Đó là cảnh quan văn hóa vùng Konso (Ethiopia), pháo đài Jesus, Mombasa (Kenya) và Thành nhà Hồ, Việt Nam vừa được đưa vào danh sách di sản thế giới. Việc xem xét các di sản mới để đưa vào danh sách di sản thế giới vẫn tiếp tục.
Một trong ba di sản văn hóa mới nhất được chọn
Cảnh quan văn hóa Konso, một khu vực rộng chừng 55m2 tạo nên từ các ruộng bậc thang được be bờ bằng đá và các khu định cư cổ đại nằm trên cao nguyên Konso của Ethiopia. Chúng là minh chứng ngoạn mục cho một truyền thống văn hóa đã trải dài suốt 21 thế hệ (hơn 400 năm qua), trong đó người dân nơi đây đã xoay xở để thích nghi tốt với một môi trường sống khô cằn và khắc nghiệt.
Công trình pháo đài Jesus ở Kenya, vừa được chọn vào danh sách di sản thế giới của UNESCO
Khung cảnh văn hóa tại đây thể hiện các giá trị được sẻ chia, sự kết nối về mặt xã hội và sự hiểu biết về kỹ thuật của các cộng đồng có liên quan. Đáng chú ý là di sản này có nhiều bức tượng gỗ mang hình người được tập trung một chỗ, đại diện cho các thành viên được tôn kính trong cộng đồng đã qua đời hoặc có liên quan tới những sự kiện đặc biệt anh hùng. Chúng là bằng chứng sống đặc biệt cho thấy một truyền thống tang lễ giàu chất văn hóa đang bên bờ tuyệt chủng.
Công trình thứ 2 là pháo đài Jesus ở Mombasa, Kenya. Pháo đài được những người Bồ Đào Nha xây dựng trong giai đoạn 1593-1596, dựa vào các thiết kế của kiến trúc sư người Italia, Giovanni Battista Cairati để bảo vệ cảng Mombasa. Pháo đài là một trong những công trình nổi bật và được bảo tồn rất tốt, thể hiện mô hình pháo đài quân sự Bồ Đào Nha điển hình trong thế kỷ 16. Phần ngoài cùng của pháo đài và hình dáng của nó mô phỏng lại các ý tưởng kiến túc thời Phục hưng, trong đó nhấn mạnh tới tỉ lệ cân đối hoàn hảo và sự hài hòa về mặt hình học.
Thứ 3 là Thành nhà Hồ ở Việt Nam. Thành được xây từ thế kỷ 14, tuân theo các nguyên tắc phong thủy. Đứng quan sát từ đỉnh hai ngọn núi này có thể thu gọn tòa thành trong tầm nhìn, sông núi, đồng ruộng như được sắp đặt hết sức hài hòa. Việc xây thành cũng thể hiện một ví dụ đặc biệt về một kiểu hoàng thành mới ở khu vực Đông Nam Á.
Những công trình văn hóa giá trị
Trước đó, từ ngày 25/6, UNESCO đã thêm 5 di sản mới vào danh sách di sản thế giới, gồm Cảnh quan văn hóa cà phê Colombia. Đây là một ví dụ điển hình về một khung cảnh văn hóa mang tính bền vững, độc nhất vô nhị, mang tính biểu tượng cho các khu vực trồng cà phê lớn trên toàn thế giới.
Khu vực này chứa đựng 6 khung cảnh trang trại cà phê và 18 khu dân cư nằm dưới chân các ngọn đồi của dãy núi Andes ở phía Tây Columbia. Nó phản ánh một truyền thống trồng cà phê kéo dài cả trăm năm tại các khu vực đất đai có độ cao lớn, cho thấy cách thức người nông dân đã thay đổi để thích nghi với việc trồng cà phê ở địa hình đồi núi khó canh tác. Các khu vực dân cư, phần lớn nằm trên địa hình tương đối bằng phẳng của các ngọn đồi, nằm ngay trên các trang trại cà phê, có những đặc điểm kiến trúc thuộc địa Antioquian chịu ảnh hưởng của Tây Ban Nha. Các vật liệu dùng để xây dựng gồm đất trộn rơm và cây mây để làm vách trong khi nhà lợp mái ngói.
Kế tiếp là di chỉ khảo cổ ở đảo Meroe của Sudan. Đây là khung cảnh bán sa mạc nằm giữa các sông Nile và Atbara. Nó là trung tâm của Vương quốc Kush, một quyền lực lớn trong thế kỷ 8 trước CN kéo dài tới thế kỷ thứ 4 sau CN. Quần thể công trình gồm hoàng thành nơi các vua Kushite sinh sống nằm gần sông Nile, khu thánh tích Naqa và Musawwarat es Sufra. Ngoài ra, quần thể còn gồm nhiều công trình khác như kim tự tháp, đền thờ và những công trình tưới tiêu. Di chỉ là bằng chứng cho thấy sự trao đổi văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng và ngôn ngữ kéo dài từ Địa Trung Hải tới trung tâm châu Phi.
