Nguyên nhân là do hơn một năm nay xảy ra tình trạng người dân đổ xô khai thác cát xây dựng trái phép trên đoạn sông Ea H’Leo, nơi có Khu di tích, đe dọa sự an nguy của Khu di tích tháp Chăm có một không hai trên Tây Nguyên này.
Theo phán ánh của người dân, chỉ riêng ngay đoạn sông này, hàng ngày có 2 chiếc xà lan lắp đặt máy hút cát, với công suất lớn luôn hoạt động để hút cát đổ đầy hàng chục xe tải đưa đi tiêu thụ, phục vụ xây dựng các công trình.
Cũng theo phản ảnh của đồng bào các dân tộc tại đây, trước đây ở đoạn sông này, lòng sông hẹp chỉ khoảng 30 mét, nhưng tình trạng khai thác cát xây dựng trái phép ồ ạt đã khoét lòng sông không những sâu thêm, nhiều độ xoáy mà ngày càng xâm thực vào đất liền, lòng sông rộng thêm ra hơn 50 mét.
Phía sau Khu di tích, nơi tiếp giáp với dòng sông Ea H’Leo, dài khoảng 200 mét nay bị thay đổi dòng chảy, bờ sông trở nên cao, hiểm trở hơn, lấn sâu vào phần đất của Khu di tích từ 10 đến 15 mét, cách chân tháp chỉ còn khoảng 20 mét. Trước mắt nếu không có biện pháp khắc phục, ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép này thì chỉ hai hoặc ba mùa mưa lũ nữa, tháp Chăm Yang Pong sẽ bị cuốn trôi.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ea Rốk, ông Bùi Đức Nguyệt bức xúc cho biết khi xã ra quân ngăn chặn thì các đối tượng khai thác cát chuyển sang địa bàn xã lận cận, chính quyền địa phương đành chịu. Xã đã nhiều lần kiến nghị Ủy ban Nhân dân huyện cùng với xã bạn là Ia Lơi cần sớm có biện pháp phối hợp ngăn chặn nhưng vẫn chưa được trả lời cụ thể.
Ngoài ra, Khu di tích văn hóa kiến trúc cấp quốc gia này do không có người quản lý, bảo vệ, tu bổ nên đang xuống cấp nghiêm trọng. Hiện nay, tháp Chăm Yang Pong có thân, đỉnh tháp đang bị rễ cây rừng ăn sâu vào làm tường nứt nẻ, bong tróc nhiều phần, quanh chân móng đá bị nứt vỡ nham nhở...
Theo các cơ quan chức năng, trong quần thể các phế tích còn lại của người Chăm ở miền Trung, Tây Nguyên, thì tháp Chăm Yang Pong là một điển hình, còn nguyên vẹn về mặt kiến trúc cũng như các giá trị văn hoá khác.
Tháp nằm trong lưu vực sông Sêrêpốk, được xây dựng vào thế kỷ XIII để thờ Thần Siva dưới dạng Mukhalinga, cầu mong cho sự sinh sôi, nảy nở của giống nòi, sự an lành, hạnh phúc trong cuộc sống.
Tháp Chăm Yang Pong là khối kiến trúc hình vuông được xây dựng bằng gạch nung đỏ, cao 9 mét, nền tháp là những phiến đá xanh to, có kích thước khác nhau, được mài nhẵn, đáy vuông, mỗi cạnh dài 5 mét, phía trên mở rộng và thon vút với hình tháp bút.
Quanh tháp là ba cửa giả dùng để trang trí, chỉ có một cửa chính duy nhất mặt quay về hướng Đông.
Hiện nay, tháp Chăm Yang Pong là điểm thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu, khách du lịch mỗi khi đến với Đắk Lắk./.
Tháp Chăm Yang Pong ở Đắk Lắk. Nguồn: dulichgo.blogspot.com