Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
776
123.240.724

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
“Nghệ thuật múa cần thay đổi ngôn ngữ...”
Đó là thái độ khá quyết liệt mà những người giữ trọng trách tại Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam bày tỏ, sau khi có nhiều ý kiến bức xúc về chất lượng các giải thưởng năm 2004 mà Hội vừa công bố.

Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam vừa công bố danh sách các công trình, tác phẩm đoạt giải thưởng của Hội năm 2004. Không có giải A, 15 giải B, 20 giải C, chín giải khuyến khích. Hai tác giả được trao giải A và một tác giả được trao giải B giải báo chí. Cùng phần thưởng các loại : A (8), B (7) và C (2).

 

Số lượng đông đảo các tác phẩm đoạt giải cho thấy giải thưởng Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi tình trạng “mặt trận” vốn là “căn bệnh” chung của nhiều hội nghệ thuật từ nhiều năm nay. Trên thực tế, tình trạng này đang làm giảm sút uy tín của chính các giải thưởng do hội trao tặng.

 

Ngay bên lề lễ trao giải, một nghệ sĩ tên tuổi của ngành múa bức xúc :” tôi hy vọng khi Nhà nước xiết chặt lại kinh phí cho các hội, người ta sẽ biết quý trọng đồng tiền hơn và có cơ chế chọn giải hợp lý hơn. Dàn đều như hiện nay là một sự lãng phí lớn”.

 

Không thể phủ nhận những đóng góp và sáng tạo của các nghệ sĩ múa trong đời sống tinh thần xã hội. Riêng trong năm 2004, chỉ qua hai đợt hội diễn ca múa nhạc các khu vực trung du miền núi phía bắc và miền trung Tây Nguyên, đã có 66 tác phẩm mới. Các biên đạo cũng góp phần tích cực vào các kỳ lễ hội, những ngày kỷ niệm lớn của đất nước với các màn múa mang tính sử thi, hoành tráng. Tuy vậy, đề cao tiêu chí chất lượng, giải thưởng của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam cũng cho thấy một thực tế là trong mặt bằng chung, quá ít tác phẩm múa đạt chất lượng cao, và không thể tìm được một tác phẩm thành công cả trên phương diện chất lượng nghệ thuật và công chúng.

 

Một mảng sáng tác, vốn không được các nghệ sĩ chú ý, song lại có ảnh hưởng lớn bởi tần số xuất hiện cao, là múa minh họa cho các ca khúc. Trở thành phong trào từ mấy năm nay, cùng với sự hưng thịnh của dòng nhạc thị trường, múa minh họa, nhất là cho các ca khúc nhạc trẻ đang dần đi vào lối mòn, lặp lại, tối nghĩa và thiếu tính nghệ thuật, gây nhàm chán cho người xem. Buông lơi hiện tượng này. Hội Nghệ sĩ múa việt Nam cũng không hề có động thái gì để khuyến khích những biên đạo có nhiều sáng tạo hiệu quả trong lĩnh vực này. Dường như “chạm” đến thị trường, bàn tay của hội vẫn chưa đủ độ linh hoạt. Thế cho nên, trong buổi trao giải, có hội viên đã đặt câu hỏi : Vì sao một số biên đạo trẻ đã có những đóng góp rất có chất lượng trong nhiều chương trình nghệ thuật lớn, lại không “lọt” vào giải ?

 

Nhìn suốt cuộc hành trình 2004, chỉ có một số điểm sáng nghệ thuật múa gây ấn tượng với công chúng yêu nghệ thuật: đó là các vở múa Quan Âm Thị Kính và Trương Chi, và chương trình biểu diễn của hai nghệ sĩ múa trẻ đang du học tại Trung Quốc : Thùy Chi và Linh Nga.

 

Dù còn nhiều điều phải bàn về chất lượng nghệ thuật và quan niệm sáng tác, nhưng những hoạt động này đã mở ra những hướng đi, cách nghĩ mới trong một đời sống múa bình lặng và cũ kỹ. NSƯT Công Nhạc– Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Phó tổng thư ký Hội nghệ sĩ múa Việt Nam cũng phải thừa nhận: “Nói là ngôn ngữ múa bế tắc cũng đúng, nói nó đang giậm chân tại chỗ cũng đúng mà nói nó đang lặp lại cũng đúng”. Đáng buồn, ý kiến của ông nhận được sự đồng tình của khá nhiều đồng nghiệp.

 

Hướng đến chặng đường phía trước, mà hiện tại là năm mới 2005, năm của rất nhiều ngày kỷ niệm lớn, chắc chắn, các lễ hội không thể thiếu sự góp mặt của nghệ thuật múa. Nếu vẫn giữ cách làm nặng tính sử thi như chúng ta vẫn làm lâu nay, dù cố gắng đến mấy, sẽ không tránh khỏi sự lặp lại. Lẽ đương nhiên, đó không chỉ là công việc của riêng ngành múa.

 

Trong phạm vi ảnh hưởng của mình, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam đang đặt mục tiêu : nâng cấp tính chuyên nghiệp trong đào tạo để các nghệ sĩ đạt đến tầm khu vực. Lãnh đạo Hội cũng bày tỏ một thái độ khá quyết liệt: nghệ thuật múa phải thay đổi ngôn ngữ, kết cấu. Và hướng mở là: dựa trên chất liệu dân gian nhưng mang hơi thở thời đại.

 

Mọi hành trình sáng tạo đều không đơn giản. Với nghệ thuật, điều đó càng nhọc nhằn. Song không vì thế mà có thể ngại ngần, do dự. Múa Việt Nam, có lẽ, không còn sự lựa chọn nào khác.

Luân Vũ - Theo Báo Nhân dân