Nhưng cũng đã qua bảy mùa, chương trình vẫn phải gồng mình trước những gian nan lắm khi chẳng liên quan gì đến nghệ thuật.
Phi tài trợ bất thành nghệ thuật
Câu cảm thán trên của giới làm nghệ thuật hàn lâm tuy đầy mùi gạo tiền, nghe thật xót xa nhưng lại là sự thật hiển nhiên, bởi mỗi lần tổ chức là một lần những nghệ sĩ đầy tài năng (không ít người đạt đẳng cấp quốc tế) phải chạy vạy xin tiền và… thường là xin không được hoặc không đủ. Không thể trách các doanh nghiệp với bài tính hiệu quả đầu tư khi họ phải chi tiền cho bất kỳ hoạt động nào. Khán giả của hàn lâm không đông, cũng không phải là khách hàng tiềm năng của họ và họ cũng không thể yêu cầu thêm người này, bớt người kia cho chương trình thêm “hot”. Kết quả tất yếu: các live show cổ điển luôn được thực hiện trong cảnh liệu cơm gắp mắm - bớt cái này, bỏ cái kia, đơn giản hóa cái nọ để giảm chi phí. Làm nghệ thuật trong tâm thế đó, thật khó mong mọi thứ được chu toàn.
Ở những mùa đầu, với sự giúp sức nhiệt tình của Sở VH-TT-DL TP.HCM, Giai điệu mùa thu đã có ba đêm công diễn, có cả chương trình dành riêng, giá rẻ phục vụ sinh viên - học sinh. Nhưng rồi mọi thứ dần teo tóp khi HSBO không đủ tiền triển khai những ý đồ nghệ thuật của mình.
Cũng vì ít tiền nên HSBO không thể mời được những nghệ sĩ lớn hơn mà chủ yếu trông chờ vào sự nhiệt tình của phía bạn. Nhóm hợp xướng thiếu nhi Hàn Quốc đến với Giai điệu mùa thu 2011 bằng kinh phí của chính họ. Những nghệ sĩ châu Âu tham gia chương trình cũng trên tinh thần hợp lực, chia sẻ, không đòi hỏi thù lao. Đạo diễn Phúc Hùng tâm sự: “Nhiều khi mình muốn xin thêm một chút ánh sáng trong buổi tập, để đo được vị trí, màu sắc, độ tương phản… cũng không dám vì thêm một chút là phải trả thêm tiền”.
Lại cũng vì không tiền nên khi được đề nghị có một buổi diễn (thực tế là buổi tổng duyệt) như thật để báo chí tác nghiệp trước chương trình chính thức, tránh việc cánh phóng viên ảnh “bắn liên thanh” làm phiền khán giả, ông Hùng, sau một lúc trầm ngâm, vẫn lắc đầu. “Sắp xếp một buổi như thế rồi biết lấy ai giặt đồ cho nghệ sĩ để kịp biểu diễn. Chúng tôi không có bộ phận giặt ủi khô, cũng chẳng có tiền thuê” - ông Hùng nói. Cuối cùng thì ông chỉ mong các nhà báo ráng giúp HSBO bằng cách tác nghiệp từ xa với ống kính telé và thật hạn chế gây tiếng động.
Vượt qua thử thách
Theo tiết lộ của nhạc trưởng Trần Vương Thạch, giám đốc HSBO, nguồn tài trợ cho Giai điệu mùa thu năm nay hiện chưa đủ, còn phải trông chờ vào việc bán vé. Tuy nhiên, đó chỉ mới là một phần câu chuyện. Phần còn lại là công tác quảng bá chương trình nhằm đưa khán giả đến nhà hát. Sự hỗ trợ của truyền thông dành cho âm nhạc hàn lâm vẫn luôn mạnh mẽ nhưng nâng cao hiểu biết cho khán giả đối với thể loại âm nhạc “khó nhằn” này vẫn là câu chuyện dài.
Cả đạo diễn Phúc Hùng lẫn nhạc trưởng Đặng Nhật Minh, nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Duy Linh, Việt Anh đều nhấn mạnh đến yếu tố tiếp cận đại chúng trong mùa thứ bảy. Với tư cách là người chịu trách nhiệm chính cho phần vũ kịch, đạo diễn Phúc Hùng cho biết: “Ngoài phần balê kinh điển, phần hai của đêm vũ kịch sẽ là những tiết mục múa hiện đại”. Ông tỏ ra tự tin trong việc thu hút khán giả trẻ bởi những nội dung vũ kịch đó từng được thể hiện ở Nhà hát Thành phố và gặt hái nhiều thành công.
Trong đêm nhạc, nhạc sĩ Duy Linh còn “câu khách” bằng việc đưa tiếng mõ, tiếng chuông chùa vào tác phẩm của mình. Bên cạnh đó, anh sẽ phối hợp các làn điệu Trung cổ châu Âu với Quan họ, hát xẩm của Việt Nam theo xu hướng cross-over music (âm nhạc giao thoa) hiện đang rất thịnh hành trên thế giới và đã được nhiều nghệ sĩ nhạc nhẹ thực hiện như show Unlimited Symphony (giao hưởng - rock) của nhóm UnlimiteD, đĩa nhạc Li ti (giao hưởng - electronica) của Tùng Dương.
Ba đêm diễn (17, 18, 19/8/2011) tại thánh đường nhạc hàn lâm TP.HCM - Nhà hát Thành phố với sự xuất hiện của hàng loạt nghệ sĩ quốc tế cùng những tài năng Việt Nam - “những gì tốt nhất đang có” theo lời của HSBO đã sẵn sàng chờ đợi khán giả. Riêng đêm 29/8 sẽ là đêm dành riêng cho khán giả sinh viên - học sinh với giá vé chỉ 60.000đ.
“Chúng tôi chỉ như những người lót đường, và những bạn trẻ hôm nay cũng là những người lót đường cho sự phát triển của âm nhạc hàn lâm Việt Nam ngày mai. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cống hiến hết mình để tiến tới một Festival nhạc hàn lâm như mơ ước” - nghệ sĩ Trần Vương Thạch cam kết.
Bảy mùa Giai điệu mùa thu, những tài năng trẻ như Nhật Minh, Anh Sơn
(ảnh), Phúc Hùng… đã dần chinh phục khán giả - Ảnh: P.T.N.