Mới đó đã 40 năm, Jim Morrison như thể chưa bao giờ lớn hơn cái tuổi 27 định mệnh của mình.
Tưởng nhớ
Nghĩa trang nơi Jim yên nghỉ hàng năm trở thành một thánh địa cho dân mê rock, mê thơ, mê tự do hành hương như thể tìm về cội nguồn. Và cứ mỗi lần kỷ niệm tròn thêm một thập niên ngày mất của Jim, chính quyền phải cử cả cảnh sát lo an ninh cho hơn 2 vạn lượt người thăm viếng. Mỗi người chỉ được phép tưởng niệm vài giây trước mộ Jim và chụp một bức ảnh kỷ niệm. David Martin, đến từ Italia, bảo rằng: “Tôi đã dành nửa đời mình để nghĩ về Jim Morrison”, một người khác cũng đến từ Italia, Vanni Della Zanna, khẳng định: “Không có gì liên quan đến Morrison mà lại bị lỗi thời. Âm nhạc, thông điệp của anh vẫn đồng hành cùng chúng ta”.
Hàng vạn người lặng lẽ đến đặt hoa quanh mộ và thậm chí còn gửi lại cả những bức thông điệp cho chàng Jim xấu số. Giáo sư Burkhard Goeke, 45 tuổi, lặn lội đến từ Munich (Đức) không tiếc lời ca ngợi: “Đó là một ngày đặc biệt để các fan hâm mộ nhớ lại tuổi trẻ của mình. Tôi nghe nhạc và chiêm nghiệm thơ của anh suốt ngày. Cứ 5 năm một lần, tôi lại bay sang Pháp để tâm sự cùng người bạn tri kỷ của mình”.
Jim Morrison được tìm thấy khi đã chết trong bồn tắm tại nhà riêng ở Paris ngày 3/7/1971 vì trụy tim. Lúc đó anh mới chỉ 27 tuổi.
Một cuộc đời thật “nên thơ”
Là con của ông bà Steve và Clara Morrison, James Douglas Morrison sinh ra tại Melbourne, bang Florida (Mỹ) ngày 8/12/1943 (cũng khá kỳ lạ một huyền thoại khác là John Lennon lại bị bắn chết vào ngày 8/12). Xuất thân từ một gia đình nề nếp, rèn luyện theo kỷ luật nhà binh, Jim thời còn nhỏ là một đứa con ngoan hiền, học giỏi và lễ phép. Nhưng khi lớn lên, Jim đâm ra cứng đầu, khó bảo. Cứ càng cấm đoán thì Jim lại càng thích làm ngược lại. Theo nhà phê bình Wallace Fowlie, tư tưởng xé rào ấy là một hình thức nổi loạn. Hiệu ứng lò xo (càng nén càng bung mạnh) là sự đối đầu của Jim Morrison với lối giáo dục khắt khe, cách sống kỷ luật ngăn nắp. Có lẽ cũng vì vậy mà thời niên thiếu, Jim vô cùng ngưỡng mộ các thi hào Pháp là Rimbaud và Beaudelaire, các nhà thơ Anh Mỹ như Thomas de Quincey, William Blake. Jim ít bạn, bạn thân nhất của anh có tên là… whisky.
Sau này, Jim kết thân thêm với một gã bạn có tên Ray Manzarek, một gã hippi thứ thiệt, cả hai thường xuyên nói chuyện về triết, âm nhạc và rồi một ngày họ quyết định thành lập nhóm nhạc lấy tên là The Doors. The Doors, cái tên được dựa trên ý tưởng từ hai tác phẩm văn học: một là cuốn sách thần bí The Doors Of Perception của Aldeux Huxley (nếu con người biết gỡ bỏ những rào cản giới hạn, thì với sự nhận thức mới, họ sẽ thấy cái bản chất vô biên của mọi thứ ở trên đời) và một là trích đoạn thơ của William Blake (Có những điều hiển hiện. Nhưng có những điều không thể nhận biết giữa những cánh cửa). Từ đó, lịch sử âm nhạc đã sang một trang khác. Jim đã tiếp nhận một niềm tin, sẵn sàng cho sứ mệnh được giao, bắn tung tóe mọi thứ và khiến làng nhạc Mỹ (lớn hơn, văn hóa Mỹ) có thêm một viên ngọc vô giá. Quan điểm của The Doors dựa phần nhiều trên những giá trị tư tưởng của William Blake, chủ yếu đề cập đến sự trải nghiệm cá nhân với ma túy cũng như với cách chất kích thích gây ảo giác. Jim Morrison sau đó đã đưa yếu tố này vào trong các bài hát của anh, Break On Through (To The Other Side), A Little Game… đều có nhắc đến sự rũ bỏ những rào cản trong tâm trí để đạt tới ngưỡng cửa của nhận thức mới.
