên bản thứ nhất phối theo điệu world music, phiên bản thứ nhì dung hòa với dance pop. Nhưng nhìn chung cả hai phiên bản này vẫn dựa theo phóng tác tiếng Anh của Sarah Brightman nhiều hơn là nguyên tác bằng tiếng Bồ Đào Nha.

 

Không hiểu vì sao, tuy không hề vấn ý nhau, nhưng các tác giả khi chuyển dịch ca khúc này sang các ngoạingữ đều chọn nội dung và ca từ không ăn nhập gì với nguyên tác của bài Điệu ca của biển cả.

 

Hầu hết các bản ngoại ngữ chuyển dịch hay phóng tác từ Điệu ca biển cả chẳng những thoát ý ca từ mà còn xa lánh luôn cả cốt cách của dòng nhạc fado. Phiên bản tiếng Pháp của Hélène Segara chủ yếu hát theo kiểu nhạc nhẹ, còn bài hát tiếng Anh của Sarah Brightman thì phối hẳn với âm điệu gần giống với chuyện cổ tích Một ngàn lẻ một đêm. Lối hòa âm theo kiểu dung hòa pha trộn khi thì dance pop lúc thì world music khiến cho nguyên tác bị lái sang một hướng khác hẳn, trong khi Điệu ca của biển cả là một trong những ca khúc tiêu biểu nhất của dòng nhạc fado. Phiên bản tiếng Pháp chẳng hạn cũng là một bản tình ca nhưng lại đi vào lối mòn của những hình ảnh rập khuôn, trong khi ý tưởng biển cả ngăn cách thuyền với bến là cả một chủ đề để khai thác.

 

Chữ fado đến từ tiếng Latinh fatum, có Fado, có nghĩa là số phận hay định mệnh. Ca từ tha thiết, giai điệu da diết, tất cả đều bàng bạc một nỗi nhung nhớ lưu luyến với người yêu hay với quê hương. Dòng nhạc Fado chan chứa nhiều tình cảm, nhưng lại là cung bậc cảm xúc trải nghiệm từ sự mất mát. Người Bồ Đào Nha gói ghém tất cả những nỗi niềm đó chỉ vỏn vẹn trong một chữ saudade. Chữ này không có từ tương đương trong các ngôn ngữ khác cũng như chữ tình nghĩa của người Việt Nam.

 

Điệu nhạc này có thể đã tạo nên hình ảnh trầm buồn của dân tộc Bồ Đào Nha, không chỉ riêng gì trong văn hóa nước này mà còn ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác. Fado khi du nhập sang Cabo Verde trở thành điệu morna (mourn = khóc than), còn tại Brazil thể loại này trở thành Chorinho (little lament = nỉ non ai óan). Trong fado, người ta phân biệt hai trường phái của thủ đô Lisboa và của thành phố Coimbra. Hình thức có thể khác nhau đôi chút trong cách biểu diễn, nhưng cái hồn của dòng nhạc này vẫn là nỗi niềm buốt nhói suốt một đời người, khát vọng bất thành trọn kiếp nhân sinh. Sinh thời, Amalia Rodrigues đã mượn lời của tác giả Anibal Nazaré để định nghĩa fado, theo đó fado là điệu ru của những tâm hồn ngã gục, dư âm của những đêm tối lạc loài, âm thanh ẩn chứa tro bụi khổ đau và tiếng vọng của lửa hực tội lỗi. Dòng nhạc fado tự nó đã tiềm tàng những yếu tố vượt thời gian.

 

Amalia Rodrigues, nữ hoàng của dòng nhạc fado.

Tuấn Thảo - RFI