Go Group sẽ xuất hiện lần thứ hai lúc 20h ngày 4/8/2011 tại hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội.
Hiện nay, cùng với nhóm Trống Sấm (TP.HCM) và Pháo Hoa, Go Group là một trong ba nhóm gõ tại Việt Nam chơi loại nhạc cụ này.
Nếu khán giả đã quen thuộc với những tác phẩm âm nhạc Việt Nam đa số viết cho đàn dây và dàn nhạc như Piczzicatto Việt Nam của Đặng Hữu Phúc, Rhapshody Việt Nam của Đỗ Hồng Quân, Hoa Quỳnh của Nguyễn Văn Tuấn và Bài ca chim ưng của Đàm Linh thì trong chương trình này, họ sẽ được thưởng thức các tác phẩm đó ở hình thức chuyển soạn cho hòa tấu bộ gõ với nhạc cụ chủ yếu là đàn Marimba - một nhạc cụ có hệ thống phím như đàn piano.
Phần hai của chương trình sẽ là những tác phẩm quốc tế được khai thác chủ yếu qua âm thanh của trống, các phần trình diễn sẽ được thể hiện với mức độ khó dần lên, càng về sau chương trình sẽ kén người nghe hơn. Đó là Kuka-ili-moku (Christopher Rouse), Drum & Grain (J. Poul), Brazilian (Ney Rosauro) và đặc biệt là tác phẩm Music for table (Thierry de Mey). Đúng như tên gọi của tác phẩm: Âm nhạc cho chiếc bàn, các nghệ sĩ sẽ trình diễn với phần nhạc cụ là 3 mảnh gỗ tựa như các mặt bàn. Và khán giả sẽ không chỉ được thưởng thức những âm thanh tưởng như quen thuộc từ tiếng đập, vỗ vào bàn qua Music for table mà có thể họ còn được mãn nhãn với màn trình diễn “đẳng cấp” của các nghệ sĩ.
Các nhạc cụ được sử dụng chủ yếu trong chương trình lần này là Marimba, Xylophone, Vibraphone, Campana, Gran casa, Timpani, mõ, cồng chiêng...
Các thành viên của Go Group: Phan Nam, Nghiêm Mạnh Tuấn, Bùi Anh Dũng và Trần Xuân Hòa đều là những nghệ sĩ gắn bó với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam cũng như Dàn nhạc nhà hát Nhạc Vũ kịch. Tuy nhiên, “đất diễn” của các nghệ sĩ bộ gõ trong các dàn nhạc thính phòng dường như không đủ thỏa mãn niềm đam mê của họ với nghề, vì thế mà họ cùng nhau tạo dựng nên Go Group. Sự ra đời của Go Group không chỉ là một sân chơi giúp các thành viên trong nhóm có nhiều cơ hội được trau dồi chuyên môn và giao lưu nghệ thuật, mà còn mở ra cho khán giả một không gian thưởng thức âm nhạc mới lạ - một loại hình nghệ thuật không quá phổ biến trong đời sống âm nhạc hiện nay.
Cũng vì sự mới lạ đó mà mỗi lần ra mắt công chúng, các nghệ sĩ phải mất khá nhiều thời gian để tìm kiếm, luyện tập những tác phẩm hay và khó. Đặc trưng của nhạc cụ gõ là tạo dựng nhịp điệu, nhưng ít ai biết những nhạc cụ gõ còn thể hiện được màu sắc của nhạc cụ, màu sắc của tác phẩm khi muốn diễn đạt một ý tưởng sinh động nào đó vì sự liên tưởng nhanh nhất mà tai nghe có thể cảm nhận được chính nhờ từ bộ gõ. Như vậy, có thể thấy tất cả những đồ vật xung quanh chúng ta đều có thể trở thành nhạc cụ của bộ gõ. Hình thức hòa tấu gõ của Go Group còn thể hiện rõ nét yếu tố trình diễn của các nghệ sĩ. Họ không thể đứng một chỗ khi sử dụng nhiều nhạc cụ trong một tác phẩm, cũng như mỗi tác phẩm sẽ có một cách sắp đặt nhạc cụ khác nhau để thuận lợi trong quá trình biểu diễn. Vì thế, yếu tố trình diễn của nghệ sĩ và sự sôi động của những tiếng gõ sẽ là những gì cuốn hút nhất dành cho khản giả trong đêm diễn này.
Go Group không chỉ hiểu là Nhóm gõ (Gõ Group) mà với các thành viên trong nhóm “Go” còn có nghĩa là đi, đi tiếp, luôn chuyển động và không dừng lại. Và đó chính là mong muốn của những nghệ sĩ khi tạo dựng nên Go Group đang còn rất mới này.
Đêm diễn ra mắt của Go Group năm 2010. Ảnh