Theo nhà phê bình người Pháp Jean-Yves Reuzeau, thì The Doors còn lớn hơn rất nhiều với danh xưng là một ban nhạc rock, bởi vì cột xương sống và linh hồn của nhóm chính là Jim Morrison. Anh là hiện thân của một nhà thơ. Tất cả những gì anh sáng tác đều giàu tính tìm tòi thử nghiệm và không bị trói buộc trong khuôn khổ của âm nhạc mà vượt ra ngoài để cọ xát với nhiều hình thức nghệ thuật khác. Do tốt nghiệp khoa điện ảnh, Jim Morrison thấu hiểu hơn ai hết là ngôn từ đơn thuần không thể nào diễn đạt được hết những cảm xúc thầm kín, chôn giấu trong tiềm thức. Vì thế, anh miệt mài đi tìm nhiều ngôn ngữ khác giàu hình tượng, ứng dụng việc gỡ bỏ những quy luật sắp đặt của ngôn từ để vươn tới một cách diễn đạt khác. Chẳng hạn như để diễn đạt ý tưởng tâm hồn trẻ thơ mong manh, anh dùng từ child egg-shell mind hàm ý trẻ thơ mỏng như vỏ trứng, mà trứng lại là ẩn dụ của mầm sống non nớt, trong giai đoạn hình hài mới phôi thai.
Nhưng thành công có vẻ không thích hợp với Morrison, hoặc chỉ tạo cho anh chút hứng thú. Uống whisky để thêm quyền năng, Morrison bắt đầu thật sự “là mình” khi lên sân khấu còn ở cuộc sống đời thường thì càng ngày Jim càng mất tự chủ. Đây là thời gian của những cuộc chè chén thâu đêm. The Doors càng nổi tiếng, Morrison càng uống tợn. Anh uống quá nhiều nên các buổi diễn của Doors thường bị đổ bể bởi lối hát rời rạc và chất giọng bị phá hỏng. Tuy thế, The Doors lại đạt thành công hơn với các dự án âm nhạc đầy tham vọng, như The Celebration Of The Lizard King, một buổi công diễn kết hợp giữa âm nhạc, kịch nghệ và thơ ca mà qua chương cuối, nhóm làm khán giả im lặng hoàn toàn đến sững sờ. Trong một đêm diễn giật gân tại Miami, trong khán phòng được bán sạch vé, Morrison kích động khán giả khắp hội trường cùng hùa theo mình: “Các người là một lũ ngốc. Hãy để thiên hạ dạy bảo các người nên làm gì. Hãy để người ta xô đẩy các người. Có lẽ các người thích được như vậy”, đáp lại là một đám đông giơ tay reo hò, sung sướng.
Jim Morrison là hiện thân của một nhà thơ. Tất cả những gì anh sáng tác đều giàu tính tìm tòi thử nghiệm và không bị trói buộc trong khuôn khổ của âm nhạc mà cọ xát với nhiều hình thức nghệ thuật khác.
3 ngày sau buổi diễn đó, giới chức thành phố Miami ra trát bắt giữ Jim Morrison với các tội: hành động khiếm nhã, nói năng tục tĩu và say rượu nơi công cộng. Cùng thời điểm này, khi ban hội thẩm bao gồm các vị trên 40 đang luận tội Jim suy đồi, thì The Doors phát hành album mới, L.A.Woman, một đĩa nhạc ngay lập tức đã trở thành huyền thoại.
L.A.Woman phát hành tháng 4/1971, album cuối cùng của The Doors, một album huyền thoại và sau đó cũng trở thành chiếc nắp đóng lại ván quan tài của Jim Morrison khi 3 tháng sau anh chết ở Paris. Jim đến Paris để xa lánh rock và tập trung cho thi ca.
Đoản mệnh - Cái chết bí ẩn
Đến giờ màn đêm vẫn bao trùm lên cái chết của thần tượng nhạc rock. Có người cho là Jim Morrison chết do dùng ma túy quá liều trong một hộp đêm, sau đó thân xác của anh mới được đưa về nhà. Theo một giả thuyết khác, thì Jim Morrison bị bệnh di truyền, anh đứng tim vì sức khỏe suy nhược.
Năm 2007, Sam Bernett, vốn là chủ một hộp đêm ở Paris, đã xuất bản một cuốn sách (The End: Jim Morrison) khẳng định Jim Morrison đã chết trong nhà vệ sinh tại hộp đêm, do dùng ma túy quá liều. Sam Bernett còn khẳng định lúc ấy có 2 tay buôn bán thường cung cấp hàng cho Courson (Pamela Courson, bạn gái của Jim) đã mang Jim về đến nhà của anh và đặt anh vào bồn tắm để hy vọng nước nóng sẽ làm Jim hồi tỉnh. Nhưng quá muộn. Tuy nhiên, Stephen Davis - tác giả cuốn tiểu sử Jim Morrison: Cuộc đời, Cái chết, Huyền thoại - cho dù tin rằng Morrison đã từng bị sốc thuốc tại hộp đêm của Bernett trước đó, nhưng không phải trong cái đêm định mệnh ấy. Davis nói: “Nếu anh ấy chết trong buồng vệ sinh của một hộp đêm thì chuyện đó hẳn phải rò rỉ ra ngoài từ lâu rồi”.
Và xét cho cùng, chẳng ai chịu bước ra ánh sáng sau 40 năm im lặng, có người chết, có người vẫn quyết giữ bí mật.
Jim Morrison mất ngày 3/7/1971, anh được chôn cất sau một tang lễ nhỏ không kèn trống. Hiện Jim vẫn nằm đó, ở nghĩa trang cổ thơ mộng Père La Chaise rộng mênh mông 44 ha giữa trung tâm Paris. Jim nằm cạnh những Balzac, La Fontaine, Alphonse Daudet, Molière, Edith Piaf... và bất tử.
Ảnh: Jim Morrison, một trong những nhạc sĩ tiên phong vẽ nên bộ mặt mới của âm nhạc đương đại Mỹ.