Thứ 3 là Khu bảo tồn Wadi Rum ở Jordan. Khu vực rộng 74.000 ha này được đưa vào danh sách như một di sản văn hóa và di sản thiên nhiên. Nó nằm ở Nam Sudan, gần biên giới Arab Saudi. Nó gồm một khung cảnh sa mạc pha trộn với các hang động lớn, các vách đá thẳng đứng, các hẻm núi tuyệt đẹp... Các bức tranh khắc đá, bia đá và những di chỉ khảo cổ còn lại ở trong khu vực là bằng chứng cho việc con người đã có 12.000 năm sinh sống và tương tác với môi trường thiên nhiên tại đây. Khoảng 25.000 tác phẩm điêu khắc đá và tranh vẽ, chữ viết trên đá đã cho thấy sự phát triển của tư duy con người và những phát triển sơ khai của bảng chữ cái alphabet.
Tiếp theo là vùng Longobards ở Italia gồm 7 nhóm công trình quan trọng gồm các pháo đài, nhà thờ và tu viện. Chúng thể hiện cho những thành tựu cao về mặt văn hóa của những người Lobard, vốn đã di cư từ Bắc Âu và phát triển văn hóa riêng của họ ở Italia, nơi họ thống trị một vùng lãnh thổ rộng lớn từ thế kỷ thứ 6 tới thế kỷ thứ 8.
Cuối cùng là nhà máy sản xuất giày ở Alfeld, Đức. Đây là một công trình gồm 10 tòa nhà được xây dựng từ năm 1910 dựa theo thiết kế của kiến trúc sư Walter Gropius. Nó là một công trình tiêu biểu đánh dấu sự phát triển ban đầu của kiến trúc và thiết kế công nghiệp hiện đại. Nhà máy phục vụ tất cả các giai đoạn của việc sản xuất giày, gồm cho ra lò sản phẩm, lưu trữ và phân phối. Công trình hiện vẫn hoạt động cho tới ngày nay và nằm ở vùng hạ Saxony của Đức.
Trước đợt công nhận này, trong danh mục Di sản Thế giới của UNESCO đã có 911 di sản có giá trị nổi bật toàn cầu được công nhận, bao gồm 704 di sản văn hóa, 180 di sản thiên nhiên và 27 di sản hỗn hợp tại 151 quốc gia tham gia Công ước Di sản thế giới.
Việt Nam đã có 15 di sản được vinh danh
Việt Nam đã có 15 di sản được UNESCO công nhận trên bình diện quốc tế với các danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới, Di sản văn hóa thế giới, Di sản tư liệu thế giới...
3 di sản về thiên nhiên
- Vịnh Hạ Long, được UNESCO công nhận hai lần: Di sản thiên nhiên thế giới (1994), Di sản địa chất thế giới theo tiêu chuẩn N (I) (III) năm 2000.
- Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chuẩn N (I) năm 2003.
- Cao nguyên đá Đồng Văn, được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu (2010).
12 di sản về văn hóa
- Quần thể di tích cố đô Huế, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới theo tiêu chuẩn C (III) (IV) năm 1993
- Phố cổ Hội An, (tỉnh Quảng Nam) được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới theo tiêu chuẩn C (II) (V) năm 1999
- Thánh địa Mỹ Sơn, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới theo tiêu chuẩn C (II) (III) năm 1999.
- Nhã nhạc cung đình Huế, được UNESCO công nhận là Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại (2003).
- Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại (2005).
- Quan họ Bắc Ninh, được UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2009).
- Ca trù, được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp 1/10/2009.
- Mộc bản triều Nguyễn: Ngày 30/7/2009 UNESCO đã công bố danh sách 35 di sản tư liệu được đưa vào Chương trình Ký ức thế giới. Việt Nam đã vinh dự có một đại diện trong số đó: Di sản Mộc bản triều Nguyễn
- Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, được công nhận là Di sản văn hóa thế giới theo tiêu chuẩn C (II) (III) và (VI) năm 2010.
- Hội Gióng ở Phù Đổng và Sóc Sơn, được công nhận là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2010.
- 82 bia Tiến sỹ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, được công nhận 2 lần: Di sản tư liệu thế giới (2010) khu vực Châu Á Thái Bình Dương và ghi danh vào danh sách “Ký ức thế giới” (cấp toàn thế giới) của UNESCO (5/2011).
- Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) được công nhận là Di sản văn hóa thế giới (27/6/2011).