Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.845 tác phẩm
2.760 tác giả
322
123.016.436

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Bảo tàng hơn 2.000 cổ vật tại Thiền viện Vạn Hạnh
Trong khuôn viên đẫm chất Phật, tôn nghiêm, thanh tịnh ở Thiền viện Vạn Hạnh (phường 8, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) có một tiểu bảo tàng hiện vật khá độc đáo.

Trong số hơn 2.000 hiện vật do chính những người tu hành sưu tầm được tập trung về đây, phần lớn là những hiện vật gắn liền với văn hóa nhập thế, nhân sinh cổ truyền.

 

Nếu như không có các nhà tu hành giới thiệu, ít ai biết phía sau đại điện ở Thiền viện Vạn Hạnh lại là nơi tập hợp hàng nghìn hiện vật. Ngay cả chúng tôi, những người nhiều lần qua đây để tìm kiếm sự thanh tịnh trong thế giới nhà Phật cũng khá bất ngờ.

 

Dẫn khách đi tham quan hai căn phòng kéo dài trưng bày các hiện vật, Thượng tọa Thích Viên Thanh, chủ nhân và là người có công lớn nhất trong hành trình sưu tầm hơn 30 năm qua lại không nói về chuyện tu hành.

 

Câu chuyện Thượng tọa kể rất đời, rất thế trần. Ông cho biết, ý tưởng sưu tầm cổ vật, vật lạ, vật quen từng gắn liền với đời sống nông nghiệp, nông thôn và nền văn minh lúa nước của ông bắt đầu từ năm 1980.

 

Trong một lần đi làm từ thiện tại huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), Thượng tọa phát hiện một chiếc cối đá cổ bị người dân vứt lăn lóc sau vườn nhà, ông đã xin mang về làm kỷ niệm. Bắt đầu từ chiếc cối đá “duyên nợ” hơn 30 năm trước, hiện tại, Thượng tọa Thích Viên Thanh và các nhà sư ở Thiền viện Vạn Hạnh đã sưu tầm đủ bộ 200 chiếc cối đá đủ niên đại, trong đó có chiếc cối cổ được đưa về từ Quảng Ngãi đã có tuổi thọ hơn 300 năm. Nhiều cối đá được sưu tầm tận Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đắk Lắk, Ninh Thuận…cũng có tuổi tương tự và từng gắn với nhiều chuyện nhân tình thế thái.

 

Cùng với những chiếc cối vừa độc đáo, vừa gần gũi với hàng triệu người Việt trong nhiều trăm năm qua, Thượng tọa Thích Viên Thanh còn sưu tầm nhiều tượng gia cầm, gia súc bằng chất liệu đá, gỗ; hệ thống các loại cân cổ điển; nồi đồng, mâm đồng; máy kéo nước thủ công; cối xay lúa…

 

Ông bảo: “Tôi vẫn tâm đắc nhất là bộ sưu tập nồi đồng các loại. Trong sưu tập này, có những nồi đồng nhỏ xíu người nông dân dùng để kho cá, nấu thức ăn và có cả những nồi đồng nấu đủ cơm cho 50 người ăn. Bây giờ hiện đại rồi, có nồi điện, nồi nhôm đắt tiền nhưng rất nhiều bạn trẻ chưa một lần được nhìn thấy chiếc nồi đồng từng gắn bó hàng nghìn năm với cha ông mình. Tôi muốn lưu giữ, lưu giữ tất cả những biểu hiện là bản sắc, là truyền thống của dân tộc mình cho thế hệ mai sau.”

 

Nhắc đến nồi đồng, Thượng tọa Thích Viên Thanh nhớ đến cả những miếng cơm cháy thuở thiếu thời được mẹ ông lấy ra từ những chiếc nồi đồng bên bếp lửa than. Đã trường kỳ sống chay tịnh dưới mái chùa nhưng những người tu hành như ông vẫn không quên được những điều thiết thực, dân dã.

 

Trong số những hiện vật được Thượng tọa Viên Thanh và các nhà tu hành tại Thiền viện Vạn Hạnh lưu giữ có cả những con dao bổ cau, dao phát rẫy, những chiếc cày, bừa đất bằng sắt, gỗ…được họ nâng niu, trân trọng. Có cả những con rùa, gà, cá bằng đá tự nhiên vô cùng độc đáo, sống động.

 

Dù bận rộn với vai trò sư trụ trì tại Thiền viện, Phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng nhưng ông Thích Viên Thanh cho biết, khi nhận được thông tin từ cộng đồng Phật tử hay những người ái mộ báo tin có hiện vật độc đáo gắn với văn hóa, đời sống của cha ông là ông lại lên đường sưu tầm bằng được.

 

Theo Thượng tọa, gần đây ngày càng nhiều người ở khắp mọi miền đất nước báo tin cho ông địa chỉ các hiện vật gắn liền với đời sống, sản xuất nông nghiệp. Tín hiệu này minh chứng ngày càng có nhiều người quan tâm tới việc sưu tầm, bảo tồn những điều giản dị. Và cứ thế niềm vui lan tỏa.

 

Có người bảo “của một đồng công một nén,” nhưng Thượng tọa vẫn tâm huyết: “Tôi vẫn cứ tiếp tục tìm kiếm, lưu giữ khi nào còn đủ sức đi lại.” Mỗi một món hiện vật, dù bằng bất cứ chất liệu nào ở Thiền viện Vạn Hạnh đều được các nhà tu hành nơi đây bảo quản thận trọng, có chú thích xuất xứ chỉ dẫn. Dù chưa có không gian bài trí đúng trật tự, theo hệ thống nhưng đây là bộ sưu tập quý, cụ thể hóa được những biểu trưng gắn liền với nhiều thế hệ người Việt.

 

Cùng vào tham quan tiểu bảo tàng hiện vật ở Thiền viện Vạn Hạnh với chúng tôi, chị Phương Dung - một giám đốc doanh nghiệp du lịch lữ hành đến từ Thành phố Hồ Chí Minh tâm đắc: “Tôi cũng xuất thân từ nông thôn, nông nghiệp nhưng quả thật chưa bao giờ được nhìn tận mắt một cách đầy đủ những vật dụng thiết thân gắn với cha ông mình như ở đây. Rất cảm ơn nhà chùa và các vị tu hành đã sớm ý thức lưu giữ như thế này!.”

 

Điều chị Dung tâm sự có lẽ cũng là suy nghĩ của rất nhiều bạn trẻ khác trong xã hội hiện đại này. Trong guồng quay cuộc sống tất bật hàng ngày hôm nay, một lúc nào đó bỗng người ta có thể quay nhìn và có những phút mỹ cảm, lắng lòng khi nghĩ về tổ tiên, cha ông từ những món vật hiện hữu. Nếu xét ở khía cạnh này thì những nhà sưu tầm nghiệp dư như Thượng tọa Thích Viên Thanh và các nhà tu hành ở Thiền viện Vạn Hạnh đã thành công.

 

Đắm mình trong không gian tu hành ở Thiền viện Vạn Hạnh, ngắm kỹ và được chạm tay vào từng món hiện vật mang theo dư âm cuộc sống hàng trăm năm của cha ông, dễ thấy lòng thanh thản, tĩnh tại. Như vậy, các nhà tu hành đã thành công và họ thành công không chỉ cho mình./.

 

Phòng trưng bày hiện vật của Thiền viện Vạn Hạnh (Đà Lạt). (Nguồn: thichchanquang.com)

 

Sơn Tùng - TTXVN/Vietnam+