Diện tích khai quật là đất liền thổ, mở rộng mỗi chiều từ 6-7m, đã đào sâu xuống 0,6-0,7m nhưng cho đến 17 giờ chiều 25.7 vẫn chưa thấy dấu vết xuất lộ của quan quách chứa hài cốt TS Nguyễn Kiều. Bà Nguyễn Thị Sơn, đại diện dòng họ cụ Nguyễn Kiều, cho hay quá trình khai quật bên trên đã phát hiện 2 di vật cổ là một chiếc vò cổ màu nâu to bằng quả bưởi và một chiếc bát cổ (màu trắng có họa tiết màu xanh) úp trên mộ bị vỡ một góc.
Cũng tại một điểm gần khu vực Vườn Đào nói trên, năm 2005, PGS-TS Nguyễn Lân Cường đã khai quật khảo cổ học một ngôi mộ cổ (có niên đại cách đây khoảng 200 năm) xuất lộ xác ướp cổ rất đặc biệt của một cụ ông với nhiều vật dụng quý hiếm thời xưa được chôn theo.
Theo đánh giá của một số nhà nghiên cứu, ngôi mộ phát hiện năm 2005 thuộc loại mộ táng vào thời kỳ Hậu Lê (phổ biến ở thời kỳ vua Lê Dụ Tông) và xác ướp cụ ông (sau đó được an táng tại xã Phú Xá) có thể là thi hài thật của TS Nguyễn Kiều, còn ngôi mộ hiện đang khai quật có thể là ngôi mộ giả.
Bà Nguyễn Thị Sơn cho biết theo thỏa thuận của dòng họ cụ Nguyễn Kiều với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, trong trường hợp ngôi mộ đang khai quật có chứa hài cốt, chính quyền địa phương sẽ chuyển TS Nguyễn Kiều về tái hợp với phần mộ của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (vợ TS Nguyễn Kiều); các di vật được tìm thấy (nếu có) sẽ chuyển về Bảo tàng Hà Nội; trong trường hợp không tìm thấy hài cốt ở ngôi mộ hiện tại, chính quyền sẽ giúp đỡ dòng họ cụ Nguyễn Kiều kiểm tra ADN của xác ướp tìm thấy năm 2005 để làm rõ giả thiết trên.
Hiện nay, dòng họ đang đề nghị công nhận “Danh nhân văn hóa” đối với TS Nguyễn Kiều.